Trăng
Trung Thu vốn là ngày tết dành cho thiếu nhi nhưng cũng là dịp để người lớn nhìn lại tuổi thơ mình. Vì ai trở thành người lớn mà chẳng trải qua một thời thiếu nhi đầy ngây ngô và thơ dại. Chúng ta thường níu kéo, luyến tiếc những thứ thuộc về quá khứ và chợt nhận ra có những khoảnh khắc chỉ đến duy nhất một lần trong đời, có những cảm xúc ta chỉ có thể lặng lẽ cất sâu trong tim, và có những hình ảnh chỉ còn có thể lưu lại trong hồi ức. Mùa Trung Thu năm ấy qua rồi, cớ sao lòng tôi mãi vương vấn như thế…
Khi những giọt nắng cuối hạ yếu ớt nhả từng giọt lên khóm cúc họa mi trên đồng vắng, khi từng cơn gió heo may mang theo biết bao hoài niệm của mùa yêu thương, đoàn tụ. Và khi đâu đó, trên phố thị đã lấp lánh những sắc màu xanh đỏ của bánh mứt, đèn hoa rực rỡ, ấy cũng là lúc mùa Trung Thu đã trở về.
Phố chiều nay đông đúc, náo nhiệt. Kẻ bán, người mua tấp nập ngược xuôi. Đèn hoa giăng ngập lối. Một cô bán hàng rong vội vã đôi gánh đi qua: “Ai lồng đèn, bánh mứt không?”. Lòng chất đầy phiền muộn, tôi tự hỏi “Ai bán cho tôi 1 giờ quay về tuổi thơ không?”
Tôi may mắn có được một tuổi thơ vằng vặc ánh trăng rằm. Trăng thắp sáng tâm hồn tôi, làm đẹp tuổi thơ tôi. Chợt ngoảnh lại, tuổi thơ bay mất. Mới đó mà...
Dạo ấy, cứ khoảng gần một tháng nữa mới đến Trung Thu, xóm tôi đã tất bật chuẩn bị mọi thứ cho đêm Trăng rằm. Đám trẻ chúng tôi háo hức, mong chờ, chạy ngược xuôi đi tìm nào là tre, nào là keo dán, nào là những tờ giấy đầy màu sắc để đua nhau làm đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân,… Khi những chiếc đèn hoàn thiện, lũ trẻ chúng tôi lại đi xem sản phẩm của nhau và so sánh cái nào đẹp hơn rồi khen chê, bàn luận làm xôn xao cả xóm. Đâu đó tiếng trống ếch, trống cái vang lên làm tâm hồn đứa nào cũng nhộn nhịp, chỉ mong sao nhanh nhanh đến đêm Trăng rằm.
Cuối cùng thì đêm Trung Thu mà chúng tôi hằng ao ước, mong chờ cũng đã đến. Năm, sáu giờ chiều, đám trẻ chúng tôi đã háo hức chạy ùa ra ngoài, theo dòng người, cầm những chiếc đèn mới tự chế chạy theo đoàn lân, nghêu ngao hát. Chạy mệt, chúng tôi lại cùng nhau phá cỗ, nói chuyện, nô đùa rồi cười phá lên. Tất cả những điều đẹp đẽ ấy đã viết nên hồi ức tươi đẹp của tuổi thơ tôi, nhưng thứ làm tôi luôn trăn trở, luyến nhớ, đó là vầng trăng khi ấy. Trăng luôn dõi theo bước chân tôi, khi tôi rước đèn, trăng nhả từng giọt vàng óng soi sáng muôn nẻo đường làng, khi tôi phá cỗ, trăng thắp sáng mâm cỗ Trung Thu cho đám chúng tôi vui chơi thỏa thích.
