Trung Thu là Tết đoàn viên

Your Story Sep 14, 2022

Ý nghĩa của Tết trung thu là gì?

- Tết trung thu là rằm tháng tám Âm Lịch là ngày mà trăng tròn nhất trong năm, biểu thị cho sự tròn đầy vẹn toàn và cũng là Tết đoàn viên. Đoàn trong đoàn tụ, viên trong thành viên của gia đình. Đoàn viên chính là ngày tết mà các thành viên trong gia đình đoàn tụ với nhau.

Trung thu năm nào cũng có, trăng cũng có năm sáng năm không nhưng chẳng biết từ bao giờ trung thu trong nhà chẳng bao giờ đủ người nữa. Hình như dần dần cùng với sự trưởng thành của tôi cái ngày gọi là Tết đoàn viên đó chẳng biết đến bao giờ mới có thể đầy đủ thành viên trong nhà.

Hồi đó vì còn nhỏ nên tôi không được đi chơi trung thu như chị mà trung thu của tôi chỉ nghe qua lời kể của chị. Chị khoe rằng hai anh chị nhà hàng xóm một người hóa thân làm chú Cuội, một người hóa thân thành chị Hằng. Lúc đó tôi ước gì mình lớn thật nhanh để có thể cùng chị gái đi chơi trung thu. Mỗi mùa trung thu tôi đều rất háo hức. Chị tôi dạy tôi làm đèn lồng bằng vỏ bưởi, còn cắt giấy khắp nhà lấy cơm nguội để làm nhưng thành quả của chúng tôi đều méo méo mó mó chẳng rõ hình thù. Nhưng tôi vẫn vui vẻ cầm cái lồng đèn bằng vỏ bưởi bốn cánh đi khoe với mấy anh trong xóm, vì xóm tôi gần như chỉ có tôi và chị gái là con gái, mà chạc tuổi chúng tôi cũng đều là mấy anh. Hồi đó mấy anh lúc nào cũng trêu tôi, chọc cho tôi khóc chạy về mách mẹ, chơi trốn tìm ở nhà tôi còn chạy về nhà trốn làm cho tôi cũng chạy xuống nhà anh chơi, về nhà bị chị gái đánh đòn. Tôi khóc rất dai đã khóc thì phải khóc cả tiếng, còn vô cùng ương bướng nữa. Tôi hồi nhỏ rất nghịch, là con gái nhưng mà vì nhà không có con trai nên mẹ đều cắt tóc cả hai chị em nhìn y chang con trai và chúng tôi nghịch chẳng kém gì mấy thằng anh. Thấy chị gái bị người ta bắt nạt tôi còn ném thẳng nắm cát vào mặt người ta. Về nhà bố mẹ đều mắng một trận vì tội nghịch ngu. Trời thu quê tôi chẳng mấy dễ chịu thi thoảng tối còn hay mất điện. Lúc chị em tôi còn bé thì cả nhà kê chõng tre ra hè nằm. Cái chõng tre bé xíu có lúc tôi nhảy lên còn vang tiếng kẽo kẹt. Lớn chút thì trải chiếu ra hè, đợt ấy có mưa sao băng thế là mấy bố con nằm chờ ngắm mưa sao băng tới gần ba giờ sáng. Trung thu trong tuổi thơ tôi không có đèn lồng rực rỡ chỉ có những ánh nến leo lắt bên trong vỏ bưởi hình cánh sen, chỉ có những nụ cười giòn tan của đám trẻ trong xóm, không có trống thì cũng lấy que ra gõ cho vui tai.

Hồi đó với tôi ánh trăng nho nhỏ treo trên cao là một thứ gì đó huyền bí lắm, tôi ham chơi nhưng cũng thích đọc những câu chuyện cổ tích. Nhìn lên ánh trăng to to tròn tròn kia giống như vầng trăng thật sự có cây đa với chú cuội. Rồi tôi còn tưởng tượng ra đủ thứ trên đời, tâm tư của một đứa trẻ non nớt đối với ánh trăng là cả kho câu chuyện huyền bí, là thứ gì đó mà tôi chỉ có thể nhìn mà chẳng thể chạm đến. Trăng sáng rọi khắp nơi khiến cho ban đêm chẳng còn bị bao chùm bởi bóng tối đáng sợ nữa, tôi thích ngắm nhìn ánh trăng chiếu xuống mặt nước lăn tăn nhìn y như một dòng lấp lánh vậy. Trung thu thích nhất là khi mẹ thắp hương xong lúc đó sẽ được ăn bánh trung thu. Hồi đó nhà tôi nghèo, bánh trung thu chủ yếu là cậu tôi từ Hà Nội mua về cho, mùi vị ngọt béo ngậy ngậy. Mẹ còn dặn đem xuống biếu cho nội, bà tôi rất thích ăn đồ ngọt và tôi cũng thế, vậy nên hồi đó chiếc răng nào của tôi cũng sâu. Vì mỗi lần xuống chơi với bà là tôi lại ở lại ăn chực cơm nhà bà vào rằm thì sẽ có bánh kẹo. Nên tôi thích xuống bà chơi lắm, nhất là trung thu bà thi thoảng sẽ nấu cháo bầu đỏ. Vị cháo ngọt thanh đó quấn lấy tuổi thơ tôi.

