Trăng có vị gì?

Your Story Sep 3, 2022

Năm tuổi, trăng trong mắt tôi là một “chiếc bánh” biết phát sáng, ở xa thật xa, mà cứ đến dịp trung thu lại thấy một thằng nhóc loay hoay trên chiếc thang gỗ của người lớn rồi tìm cách tới gần “chiếc bánh” kỳ lạ kia. Khi ấy, trăng là thức quà ngọt ngào nhưng rất đỗi xa xỉ mà có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ được nếm thử. Trăng là mùi vị hứa hẹn đầy hấp dẫn của mẹ cha mỗi khi tôi vỗ ngực chắc nịch sẽ không phá phách nữa. Cứ thế, cái dư vị của trăng len lỏi vào tâm hồn của đứa trẻ thơ, dung dưỡng nó, để rồi gieo vào nó những hoài niệm về cảm giác tiếc nuối trước một “món ăn” ngoài tầm với.

Mười tuổi, trăng trong tôi là những ý niệm hoang sơ về một thực thể ở ngoài vũ trụ. Bấy giờ tôi chẳng còn muốn nếm thử chiếc bánh hình trăng kia nữa, trăng hóa ra chỉ là một cục đá khổng lồ, thô kệch và xấu xí. Thế nhưng tôi lại nghe ra những mùi vị khác của trăng. Ấy là vầng trăng in trên chiếc bánh dẻo trắng nõn tan trong miệng những gì ngọt ngào nhất của cuộc đời từ hương vị của nhân đậu xanh. Là vầng trăng mà ở đó tôi cảm nhận được những gì nhiệt huyết, rực rỡ nhất của niềm vui tuổi thơ bên những cô những cậu bạn bằng vai phải lứa trong đêm phá cỗ. Trăng khi ấy còn là cái tròn đầy của vòng tay viên mãn bao quanh tấm lưng của cha khi chở tôi về sau đêm liên hoan. Trên chiếc xe đạp lạch cạch tiếng phụ kiện va vào sỏi đá mà tâm hồn tôi đã treo lửng lơ trên gốc đa của chú Cuội để đắm mình trong cái sáng trong, rạng ngời của vầng trăng rằm. Để khi cái xóc đột ngột của yên xe đưa tôi về thực tại, tôi mới biết mình cũng đang ôm một vầng trăng trước mặt.

Mười năm tuổi, trăng là mùi mồ hôi thấm đẫm trên trang giấy của thằng nhóc mọt sách đang trăn trở với những kỳ thi cuối cấp. Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới trong khi phố phường đang rộn ràng với tiếng kèn, tiếng trống, tiếng nói, tiếng cười dịp tết Thiếu nhi, thì năm đó, tôi đã từ chối những niềm vui tuổi thơ cuối cùng để vùi đầu vào học hành. Vị của trăng có lẽ chỉ còn nếm được qua những con chữ khô khan trên sách giáo khoa, là những ám ảnh về việc nhồi nhét những trang văn phân tích bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy vào đầu. Trăng khi ấy hay chăng là một mẩu socola mà khi ăn tan trong miệng là cái ngọt nơi đầu lưỡi để rồi nuốt vào mới thấy thật cay đắng làm sao. Cái ngọt đến từ những điểm 9 điểm 10 thỏa mãn niềm khoái lạc của bất kì một học sinh nào để rồi nhìn lại những niềm vui bị đánh đổi tôi mới đắng lòng tiếc rẻ. Trong ấy có cả niềm vui của đêm trung thu mà tôi bỏ lỡ hay cố tình bỏ quên.

Hai mươi tuổi, trăng lạnh lẽo, cô liêu, trăng ngập tràn mùi vị khói bụi của mảnh đất Thủ đô. Trăng giờ đây chỉ còn là thực thể mờ ảo tựa như đốm sáng lủng lẳng trên trời cao được khúc xạ qua đôi mắt đã nhòe đi vì cận thị. Cái tuổi rực rỡ nhất của cuộc đời nhưng tôi đã không còn đủ động lực và nhiệt huyết để dạo chơi ngoài phố phường hay hòa vào không khí của ngày tết Trung thu huống chi là ngước lên nhìn cái vầng trăng xa lạ kia… Trăng trung thu sao nồng nặc mùi xe cộ, mùi đông đúc xô bồ của con người nơi phố thị phồn hoa. Ánh sáng cao ốc đã nuốt chửng cái sắc trắng trong trẻo của trăng rồi còn đâu. Giờ đây, vầng trăng Thủ đô sao xa lạ và lạnh lùng đến thế. Trăng trong cậu thanh niên trẻ kia nên chăng chỉ là chút dư vị thương nhớ quê hương xứ sở xen chút tiếc buồn những tháng ngày cùng gia đình còn đọng lại nơi cuống họng mỗi dịp tháng 8 âm lịch. Trăng không còn là vị đắng cay của nuối tiếc mà là cái đắng chát của những áp lực của tuổi mới lớn khi lần đầu thực sự rời xa tổ ấm. Trăng là hương vị của nỗi niềm hoang mang, vô định trước ngưỡng cửa mang tên “tương lai”. Trăng của tuổi 20 lạnh lẽo, cô liêu nơi xứ lạ.

