Trung Thu

Your Story Aug 8, 2022

Nhắc đến Tết Trung Thu, mọi người thường nghĩ đến những chiếc bánh Trung Thu như bánh Kinh đô hoặc câu chuyện về chú Cuội, chị Hằng và tất nhiên không thể thiếu vô vàn chiếc lồng đèn rực rỡ, nào là đèn ông sao, đèn cá chép, đèn kéo quân được tạo hình và uốn thủ công bằng những thanh tre dài và giấy bóng đủ màu sắc vô cùng bắt mắt hoặc những chiếc lồng đèn chạy bằng pin chỉ cần bật lên là lại vang lên bài hát quen thuộc:

"Tùng dinh dinh tùng tùng tùng dinh dinh‌‌                                    

Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn‌‌                                    

Tùng dinh dinh dinh dinh tùng dinh dinh‌‌                                    

Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi!"

Nhưng đối với em Trung Thu còn hơn như vậy nữa kìa, nó chứa đựng cả một bầu trời tuổi thơ, không chỉ là những cái bánh, những con lân và ông địa mà nó còn là sự ngây ngô, nhiệt huyết của một đứa trẻ. Nhắc đến Trung Thu phải nhắc lại lần đầu tiên em biết lễ Trung Thu là gì. Với sự phát triển của thời đại 4.0 như hiện giờ, những đứa trẻ thường dành thời gian cả ngày với những thiết bị điện tử thông minh, chúng không được biết đến những trò chơi dân gian, những trò chơi mà chắc hẳn các anh chị lớn khi nghe đến tên thôi cũng gợi lên biết bao nhiêu kí ức. Em cũng vậy, cho nên lần đầu tiên em biết đến lễ Trung Thu có lẽ là khi trường tổ chức phát quà bánh cho các em học sinh lớp một và mời đoàn lân ông địa đi từng dãy hành lang nhảy múa. Vào thời điểm đấy, đây là lần đầu tiên em biết được hình dạng của một con lân ngoài đời nhưng em nào đâu biết được đây là hình dạng của nó. Trong suy nghĩ của em lúc ấy bất chợt hiện lên rất nhiều những câu hỏi khác nhau. Ôi to quá, nó có thật không? Đây là con rồng ư? Sao nó lại to thế? Ông cầm quạt kia giống thổ địa quá. Vui quá đi mất! Và có một kỷ niệm đáng nhớ khi cứ chạy theo đoàn lân ngắm suốt và cười đau cả bụng khắp sân trường khi bị hù cho giật mình.

Tối hôm đó trên con đường đi học về nhà, những ánh đèn mập mờ tỏa ra từ những chiếc lồng đèn từ các hàng quán, những bài hát Trung Thu và những tiếng rôm rả nô đùa của người lớn lẫn trẻ con, chưa bao giờ em lại cảm thấy khung cảnh ấm áp, gần gũi của đồng quê lại hiện hữu ở một thành phố lớn như thế. Những tiếng trống lân, những đoàn lân đi dọc khắp các nẻo đường, người lớn trẻ nhỏ ào ra ngoài với những chiếc lồng đèn trên tay. Không còn không khí ảm đạm như hằng ngày, không còn những cánh cổng đóng kín nữa mà thay vào đó là một khung cảnh tuyệt đẹp biết bao, khung cảnh đó khó mà bắt gặp trong đời sống thường ngày với mỗi người phải mải mê chạy theo dòng thời gian tấp bật và bị cuốn theo guồng quay vội vã của cuộc sống. Trông thật lung linh và huyền ảo làm sao. Em cùng đám bạn cùng nhau trải những tấm chiếu ngồi trước cửa nhà, bà ngồi bên cạnh và kể chuyện về chú Cuội cho bọn em nghe. Chỉ nhớ giọng bà nghe thật êm đềm trong sự phấn khích của những đứa trẻ xung quanh, bà kể rằng: "Ngày xửa ngày xưa có một anh chàng tên là Cuội anh ta có cây đa thần có thể chữa được bách bệnh, vốn là một người hiền lành tốt bụng nên anh ta đã dùng cây để chữa cho người dân trong làng và may mắn có được một cô vợ xinh đẹp, nhưng do cô vợ tính hay quên nên đã làm cho cây đa bay lên mặt trăng, chú Cuội thấy vậy cũng ôm theo cây mà bay lên và kẹt ở Cung Trăng cùng với cây đa với chị Hằng. Về sau cứ mỗi khi trung thu đến chị Hằng và chú Cuội sẽ xuống trần gian một lần để tặng quà cho những đứa bé ngoan đấy các cháu ạ". Sau khi bà kể xong, đứa nào đứa nấy cứ há hốc mồm ra. Bỗng cái Chi thốt lên rồi chỉ tay lên trời:

- Ôi chúng mày ơi, nhìn lên Mặt Trăng kìa tao thấy có bóng ai đó có phải là chú Cuội ngồi dưới gốc cây đa phải không chúng mày, có phải không vậy bà?

