Tết đơn giản thôi...

Your Story Jan 7, 2023

Mấy đứa bạn nước ngoài của tôi khi nghe tôi kể rằng ở Việt Nam, mỗi lúc tôi về nhà dịp Tết, tôi thường được các cô, các bác hai bên nội ngoại hỏi về nhiều vấn đề, từ chuyện học hành, chuyện tình cảm, tiền lương cho đến đến những việc lặt vặt khác nữa; phần đông mọi người đều cảm thấy ngạc nhiên và thậm chí một trong số đó còn thốt lên: “Ôi thật may mắn vì tớ không ở Việt Nam”.

Dĩ nhiên tôi hiểu những lời hỏi thăm đó, phần đa là sự quan tâm mà mọi người dành cho tôi sau một thời gian đi làm xa nhà. Nhưng như nhiều bạn trẻ khác, tôi cảm thấy tí chút không thoải mái khi bị đụng chạm đến những vấn đề quá riêng tư. Mà chuyện Tết nhất đâu chỉ có mỗi vậy, nhiều người còn phải đối mặt với bao "nỗi lo riêng" khác. Với vài người đó là vấn đề tiền nong ăn tết và chơi tết, giữa bối cảnh mọi thứ đều nóng lên như "giá". Đặc biệt là với những người xa quê lâu ngày như giới "Việt Kiều", mà trong mắt mọi người là kiếm-được-rất-nhiều-tiền-lắm, họ không những chỉ lo tiền vé máy bay, tiền quà cáp mà còn là câu hỏi lớn: Lì xì thế mọi người có chê ít không? Người ta đâu biết rằng, ở đất khách lạ tiếng, lạ văn hóa, họ đã phải làm lụng vất vả thế nào.

Những người không lo về tiền, thì lại có một khoản lo khác: lo dọn dẹp nhà cửa. Chẳng phải ai cũng thấy thoải mái khi phải dọn những thứ họa tiết hầm hố, các nét chạm khắc tinh xảo đã bị lãng quên trong hầu như cả năm bận học, bận làm của các thành viên trong gia đình. Nhiều đứa bạn của tôi than trời khi phải lau chùi nào rồng nào phượng của bộ bàn ghế cho đến mấy cột trụ cầu thang. Cuối cùng chúng tôi đi đến một kết luận: sau này có mua gì thì chúng tôi cũng sẽ chọn những thứ thật đơn giản nhất có thể.

Cuối năm thấy ai cũng tất bật với ngày Tết, không lẽ Tết đáng sợ đến thế? Tôi còn nhớ cứ đến độ những ngày cuối năm, bố mẹ tôi lại vất vả chạy ngược chạy xuôi, với mong muốn kiếm được thêm ít tiền để có một cái Tết ấm cúng. Vào thời khắc đón giao thừa, tôi lay mẹ dậy khi mẹ vừa nghỉ được tầm hơn một tiếng sau khi mâm cơm cúng giao thừa đã tươm tất. Như mọi năm, mẹ tôi vẫn nhắc tôi phụ ba tôi thắp hương, mở hết của nhà ra để đón lộc. Còn mẹ thì lại lên cơn sốt vì mệt và gắng sức mấy hôm nay, chỉ muốn chui vào chăn ngủ, không thiết tha gì thức dậy để ngắm pháo hoa với tôi nữa. Mỗi năm đến dịp Tết, mẹ tôi chuẩn bị mâm cơm tất niên, đón giao thừa, và mỗi ngày một mâm cúng ông bà cho đến mâm cơm hạ nêu, thường vào ngày mồng 6 Tết. Với bản tính tỉ mỉ, cẩn thận, mẹ luôn cố gắng làm mọi thứ đâu ra đấy, nhưng cũng có lẽ bởi vì thế mà mẹ chẳng có một ngày nghỉ nào trong năm.

Tôi lại nhớ về câu chuyện của đứa bạn tôi và lại nghĩ rằng nếu đơn giản hóa tết đi thì có phải mọi thứ trở nên nhẹ nhàng hơn không? Lại nhớ một bài viết cách đây vài năm do một chị bạn tôi chia sẻ. Một vài người chọn cách "trốn tết", trốn đi những “trách nhiệm, nghĩa vụ” – những điều không còn là niềm vui ngày Tết nữa -  để tìm một niềm vui khác. Sau một năm chăm chỉ làm lụng, họ trở về có dọn dẹp nhà cửa, cũng có thắp hương cúng bái tổ tiên. Nhưng chỉ sau ngày mùng hai thôi, họ kéo cả nhà cùng nhau đi du lịch, làm những thứ có-thể-vì-thời-gian-qua-do-bận-rộn họ không làm được như đến những nơi xa xôi, đi những bãi biển hoang sơ đầy nắng. Thực tế thì, những năm gần đây, các địa điểm du lịch đã đón một lượng khách không hề ít vào mỗi dịp đầu xuân.

Thế thì không còn nữa những buổi gặp mặt gia đình, họ hàng để anh em tề tựu, thủ thỉ với nhau nữa chăng? Tôi cứ băn khoăn mãi? Ngày xưa khi chúng ta phần lớn làm nông nghiệp, thời điểm dịp đầu xuân là cơ hội để cho họ hàng, xóm giềng tạm nghỉ ngơi, ăn uống và đi chúc Tết nhau. Nhưng bây giờ, mọi thứ có vẻ khác. Công việc của chúng ta phức tạp hơn, cần nhiều mối liên hệ hơn. Và ta không còn bị giới hạn như ngày xưa nữa, khi mà các phương tiện giao thông ngày càng hiện đại, các cơ sở giải trí, ăn uống ngày càng mọc lên như nấm. Thế là từ đó ngày Tết càng đông vui nhộn nhịp hơn, khi ngoài đường số lượng phương tiện giao thông tham gia nhiều vô kể, người uống rượu - kẻ uống bia. Ta vui thú ngà ngà cùng hội anh em chí cốt và chơi không chỉ là ở một vài nhà, mà là rất nhiều kèo khác nhau.

