Trung thu "Mồ côi"

Your Story Aug 19, 2022

Với đề tài “Hoài niệm ánh trăng xưa” tôi nghĩ đa số các bạn sẽ hoài niệm về dịp Trung thu đáng nhớ của những năm tháng hồn nhiên, vô lo vô nghĩ, những kỉ niệm cùng bè bạn. Riêng tôi, tôi chọn hoài niệm về Trung thu của những em nhỏ kém may mắn trong năm vừa qua. Bởi nó để lại cho tôi những suy nghĩ về cuộc sống và sự đồng cảm từ nỗi đau của các em nhỏ ấy. Một năm qua đi, Covid được giảm bớt, tuy nhiên nỗi đau năm đó vẫn như vừa mới hôm qua. Cuộc sống của những đứa trẻ đó giờ như thế nào? Liệu có phép màu nào đến với chúng giúp chúng vơi bớt đi phần nào nỗi mất mác? Thật sự tôi không hiểu được hết nỗi đau mà từng đứa trẻ phải gánh chịu. Tôi cũng chỉ là người ngoài cuộc, tôi tự nhận thấy bản thân mình may mắn hơn chúng vì tôi vẫn còn cha mẹ bên cạnh. Nhưng tôi biết không nỗi đau nào bằng nỗi đau mất người thân. Không phải tôi cố tình gợi lên nỗi đau, thật ra tôi muốn nói lên nỗi lòng của các em nhỏ bất hạnh từ góc nhìn cá nhân của tôi. Qua đó cũng là vài dòng gửi gắm, mong muốn các em sớm vượt qua.

Trung thu là Tết đoàn viên. Là dịp để chúng ta dành tặng nhau những chiếc bánh Trung thu, chúc nhau những lời chúc quen thuộc nhưng đậm tình người. Là dịp để người lớn cùng nhau ngồi lại ăn miếng bánh, uống miếng trà ngon và nói nhau về những câu chuyện cuộc sống (họ hay nói vui là chuyện trên trời dưới đất). Là dịp để những đứa trẻ tụ họp lại bên nhau, trên tay không quên cầm chiếc lồng đèn yêu thích cùng nhau đi khắp xóm nói cười vui vẻ nhưng cũng không quên khoe với đứa bên cạnh về chiếc lồng đèn của nó.

Một mùa Trung thu lại đến – Trung thu 2022, ngoài đường lúc này đang được bày bán rất nhiều loại bánh Trung thu và lồng đèn khác nhau. Đậu xanh hay Thập cẩm? Ông sao hay Cá vàng?

Thấy được không khí nhộn nhịp, tấc bậc chào đón Trung thu của mọi người, làm tôi nhớ đến Trung thu năm 2021 – năm COVID xuất hiện nhiều trên Trái đất này. Dịch bệnh truyền nhiễm lây lan cho cộng đồng, các cơ sở y tế/ mai táng quá tải,... Buộc Chính phủ phải ra chỉ thị “giãn cách xã hội” đóng cửa những nơi công cộng, người dân hạn chế ra đường hết mức có thể. Lúc đó, thức ăn, đồ sinh hoạt là những thứ không thể thiếu của chúng ta vậy mà cũng trở nên rất hạn chế. “Giãn cách” đường phố giờ chỉ còn lại là những nhân viên y tế, tình nguyện viên, chiến sĩ công an nhân dân khoác lên mình bộ đồ bảo hộ màu xanh với đôi tay trắng nhợt, khuôn mặt mệt mỏi nhưng luôn trong tư thế sẵn sàng nhất có thể khi nhận được thông báo có bệnh nhân cần cấp cứu hay phải chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm Covid. Tiếng xe cứu thương inh ỏi, len lõi trong các con hẻm, góc phố như hòa vào không khí đau thương của đại dịch. Người rời xa, người ở lại, người tan nát cõi lòng, người phải sống trong nỗi nhớ và sự cô đơn, khi mà người chồng/vợ, ông/bà, cha/mẹ, người hàng xóm tối lửa tắt đèn cũng đột ngột rời xa mà không lời từ biệt. Thời gian trôi qua nhưng nỗi mất mác lớn lao ấy biết lấy gì mà bù đắp được đây?