Hình như trăng vốn chỉ là trăng. Trăng vẫn ở đó. Trăng vẫn sáng, vẫn tròn dù có phải đêm trung thu hay không. Trăng không thay đổi mà nếu có đổi thay thì cũng là do người ngắm nó – bản thân tôi.

Nếu ví trăng là những món ăn có màu sắc, hương vị khác nhau mà tôi là một vị khách không mời mà đến lạc vào bữa tiệc trăng ấy, thì có lẽ những món ăn địa phương này không phù hợp với khẩu vị của vị khách khó tính kia rồi. Nhưng thật may sao, món “trăng tráng miệng” mà tôi vô tình được thưởng thức vào đêm trung thu vài năm trước lại đem đến một hương vị đầy bất ngờ.

“Món trăng” này biết ca hát, biết nhảy múa, và quan trọng hơn cả là nó có mùi vị thật tuyệt. Vầng trăng ấy là TWICE – một nhóm nhạc nữ mà cậu thanh niên kia vô tình bắt gặp giữa đường đời tấp nập. Ánh trăng trong ngần, ngân nga qua từng câu hát của những cô gái đặc biệt:

You and I

Dancing in the moonlight

Kiss you when the moods right.”

(Anh và em

Nhảy múa dưới ánh trăng này

Trao nhau nụ hồn khi xúc cảm đôi ta đồng điệu.

Ánh trăng này sao có thật nhiều hương vị. Nó khác với chiếc bánh mì pate nhiều thịt nhiều trứng, nó khác với món súp rau củ tôi ăn vội ở circle K, và chắc hẳn nó cũng không giống với bất kì món ăn nào trên đời này. Bởi vì nguyên liệu của món ăn này là sự phản chiếu những gì hạnh phúc nhất mà tôi từng trải qua. Những cô gái ấy cách xa tôi hàng ngàn cây số, tựa như khoảng cách mà hồi 5 tuổi tôi từng cảm nhận được ở vầng trăng trên trời; nhưng riêng vầng trăng này lại có sức truyền cảm mạnh mẽ, nó chiếu rọi những ánh sáng của niềm lạc quan, hân hoan về cuộc sống tới những khoảng trống trong tâm hồn của một cậu bé chưa thực sự lớn để rồi khi nó lớn lên và thành “tôi” của bây giờ; ánh trăng kia vẫn rực sáng bất kể ngày hay đêm, vui hay buồn.

Vậy tóm lại trăng có vị gì?

Không quan trọng nữa. Trăng hãy cứ là trăng. Người ta thường nói nhiều về trăng hơn bất kì nguồn sáng khác bởi có lẽ: trăng chỉ xuất hiện khi màn đêm đã ngả xuống. Con người cũng vậy, chúng ta thích hướng về ánh sáng, nhất là ban đêm khi chỉ còn một nguồn sáng để ta nhớ về, ấy là khi trăng mới kết nối được với những tâm hồn, bao gồm cả tôi. Những mùi vị của trăng tôi cảm nhận được qua năm tháng thật ra chỉ là sự loay hoay khi thưởng thức trăng giữa ban ngày. Sự thực trăng vẫn ở trên đó bất kể ngày hay đêm, chỉ là tôi bị choáng ngợp trước cái chói rực của mặt trời, của dòng đời tấp nập, nên chăng tôi mới cảm nhận được mùi vị của trăng thành những món ăn không hề ngon lành, để rồi khi “màn đêm” thật sự buông xuống – ấy là lúc tôi mới thấy mùi vị của trăng thật hoàn hảo. Trăng có vị gì không quan trọng nữa, trăng vẫn cứ là trăng, quan trọng là cách thức chúng ta tận hưởng vầng trăng ấy. Bánh nướng, bánh dẻo bình thường cũng được bày bán đó, nhưng hình như nó chỉ ngon và thực sự ngon khi thưởng thức trong không khí những ngày này. Cũng như cuộc sống vẫn trôi qua, tốt xấu gì cũng là lựa chọn của mỗi người; nhưng lựa chọn sao để khi sau bữa tiệc tàn, còn lại trong ta là dư âm của những món ăn thượng hạng thay vì những bực dọc vì không hợp khẩu vị.

Trung thu đang đến gần, liệu bạn đã biết cách thưởng thức hương vị “trăng” hay chưa?

Tags