Cả đám nhìn theo lên và hét lớn: "Ôi đúng rồi có bóng ai đó kìa, ôi đúng là chú Cuội, có hình ảnh cây đa nữa kìa". Cả bọn thích thú cầm lồng đèn chạy khắp xóm. Đứa nào đứa nấy cười tươi, một tay cầm bánh, một tay cầm lồng đèn vừa đi vừa ngân nga:

"Bóng trăng trắng ngà có cây đa to‌‌                                          

Có thằng cuội già ôm một mối mơ‌‌                                          

Lặng im ta nói cuội nghe‌‌                                          

Ở cung trăng mãi làm chi‌‌                                          

Bóng trăng trắng ngà có cây đa to‌‌                                          

Có thằng cuội già ôm một mối mơ."

Cứ như thế suốt những năm tháng, mỗi khi thấy những sạp quán bánh Trung Thu dựng lên, em đều kêu mẹ mua cho em một chiếc lồng đèn bằng giấy. Cho dù lần nào em cũng vụng về đốt nến cháy lồng đèn, cho dù có rước đèn té trầy cả chân thì em vẫn cũng sẽ cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được xem múa lân, khi được ngồi dưới xem văn nghệ do phường xã tổ chức hoặc chỉ đơn giản là được mấy hộp sữa và bịch bánh. Nhưng những thứ em nhận lại được lại rất nhiều mà tiền không thể mua được đó chính là sự ấm cúng quây quần của đêm Rằm Trung Thu được soi sáng dưới ánh trăng, những câu chuyện bà kể dưới ngọn đèn dầu trên tấm chiếu. Thật muốn đánh đổi lại những khoảnh khắc đó dù chỉ một lần. Vì bây giờ với công nghệ tiên tiến hiện đại. Mọi người đều bị cuốn vào nhịp sống vội vã, mấy ai lại biết được đêm Rằm thiếu nhi ngày xưa ra sao. Ai rồi cũng phải lớn lên và bị quấn vào những vấn đề cá nhân. Những đứa trẻ chỉ chăm chăm đến những chiếc điện thoại hoặc bận rộn với những tiết học thêm ngoài giờ thì làm sao có thể biết được cảm giác được cầm chiếc lồng đèn nô dùa chạy nhảy khắp các phố phường ngân nga những giai điệu quen thuộc ấy trong khi ngay cả những đứa trẻ đến trò chơi dân gian như ô ăn quan, nhảy lò cò, cướp cờ,... như ngày xưa chứ nói chi đến việc rước lồng đèn. Thay thế vào đó là những sự thờ ơ, lạnh nhạt, truyền thống văn hóa dân tộc ngày càng bị biến sắc, những chiếc lồng đèn thanh tre, nứa thay vào đó lại là những chiếc lồng đèn bằng nhựa có thể tự chạy. Việc này không hẳn là xấu vì những chiếc lồng đèn như vậy thường được làm rất bắt mắt với đèn chớp nháy thu hút trẻ nhỏ cũng như an toàn hơn vì không cần sử dụng nến nhưng việc tràn lan những chiếc lồng đèn như vậy sẽ lấn án và làm mất đi ý nghĩa giá trị vốn có của những chiếc lồng đèn truyền thống bằng thủ công từ thời ông cha đến giờ.

Kết lại bài này, mục đích em viết bài này là để nhằm mục đích chia sẻ đến mọi người những kỷ niệm quý báu của em thời bé vào mỗi dịp lễ Trung Thu cũng như muốn truyền tải đến thông điệp là: Tại sao chúng ta không sống chậm lại một chút? Gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc nhiều hơn nữa để chia sẻ gắn bó với nhau gần gũi để thêm tính đoàn kết dân tộc dù chỉ là qua một lễ Tết dành cho thiếu nhi như Trung Thu vậy.

Tags