Có lẽ, đối với nhiều người trong giai đoạn ấy Trung thu không còn là Tết đoàn viên nữa. Đặc biệt là những em nhỏ - người luôn háo hức mỗi dịp Trung thu về để được rước đèn ông sao. Trung thu mùa Covid trở nên thật trống vắng, đau xót, đứa mất cha, đứa mất mẹ hay có đứa mất cả cha lẫn mẹ, không còn người thân phải sống nương tựa vào những mái ấm tình thương. “Nếu như…nếu như Cha Mẹ vẫn còn bên cạnh thì giờ mình đâu có như vầy, mình đâu có làm ướt gối nhiều đêm, mình đâu có cảm thấy bơ vơ, mặc cảm khi ngoài kia các bạn đều có Cha Mẹ sắm cho lồng đèn mới, quần áo mới, chở mình đến những khu vui chơi,… Trung thu năm nay không còn hơi ấm quen thuộc ấy nữa rồi.”

“Trung Thu trăng sáng Mẹ ơi!

Mình con lạc lõng giữa trời mồ côi”

(Trích thơ “Ước ánh trăng rầm” - Dương Tuấn)

Chưa từng nói lời yêu thương ngọt ngào dành cho Cha Mẹ, chưa kịp đền đáp công ơn nuôi dưỡng, chưa xin lỗi vì đôi lúc làm Cha Mẹ buồn… nhưng…đã không còn cơ hội để bù đắp lại được nữa rồi. Đau buồn thay khi có những em nhỏ còn chưa thể cảm nhận được nỗi đau ấy, chưa cảm nhận được thế nào là hai tiếng “Mẹ” “Cha”, có những em mà số tháng tuổi nay lại bằng chính số tháng ngày mất của mẹ mình đã phải mang trên người hai chữ “mồ côi” trên suốt quãng đời còn lại và có những em chỉ mới đón được vài mùa Trung thu nhưng đã không còn thuộc về thế giới này nữa. Đây ắc hẳn là Trung Thu không thể quên của những đứa trẻ kém may mắn ấy và cũng là cảm xúc khó tả mỗi mùa Trung thu về.

Nhưng các em à! Các em có biết vì sao bên trong mỗi lồng đèn lại có đèn cầy không? Bởi ánh lửa từ đèn cầy có màu vàng như lời nhắc nhở rằng: “các em đừng cảm thấy cô đơn vào mỗi dịp Trung thu hay lễ, Tết nữa, vì đã có tôi bên cạnh các em rồi, những lúc như thế các em có thể đánh một chiếc quẹt lửa hay que diêm thì tôi sẽ xuất hiện ngay đó. Hãy thử xem nhé!”

Chỉ còn vài ngày nữa là Trung thu 2022 đến rồi. Tôi hi vọng các em sẽ quên đi phần nào những nỗi mất mác, đau thương mùa Trung thu vừa qua để có thể bước tiếp, sống tốt, hạnh phúc trong các mùa Trung thu tiếp theo. Đặc biệt, luôn nhớ giữ nụ cười hồn nhiên trên môi, tuy thiếu đi sự dạy dỗ của người thân nhưng hãy lớn lên là một người có ích, tử tế đấy các em ạ.

“Đến một ngày chúng ta nhìn lại chặng đường đi qua và thầm cảm ơn vì những chuyện đã xảy ra. Dù buồn, dù vui, dù ngắn, dù dài, dù cách xa vài tiếng đi xe, dù không còn thấy mặt nhau trên cõi đời này nữa. Tất cả do số phận sắp đặt, chúng ta không thể làm gì khác. Chỉ là sau những lần đấy, chúng ta có thêm một bài học về sự trân trọng, biết ơn và trưởng thành, mạnh mẽ đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống.”

Chúc cho những ai đọc được bài viết này có một mùa Trung thu ấm áp bên người thân, bạn bè và hãy trân trọng từng khoảnh khắc đẹp đẽ bên nhau.

Tags