Tuổi thơ tôi và ánh trăng xưa
Hồi nhỏ, cái cảnh gia đình hạnh phúc quây quần bên nhau mỗi dịp Trung Thu về, với tôi là một điều xa xỉ. Bởi ba mẹ đi làm ăn ở tận Sài Gòn nên tuổi thơ tôi chưa một lần biết hương vị ngọt ngào vào đem rằm tháng Tám với ba mẹ là gì. Dù vào đúng dịp đó tôi luôn được ba mẹ gửi bánh kẹo và lồng đèn, nhưng lòng bé thơ vẫn thấy thiếu thiếu cái gì đó không nhìn thấy bằng mắt được.
Nhưng xem ra tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều đứa trẻ trên đời này. Bởi tôi vẫn còn bà nội cạnh bên luôn yêu thương cùng tôi vui cảnh Trung Thu. Công việc làm vườn bận rộn là thế, nhưng chiều hôm bà đã lo dọn cơm ăn rồi hai bà cháu dắt tay nhau đi xem múa lân trọn vẹn những tháng ngày tuổi thơ đẹp đẽ.
Trung Thu ở quê tôi hồi đó vui lắm. Từ chiều mười ba, khắp đường làng ngõ xóm đã rộn ràng tiếng trống lân. Những đoàn lân đơn sơ không hiện đại như bây giờ. Chỉ là cái lân nho nhỏ, cái trống mượn ở trường học rồi một ông địa và mấy thầy trò đường tăng. Lân vào từng nhà múa cho mọi người thưởng thức rồi xin tiền.
Hồi đó nhà nào khá giả cho một trăm, năm chục. Nhà nghèo hơn thì hai, ba chục. Nhà tôi tuy nghèo nhưng nội dành dụm tiền bán mãng cầu để đợi các anh vào là cho tới một trăm. Bà bảo: "Con cháu chòm xóm chứ ai vô đâu, với lại mỗi năm chỉ có một mùa cho nhiều nhiều để bọn nhỏ mừng."
Ở vùng quê là thế đó. Con người ta có thể nghèo tiền bạc nhưng không nghèo tình nghĩa bao giờ. Hễ lân xóm mình vào dù ít hay nhiều ai cũng cho, gọi là chút lòng cho vui.
Xem lân xong bà dẫn tôi đi nhận quà của ủy ban phát cho các em thiếu nhi được tổ chức ở trường xóm. Ôi chao, cái không khí nhận quà nó đông vui như hội. Những khuôn mặt thân thương còn lắm ngây thơ đang háo hức đợi chờ những phần quà trao đến tay. Quà chẳng là bao vậy mà đôi mắt đứa nào đứa nấy cũng lấp lánh ngôi sao rạng rỡ đến diệu kì. Đúng là trẻ nhỏ.
Trẻ nhỏ nó dại lắm. Nó biết phân bì khi phần quà đứa khác nhiều hơn của nó, nó biết buồn khi đứa nào cũng có mà phần mình chờ hoài chẳng thấy. Nó chờ trong niềm hi vọng to lớn rằng trước sau gì em nào cũng có. Nhưng do quá đông trẻ em, một sự thiếu sót đã xảy ra. Có một đứa không có quà. Nó khóc như mưa bỏ chạy về nhà. Trung Thu năm đó chắc lòng nó buồn lắm.
Nó buồn nhưng tôi vui. Tôi được xem lân và nhận quà. Tôi còn được ngắm trăng nữa.
Không như những nơi phố thị choáng ngợp nhà cao tầng che khuất ánh trăng. Ở vùng quê yên bình rộng thoáng tha hồ mà ngắm. Ngồi ngoài hè tựa lưng vào cây cột trước nhà, đôi mắt hai bà cháu dán lên trời cao mà say sưa nhìn ánh trăng rằm.
Một năm có mười hai lần trăng rằm, duy trăng rằm tháng tám là sáng và đẹp nhất. Trăng của mùa Trung Thu gắn liền với tuổi thơ. Trăng cho tôi bao hoài niệm.
Tôi thấy trăng tròn vàng vàng đo đỏ ẩn khuất nơi hàng cây xa xa rồi hiện dần dần ra trước mắt. Trăng mọc càng lên cao càng sáng tuyệt đẹp và nhẹ tênh lơ lửng giữa bầu trời. Tôi hớn hở chớp chớp đôi mắt thích mê rồi đưa đôi tay bé nhỏ ra giữa không gian cứ muốn bắt lấy cho bằng được.
Bà cười hiền bảo:
- Con không bắt được trăng đâu.