Nhiều mối quan hệ quá, mà tết chỉ có mấy hôm thôi, thế là người ta lại bắt đầu những câu hỏi: “Đi thăm những ai, đi thăm lúc nào, đi thăm với ai, đi thăm với cái gì?”. Phải đi thăm đối tác của mình, phải đi thăm cố vấn của mình, phải đi thăm sếp của mình, phải đi thăm người này người kia. Thế còn một vài người khác thì sao?, “Có kịp đi thăm người này không? Mình bận rộn quá. Không đi thăm thì người ta có trách mình không?” Và thế rồi, vô hình chung sau dịp Tết điều đọng lại nhiều nhất với nhiều người trong chúng ta là những cuộc lái lụa từ nơi này sang nơi khác, nhậu nhẹt, ăn uống, ca hát, nhảy múa và nhiều điều khác nữa.

Có muôn kiểu, muôn cách mọi người nhìn về cái Tết. Đồng nghiệp tôi thì vẫn còn thích thú nhiều lắm, tải một list nhạc Tết để nghe mỗi dịp giải lao. Còn tôi thì giờ chỉ xem nó như một ngày nghỉ lễ bình thường. Và dĩ nhiên với những người thích tụ tập, chắc hẳn những điều kể trên là những điều hợp gu với họ, họ sẽ làm vậy mỗi lúc có giờ nghỉ chứ đâu chỉ dịp Tết. Nhưng nó có thực sự là điều tôi muốn? Tôi nghĩ rằng không chỉ mỗi tôi, mà còn không ít bạn trẻ khác đều không quá đặt nặng những giá trị truyền thống của Tết nữa. Chúng tôi không xem nhẹ, chúng tôi không quá coi trọng, chúng tôi xem đó là một kỳ nghỉ lễ bình thường, nhưng vẫn hứng thú như học sinh chờ nghỉ hè vậy. Bởi sau một năm đi làm, với tôi Tết là một thời gian có ích để nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động. Và nếu như đi làm xa nhà, đây còn là thời điểm mà tôi có thể ở bên những người mà mình yêu quý.

Nhưng có lẽ nhiều người vẫn muốn đặt nặng những giá trị truyền thống đó lên chúng tôi. Chúng tôi nên, chúng tôi hãy, chúng tôi phải làm cái kia và cái kia. Nhưng có lẽ là chúng tôi xin phép trả lời là không. Tôi thiết tha một ngày dễ chịu, khoan khoái nằm dài như những ngày tôi còn học cấp ba, được tận hưởng cảm giác dễ chịu khi làm những điều mình thích, viết một thứ gì đấy, đi loanh quanh chụp ảnh hay ngồi nói chuyện với mấy cô, mấy thím hàng xóm. Đó là điều tôi khó có khi sống hối hả ở thủ đô với công việc nhiều deadline. Và Tết đến tôi sẽ làm những điều tôi thích thay vì chạy theo những quy tắc cũ.

Tôi vẫn thích những cuộc hội họp, gặp mặt bạn bè, nhậu nhẹt cùng anh em, thăm cô dì, chú bác họ hàng, xóm giềng. Tôi quý những giây phút đó vì họ là những người tôi yêu quý và luôn sẵn sàng giúp tôi những khi khó khăn. Nhưng nếu như tôi không gặp ai đó trong dịp Tết này, thì tôi nghĩ sẽ ổn thôi nếu gặp họ vào những dịp còn lại trong năm. Không phải là gặp mặt lúc nào, mà là gặp mặt như thế nào mới thực sự thể hiện tình cảm của nhau. Nếu có lỡ không gặp được vào đôi ba ngày Tết, ta có thoải mái gọi một cuộc điện thoại hỏi han và lên một cái lịch khác mà.

Tôi đang giản đơn cái Tết của mình và cũng xin mạn phép chia sẻ câu chuyện và cảm nghĩ của mình. Đã hơn nửa năm nay tôi tìm về lối sống tối giản và tôi cảm thấy biết ơn vì nó đã đem đến cho tôi những giây phút thư thái. Nếu bạn có thấy sợ Tết quá, muốn trốn Tết quá hãy thử một cái "tết đơn giản thôi". Trước hết là các món đồ vật chất, hãy cho hay vứt những thứ đồ mà bạn không còn dùng đến, chọn mua những sản phẩm có thiết kế đơn giản, và luôn dành ra 5 phút mỗi ngày dọn dẹp lại căn nhà nơi bạn sống, mỗi ngày một ít vậy.

Và sau đó là giản đơn trong suy nghĩ về cái Tết. Tôi muốn dành nó cho bản thân mình trước, một ngày để đi thăm thú bãi biển tôi thích, một ngày đi thăm chợ Tết. Tôi sẽ đi thăm bà ngoại, các cô, các bác hai bên, các thầy cô cấp ba, mấy đứa bạn thân. Còn thời gian còn lại tôi sẽ dành cho bố mẹ. Tôi muốn nấu cho họ những bữa ăn thật ngon. Tôi sẽ nghĩ cái Tết đơn giản thôi và chuẩn bị một khuôn mặt thật tươi cười, cùng vài câu trả lời hóm hỉnh nếu như bị hỏi những câu hỏi hơi cá nhân. Và nếu như sau tất cả, tôi cảm thấy thoải mái nữa thì thôi nào. Bỏ lại những thứ không thích ở phía sau, tôi sẽ xách ba lô đi du lịch.

Tags