Trăng tròn trong ký ức xưa

Your Story Aug 14, 2022

Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu

Cán đây rất dài cán cao qua đầu

Em cầm đèn sao em hát vang vang

Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan

Tùng dinh dinh tùng tùng tùng dinh dinh

Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn

Tùng dinh dinh dinh dinh tùng dinh dinh

Ánh sao Bác Hồ tỏa sáng nơi nơi.

Có lẽ đây là giai điệu quen thuộc gắn liền với tuổi thơ của chúng tôi. May mắn làm sao, tôi được sinh ra trong vùng quê nghèo của huyện lúa, nơi mà ngày ấy không có những chiếc smartphone, những chiếc tivi với đầy đủ chương trình truyền hình. Đối với chúng tôi ngày ấy, Trung Thu là dịp để vui đùa, rước đèn, phá cỗ,... Tôi vẫn còn nhớ ngày đó, cứ đến dịp Trung Thu là bố tôi lại đưa tôi đi mua những chiếc đèn ông sao, những chiếc đèn khi ấy chỉ được làm bằng tre, được bao bọc bằng giấy bóng màu rất đẹp, khi thắp trong đó ngọn nến, ánh sáng được phản chiếu lên giấy bóng ấy lung linh rất đẹp. Khi ánh trăng treo lơ lửng trên bầu trời đầy sao kia, bọn trẻ chúng tôi lại bập bùng trống ếch rước đèn. Đứa nào đứa nấy đều nở những nụ cười thật hồn nhiên và ngây thơ. Thật ra, chiếc đèn đó không đẹp đến mức như thế nhưng nó lại chứa đựng tất cả kỉ niệm tuổi thơ, tình cảm của bố mẹ dành cho tôi. Hay những lần ngồi chờ phá cỗ Trung Thu. Chắc hẳn, những chiếc đèn ông sao, bánh Trung Thu hay lễ phá cỗ Trung Thu không còn quá xa lạ đối với chúng ta, nhưng lại có mấy ai tìm hiểu rõ về những điều ấy.

Ngày bà ngoại tôi còn sống, cứ đến Trung Thu chúng tôi lại ngồi nghe bà kể chuyện. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc mà đến giờ tôi không còn được thấy nữa. Theo như ngoại từng kể, tập tục phá cỗ Trung Thu là một phong tục từ rất lâu của người dân Việt Nam. Việc chuẩn bị một mâm cỗ đầy đủ các loại bánh và trái cây với hi vọng cầu mong tổ tiên cho mưa thuận gió hòa, gia đình luôn bình bình an an, và sự ấm no đến cho gia đình. Sau đó là đến việc phá cỗ đem lại niềm vui cho trẻ em và tăng sự gắn bó, khăng khít, giúp cho thành viên trong gia đình được quây quần bên nhau.

Tiếp theo là những chiếc đèn ông sao. Những chiếc đèn sáng rực rỡ nhưng lại mang trong mình những ý nghĩa riêng biệt nhau. Như chiếc đèn ngôi sao năm cánh tượng trưng cho sự cân bằng và hài hòa trong các mối quan hệ trong cuộc sống, giữa người với người và giữa người với vạn vật. Chiếc lồng đèn cá chép lại mang ý nghĩa cho những cố gắng không ngừng và vươn lên vượt khó trong mọi hoàn cảnh. Hay những chiếc lồng đèn kéo quân với biểu tượng của sự hiếu thảo, tình yêu thương của những người con dành cho ông bà, bố mẹ. Và sau cùng là những chiếc lồng đèn tròn mang lại nét đẹp nhẹ nhàng của ánh trăng, cùng ước nguyện cảm tạ trời đất cho một màng mùa bội thu.

Và một thứ không thể thiếu trong mỗi dịp rằm tháng 8 là những chiếc bánh Trung Thu. Ở Việt Nam gồm hai loại bánh truyền thống là bánh dẻo và bánh nướng. Nếu bánh dẻo với hình tròn thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn và trắng ngà trong biểu tượng ý nghĩa “đoàn viên gia đình” và nhất là tình yêu khăng khít giữa vợ chồng với nhau, thì bánh nướng với vị mặn của trứng muối bị vị ngọt của những nguyên liệu khác trung hòa. Điều này gợi cho ta đến một liên tưởng: trong cuộc sống, dù thường ngày có nếm trải qua bao nhiêu đắng cay khổ sở thì vẫn có những người thân luôn bên ta, bao bọc chở che ta và trao cho ta vị ngọt của tình thương của cuộc sống. Cũng giống như chiếc bánh Trung Thu, trong mặn có ngọt tạo nên vị đậm đà trong cuộc sống.

Tuy nhiên, với xã hội phát triển như hiện nay, những điều tốt đẹp đó mất dần đi giá trị vốn có của nó. Trung Thu càng đến gần, những mẫu mã lồng đèn điện xuất hiện càng nhiều, dần chiếm lĩnh thị trường và tâm trí của bọn trẻ. Những chiếc lồng đèn ông sao, lồng đèn kéo quân,... ngày càng ít dần đi. Và niềm vui ngày rằm Trung Thu đã dần dần chỉ còn là kỷ niệm, là ước muốn xa vời của tôi. Người ta thường nói, Trung Thu là tết đoàn viên nhưng dần dần chỉ còn lại là cái đoàn viên qua màn hình điện thoại. Chẳng còn những bữa cơm bên nhau, những cái ôm thắm thiết hay những nụ cười trên môi như trước. Nhưng đối với tôi, mỗi mùa Trung Thu qua đi là một lần tôi nhận thấy sức khỏe của tôi yếu hơn từng ngày. Có lẽ, đã rất lâu rồi, tôi không còn được đi rước đèn, ngày trước thì do bận học, bây giờ thì đôi chân không còn nghe lời nói của tôi nữa. Có những thời điểm, bản thân chúng ta thấy những điều đó là dĩ nhiên cho đến khi chúng ta mất hẳn nó, ta mới biết nó đáng quý đến nhường nào. Nếu có một điều ước, tôi ước rằng bản thân mình có thể quay lại thời điểm 7, 8  năm trước, khi mà tôi vẫn còn có thể tận hưởng những điều ấy, để tôi có thể nói với bản thân mình khi ấy hãy cứ sống trọn vẹn trong từng khoảnh khắc đi, đừng lãng phí thời gian tươi đẹp đó. Có lẽ không chỉ riêng bản thân tôi, mọi người cũng đang dần lãng phí thời gian của bản thân để chạy theo xã hội ngày nay mà bỏ lại những điều tốt đẹp, những khoảng lặng nhưng hạnh phúc bên cạnh gia đình. Bởi vì những điều ấy một khi đã đi qua thì mãi mãi không bao giờ lấy lại được.

Nguyễn Thùy Giang

Tags