Khi từng đoàn người bắt đầu rệu rã, những bước đi bắt đầu nặng nề, ai trở về nhà nấy, bố mẹ tôi lại dắt chúng tôi ra hiên nhà, bố mẹ ngồi nhâm nhi cốc chè xanh, còn chị em tôi lại thích nằm ra tấm phản kê giữa sân, ngắm trăng, nghe bố mẹ kể chuyện ngày xửa ngày xưa. Trong câu chuyện của bố mẹ, có cô Tấm hiền dịu nết na, có Thạch Sanh dũng cảm, mưu trí, và có cả Chú Cuội đang ngồi vắt vẻo trên vầng trăng kia. Khi ấy, chị em tôi căng mắt thi nhau tìm chú Cuội, tưởng tượng ra cả một thế giới kỳ diệu ẩn chứa sau ánh trăng huyễn hoặc ấy. Bầu trời lúc đó như được đẩy lên cao hơn, trong vắt không một gợn mây. Hàng ngàn vì sao thi nhau lấp lánh. Khóm trúc trước hiên nhà đổ cành nghiêng ngả dưới làn gió vi vu, tiếng lá xào xạc, tiếng thân cây cọ vào nhau cót két, tất cả tạo nên một bản nhạc giao hưởng của thiên nhiên, đất trời. Mùi cỏ ướt thoang thoảng bay qua nồng nồng, ngai ngái, đó là hương vị đặc trưng của quê hương, xứ sở, là cái hương vị riêng biệt mà dù tôi có đi bốn phương trời cũng không đâu tìm được. Ánh trăng như tan ra, chảy khắp mọi nhành cây, kẽ lá, tràn ngập cả đường làng, ngõ xóm, cả sân gạch trắng xóa. Những vệt ánh sáng xuyên qua các tán lá khẽ lay động. Trăng vằng vặc soi sáng, làm mọi thứ như bừng sáng hẳn lên. Đám côn trùng cất tiếng kêu ra rả như đang viết lên khúc nhạc về đêm. Cả mặt đất lúc này như được rải xuống một lớp mật ngọt màu vàng dịu nhẹ.
Tôi đã ngắm bao mùa trăng nhưng không tìm thấy vầng trăng nào đẹp như thế, phải chăng ánh trăng khi ấy đẹp vì nó ẩn chứa những nhiệm màu, nó xuất phát từ cái nhìn ngây thơ, trong sáng và từ những khát khao thơ dại đầu đời. Có lẽ chính vì thế mà dù tôi có dành cả cuộc đời để kiếm tìm cũng không thể nào tìm được ánh trăng xưa.
Giờ đây, khi tôi đã đủ lớn, đủ chiêm nghiệm, tôi lại như những chú chim sải cánh bay xa, tìm đến nơi phố thị náo nhiệt, cờ hoa rực rỡ. Dường như ánh đèn kia sáng quá, dường như cuộc sống hối hả quá, và dường như tôi đã thay đổi nhiều quá khiến tôi vô tình quên đi người bạn tri âm tri kỉ năm xưa. Đêm nay, tôi lại đứng trước ban công ngắm nhìn người bạn cũ, trăng vẫn thế, vẫn đẹp dịu dàng, nhưng dường như trăng đang khóc, đang than thở, đang trách móc. Vẫn ánh trắng ấy mà xa xăm hơn. Vẫn con đường ấy mà dáng ai diệu vợi hơn. Và vẫn là tôi mà tôi nghe tôi sâu thẳm hơn.
Ánh trăng huyễn hoặc lơi lả nhả từng giọt vàng óng ả, len lỏi qua phiến đá, nghiêng ngả thả bóng dưới dòng nước tịch liêu. Mảnh trăng mỏng manh như lá lúa treo lấp lửng giữa không trung, trong màn đêm cô tịch. Trăng rong ruổi bao nơi, phiêu du bao lâu mà chưa chịu dừng bước. Đa tình độ nào mà còn ngẩn ngơ, chờ đợi một mùa hoan lạc trong mộng tưởng. Hình như trăng đang thổn thức, cứ ấp ôm mãi một bóng hình. Trăng khát một cơn mưa hồi tưởng. Tôi cứ thể ngẩn ngơ nhìn trăng dần nhoè đi sau ánh mây vẩn đục, khiến cho con đường lúc mờ lúc tỏ. Trăng tiếc nuối níu kéo kỉ niệm. Có lẽ trăng nhớ đến người bạn nhỏ hằng đêm ngước lên nhìn mình, cười cười nói nói. Đã lâu, không còn thấy người bạn của mình, trăng trằn trọc tự hỏi: "Là do người bạn kia đã lớn hay do lòng người dễ dàng đổi thay?"