Nói như thế nào để được lắng nghe? – Để lời nói đến với trái tim (P2)

Lifestyle Aug 1, 2020

Vậy làm sao để có khả năng thể hiện được suy nghĩ hay ý định của mình một cách trôi chảy? Để có thể làm cho những điều phức tạp trở nên đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu đối với người nghe? Làm sao để lời nói có nội dung cụ thể, có trật tự, chính xác mà vẫn có tình cảm và thú vị?


Trước hết bạn cần xác định rõ bản thân muốn nói gì, từ đó sắp xếp nội dung theo thứ tự, khi nói câu chữ cần phải hoàn chỉnh, cũng cần đảm bảo là người nghe hiểu đầy đủ ý của bạn. Hãy nhớ, lời không cần nhiều mà cần tinh tế. Mỗi quan điểm mà bạn nói ra, hãy trình bày nó ngắn gọn, rõ ràng và dễ hiểu. Điều đó làm giảm nhẹ gánh nặng cho người nghe, bởi họ sẽ không cần phải ngồi đoán ý của bạn cũng như không hiểu sai những gì bạn nói.

Hiểu sai là khi một người hiểu lầm lời nói, biểu cảm và động tác của người khác đồng thời đưa ra những suy luận dựa trên những sai lầm này.


Như bạn cũng đã biết, ngôn ngữ được cấu thành từ hai hình thức, một loại là ngôn ngữ bằng lời, một loại là ngôn ngữ cơ thể. Trong quá trình biểu đạt, có 55% thông tin được biểu đạt thông qua ngôn ngữ cơ thể, vì vậy, học cách vận dụng nó sẽ có lợi cho việc biểu đạt rõ ràng.

Nếu như ngôn ngữ cơ thể của bạn và thông tin bạn biểu đạt không giống nhau, người nghe sẽ không tin lời bạn nói. Do đó, trong quá trình biểu đạt, bạn cần chú ý đến loại ngôn ngữ cơ thể không có âm thanh này. Như việc giao tiếp bằng mắt, các động tác tay, tư thế cơ thể,... Chẳng hạn như mỉm cười lâu hoặc vẻ mặt ngạc nhiên kéo dài có thể là sự giả dối. Hầu như tất cả những biểu cảm chân thật, đáng tin sẽ biến mất sau 4 đến 5 giây. Hay những người nói chuyện mà không nhìn vào mắt đối phương đa phần là có cảm giác tự ti.

Khi phát biểu trước đám đông, đôi mắt, biểu cảm khuôn mặt và giọng nói của bạn cần vượt trội hơn so với nội dung mà bạn nói, bởi ngay từ lúc đầu người nghe sẽ quyết định là có nên lắng nghe bạn nói hay không. Cũng cần thể hiện sự tự tin, thái độ tôn trọng và chân thành đối với những người nghe của bạn.

Cre: Pinterest

Trong cuộc sống, vì những nguyên nhân như quan điểm khác nhau, thiếu hiểu biết về nhau, giao tiếp không hiệu quả, hay nghe người khác xúi giục,... mà giữa mọi người khó tránh khỏi những hiểu lầm.

Vậy nên, đôi khi bạn hãy nói ít đi và nghe nhiều hơn. Chỉ có lắng nghe ý kiến từ nhiều phương diện, hiểu đầy đủ tình huống mới có thể phân biệt phải trái, đưa ra phán đoán chính xác. Hãy mở rộng phạm vi chú ý cũng như nhìn mọi việc từ nhiều góc độ khác nhau. Chỉ tin tưởng lời nói của một bên thì khả năng cao bạn sẽ phạm phải sai lầm phiến diện.

Đừng xem quan điểm chủ quan như sự thật khách quan. Dùng cái nhìn thiên vị mà cho rằng đó là toàn bộ sự việc, đây là sai lầm mà rất nhiều người phạm phải khi biểu đạt. Trên thực tế, nó là một trở ngại trong nhận thức của mọi người, gây ra bởi việc không thể nhìn thấy nhiều khía cạnh của sự vật, sự việc hay vấn đề.

Bất kể sự việc hay con người đều đa diện. Vì vậy, trước khi nói chuyện, hãy dành thời gian suy xét chặt chẽ, toàn diện và khách quan. Quan sát người và sự việc từ nhiều góc độ, hãy mạnh dạn đặt giả thuyết cũng như cẩn thận tìm cách chứng thực cho quan điểm của bạn như vậy mới giúp cho quá trình phán đoán của bạn được chính xác, từ đó làm cho lời nói của bạn càng thuyết phục và có logic hơn.


Đọc nhiều sách cũng giúp ích cho việc giao tiếp của bạn, nó có thể làm phong phú từ ngữ cũng như cách dùng từ của bạn. Những tình huống trong sách đôi khi cũng là những ví dụ mà bạn có thể học tập để dùng khi nói chuyện với mọi người. Ngoài ra bạn cũng có thể rèn luyện qua việc viết, điều đó sẽ nâng cao khả năng biểu đạt bằng văn bản của bạn hơn.

Và một điều nữa mà bạn cũng cần lưu ý đó là suy nghĩ từ quan điểm của người khác hay nói cách khác là đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để suy nghĩ. Ai cũng muốn được thấu hiểu cả. Do đó, đôi khi bạn nên buông bỏ những thành kiến của mình để lắng nghe ý kiến của những người khác nhiều hơn nữa, như vậy mới có thể tránh khỏi nảy sinh những sai lầm không đáng có làm tổn hại đến mối quan hệ.

Tags

Stephanie Duong

If I don’t like myself the most, who else would?