Tôi lớn dần, anh chị nhà bên đều chuyển đi hết ngôi nhà đó bỏ hoang, tôi chẳng còn có cơ hội thấy chú Cuội và chị Hằng trong lời chị gái kể nữa. Tôi lớn rồi nhưng gần như trung thu tôi chẳng thích thú đi chơi, chẳng còn đem đống giấy màu cùng cơm nguội ra dán lồng đèn nữa. Chẳng biết từ khi nào, anh chị đều lớn cả mình tôi bé nhất tôi không nghe hiểu những câu chuyện họ nói cùng nhau nữa. Từng người anh người chị cứ vậy dần dần lớn lên và rời nhà, người đi học người đi làm. Ánh trăng trên cao cuối cùng tôi cũng hiểu ra đó chỉ là một hành tinh xa xôi, chẳng có những phép màu như trong truyện cổ tích nữa. Năm tôi lên cấp hai bố tôi đi làm xa trung thu dần trống vắng đi một người. Rồi bà tôi cũng mất, ngày bà mất chỉ sau rằm một hôm trăng cũng rất sáng, sáng đến chói mắt. Từ ngày chị gái đi học trung thu năm nào cũng thế tôi chẳng còn cảm nhận được sự trọn vẹn của ánh trăng nữa. Năm tháng cấp ba của tôi gắn liền với bài vở, đôi khi tối đi học về qua nhà văn hoá vẫn thấy lũ trẻ ở đó chơi đùa, nghe vọng lại những bài hát thân quen tùng ring ring... Còn tôi thì núp ở nhà không học bài thì cũng chơi điện thoại.

Lại một mùa trung thu qua đi, trăng trên đầu vẫn tròn vành vạnh giống như khi tôi còn bé, nhưng trăng với tôi chẳng còn sự huyền bí diệu kì năm nào. Bạn bè người về quê cùng bố mẹ người thì đi chơi chỉ có tôi một mình đi trên con đường tấp nập về khu trọ nhỏ. Tôi chẳng đi chơi, nhà quá xa chẳng thể về. Trăng vẫn thế vẫn là người bạn, vẫn là nơi mà tôi nhớ về những người thân của tôi khi xa xứ. Đôi mắt ngày nào còn trong veo nhìn lên ánh trăng đó để mơ mộng những câu chuyện cổ tích, giờ bóng dáng trăng nhạt nhòa trong đôi mắt cận của tôi. Trung thu năm nay chỉ có mình mẹ ở nhà còn lại tôi, bố tôi và chị gái mỗi người một phương. Có lẽ trăng luôn ở đó luôn tròn đầy luôn sáng tỏ để khỏa lấp đi sự thiếu vắng của người thân không thể bên cạnh chúng ta. Nhưng trăng sáng ngàn năm vành vạnh trên bầu trời cao đó trăng cũng chỉ có thể le loi cô độc một mình. Có lẽ chính vì sự cô độc đó mà trăng trở thành người bạn của thi sĩ, tôi vẫn nhớ câu thơ của Lí Bạch “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/Cúi đầu nhớ cố hương” chỉ có thể nhớ mà không thể về. Tôi thật muốn vứt bỏ mọi thứ chạy trốn khỏi thành phố này chạy về nhà với mẹ, nhưng mà khi gọi cho mẹ tôi vẫn vui vẻ, lạc quan như cách để tôi cảm thấy tốt hơn.

Chúng ta vì cuộc sống cơm áo gạo tiền, vì áp lực cuộc sống xô đẩy mà rời xa mái nhà của mình. Mùa trung thu đến cũng chỉ có thể ngưỡng vọng trăng tròn mà nhớ, mà thương thôi. Tôi cứ thế thu mình trong căn phòng nhỏ, con hẻm chật hẹp ánh trăng cũng chẳng thể với tới. Tôi càng lớn càng cảm thấy hai chữ “đoàn viên” dần dà xa vời khi ngay cả Tết chị gái tôi cũng không thể về. Ngày lễ ngày Tết là để chúng ta nghỉ ngơi, để chúng ta có cớ có dịp mà quay về nhà nhưng hình như càng lớn nhà lại càng xa.

Tags