Tôi ngây thơ mấy lời:
- Con thấy nó đâu có xa lắm đâu. Nếu cố gắng với tay nhiều lần biết đâu sẽ chạm được tới đó nội nhỉ?
- Không bao giờ chạm được. Ngó vậy chứ trăng ở cách xa ta lắm con à.
Giọng tôi bâng khuâng:
- Xa đến cỡ nào hả nội?
- Nội không biết nữa.
- Mà trăng từ đâu tới vậy nội?
- Nội cũng không biết luôn.
- Mà cũng ngộ thiệt nội ha. Trăng lơ lửng vậy mà không bao giờ rớt xuống đất hết trơn. Ước gì rớt xuống đất con sẽ bắt lấy trăng.
Nội hiền từ nói một điều sâu sắc mà sau nay lớn lên ngẫm nghĩ lại tôi nghiệm ra thật nhiều điều:
- Nếu trăng rớt thì bầu trời sẽ không còn đẹp nữa. Trung Thu không còn ý nghĩa gì. Trăng rớt chị Hằng và chú Cuội sẽ buồn con à. Cái gì không thuộc về mình dù có ước ngàn lần cũng vậy thôi. Trăng chiếu sáng để tất cả mọi người cùng ngắm chứ không phải để sở hữu đâu con.
Đêm đã khuya. Trăng dần khuất bóng sau mái nhà. Ngoài kia những tiếng trống lân cũng đã lặng im. Một mùa Trung Thu êm đềm đã đi qua.
Cái đêm ngắm ánh trăng quê ngày ấy mới đó mà hơn hai mươi năm mất rồi. Hơn hai mươi năm bao lần trăng tỏ rồi mờ, bao lần trăng tròn rồi khuyết và bao lần đến rồi đi. Trăng về chiếu sáng khắp thế trần cho đời vui một mùa Trung Thu trọn vẹn. Trăng đi để lại bao nhớ thương trong lòng mỗi con người. Và mong ước mùa sau khi tiếng trống "Tùng! Tùng!" vang lên trăng sẽ về với mọi người.
Hơn hai mươi năm đời người cũng biết bao thăng trầm chìm nổi bởi những quy luật và định mệnh nghiệt ngã của số phận. Bà ngày xưa nay đã tóc bạc lưng khòm. Cháu ngày xưa nay chỉ ngồi một chỗ. Bà muốn dẵn cháu đi chơi Tết thiếu nhi cũng không được nữa. Cháu muốn chở bà đi xem lân thời hiện đại lại càng là ước mơ.
Và khi mùa Trung Thu về cháu lại ngẩn ngơ nhìn trăng rồi lòng ước mơ bao điều. Giá như con người được như ánh trăng sẽ tốt biết mấy. Cứ vô tư, tự do giữa đất trời mênh mông không ưu phiền và nặng gánh cơm áo gạo tiền. Cứ treo lơ lửng tròn vành vạnh không một ai có thể làm của riêng mình, không ai bắt nạt. Mùa trăng ngắn ngủi nhưng không già và chết đi như kiếp nhân sinh. Trăng chung thủy không hề bỏ rơi con người. Hết mùa Trung Thu trăng ẩn mình như là lời hẹn ngày này năm sau sẽ lại xuất hiện rực rỡ nhất giữa bầu trời.
Bầu trời vẫn vậy chẳng hề thay đổi, chỉ có con người đổi thay thôi. Những đứa trẻ chí chóe đòi quà Trung Thu ngày nào nay đã có gia đình. Đứa trẻ nào khóc tội nghiệp vì không có quà chắc gì đã còn nhớ ngày xưa. Tất cả đều hối hả hòa mình vào nhịp sống sôi động và bận rộn những tháng ngày mưu sinh. Những ngôi nhà cao tầng thay cho mái ngói. Điện thắp sáng không còn lu hu bóng đèn dầu. Ai còn nhớ và thấy ánh trăng xưa?
Rồi một buổi chiều đẹp đẽ nào đó khi những tiếng trống lân ồn ào bên tai chúng ta mới giật mình hay rằng Trung Thu đã về. Mới đó mà rằm tháng tám rồi sao? Mới đó mà tuổi thơ của mình xa thật xa rồi sao? Một thoáng mơ hồ nhìn lên trời cao thấy hàng ngàn vì sao vây quanh ánh trăng tròn. Lấp lánh và rực rỡ. Lung linh và huyền diệu. Những màu sắc ấy đẹp biết bao nhiêu mà ta vô tình bỏ quên mấy mùa tháng tám rồi.