"Tết của tôi"
Khi nghe câu hỏi "Tết có ý nghĩa gì với bạn?" thì điều mà tôi nghĩ đến đầu tiên đó là nó là một dịp đặc biệt, đặc biệt không chỉ bởi nó là dịp lễ lớn mỗi năm chỉ có một lần mà nó còn là dịp để những người xa quê, xa nhà như tôi trở về quây quần bên gia đình và gặp mặt người quen họ hàng. Thường càng đến gần Tết là tâm trạng tôi lại thấy vừa háo hức mong đợi mà cũng vừa có chút buồn và phiền muộn. Đúng là bây giờ đầy đủ hơn ngày nhỏ nhưng tôi lại không thấy vui như hồi đó. Ba tôi không còn gói bánh chưng nữa mà nhờ hàng xóm gói giúp hoặc đi mua. Không khí Tết không còn sự náo nức như hồi nhỏ mặc dù bây giờ nhiều nhà vẫn chuẩn bị và trang hoàng Tết, nhưng tôi cũng thường nghe thấy họ than vãn mệt mỏi và tốn kém hơn là niềm vui được gặp mặt gia đình và con cái... Gia đình tôi cũng vậy ba mẹ thường trái ý nhau nên Tết càng lúc càng buồn mà thậm chí còn buồn hơn cả ngày thường nữa. Không phải là không có những giây phút hạnh phúc hay vui vẻ nào, mà là xen lẫn giữa buồn và vui và tuỳ mỗi năm mà nỗi buồn hay niềm vui sẽ chiếm ưu thê.
Tâm trí tôi phiêu du về miền ký ức của Tết xưa – những cái Tết mà tôi đã trải qua, có lẽ những kỷ niệm của tôi không to tát hay đặc biệt gì với bạn nhưng với tôi thì đó là một trong những kho báu quý giá nhất chứa đựng trong đó là cảm xúc và tâm hồn của một đứa trẻ – nó có thể hạnh phúc với những điều bình dị nhất:
Đó là kỷ niệm về cái Tết khi tôi 6 tuổi, ngồi xem ba gói bánh chưng và rồi cũng lăng xăng tự gói cho mình một cái bánh chưng nhỏ – mặc dù nó không đẹp cũng không ngon nhưng tôi lại rất vui; vì đây là cái bánh lần đầu tôi làm và cũng là lần cuối đến nay. Sau đó, tôi cùng ba nhóm bếp và nằm thức trông bánh chưng, khi đó chúng tôi trải những cái bao mới mua về để đựng cà phê làm thành một tấm thảm bên hông nhà để nằm bên canh bếp lửa vì thời tiết mùa đông se lạnh nên ta càng cảm nhận được sự ấm áp truyền tới cơ thể – hiểu được niềm vui và hạnh phúc đôi lúc thật đơn giản, đó là khi lạnh ta vẫn cảm thấy ấm áp. Chúng tôi ngắm nhìn bầu trời đầy sao sáng lấp lánh trên cao và nghe ba kể về những ngày xưa của ba, của ông bà nội. Thật bình yên và hạnh phúc...
Có kỷ niệm về mẹ mà tôi nhớ mãi, hồi đó để sắm được bánh kẹo và quần áo Tết cho chúng tôi mẹ phải dạy từ sớm để tới chợ lớn – nơi bán tất cả mặt hàng về Tết, mẹ đạp xe hơn hai mươi cây số, đường lúc đó chưa trải nhựa nên càng khó đi. Dù mệt nhưng vì muốn mua quần áo cho chị em tôi mà mẹ vẫn cố gắng. Mẹ mang về những bộ đồ mới và ướm thử lên người chúng tôi mà trán mẹ vẫn đẫm mồ hôi, cái áo của tôi hơi rộng màu của nó tôi cũng không thích, để tôi được vui mà mẹ lại đạp xe tới chỗ đổi cái áo khác cho tôi được thoải mái và không cảm thấy buồn. Mẹ còn mua cho tôi thêm con heo đất nhỏ để cất tiền lì xì để mà tôi rất thích đến nỗi không nỡ đập. Tôi biết là nó có thể là điều rất bình thường với nhiều người nhưng với một đứa nhỏ cả năm mới có đồ mới hay được dịp ăn bánh kẹo thì đó là điều đáng nhớ với tôi.
...
Giờ tôi đã rời nhà ra thành phố làm việc mỗi năm chỉ có dịp Tết mới về nhà nhưng nhiều lúc tôi nghĩ là mình sẽ không về bởi Tết của gia đình tôi càng ngày càng ít niềm vui mà nỗi buồn thì nhiều.
Tình cờ thấy chủ đề cuộc thi viết của Mosia: nếu được tự thiết kế và lên ý tưởng cho “Tết của mình”, bạn sẽ muốn cái “Tết” đó như thế nào? Tôi bất giác tự hỏi nếu vậy đó là cái Tết như thế nào, liệu có giống những niềm vui thuở nhỏ không nhỉ? Chắc chắn là không thể nào giống hồi nhỏ được nữa rồi, chúng tôi không còn là những đứa nhỏ ngày xưa và ba mẹ tôi cũng đã có nhiều đổi thay. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi không thể cùng nhau trải qua những cái Tết hạnh phúc, nếu như chúng tôi muốn và cùng nhau tạo ra nó. Thế nên, tại sao không phải ngay từ bây giờ tôi chia sẻ với gia đình cái Tết mong muốn và lắng nghe cái Tết mong muốn của ba, mẹ để chúng tôi có thể hiểu nhau hơn cũng như làm nên một cái Tết chung vui vẻ cho cả gia đình.
Tôi muốn gia đình mình được cùng nhau đón một cái tết hạnh phúc không cãi vã không gánh nặng tiền bạc thế nên năm nay tôi muốn lên ý tưởng cho cái tết như vậy. Tôi biết mọi thứ sẽ không thể hoàn hảo tuyệt đối nhưng tôi hy vọng niềm vui sẽ nhiều hơn nỗi buồn.
Tôi chia sẻ ý tưởng này với chị gái và cùng nhau lên kế hoạch cho những gì chúng tôi sẽ làm. Tôi quyết định sẽ về nhà sớm hơn những năm trước để có thể ở bên ba mẹ nhiều hơn, để tạo lên những khoảnh khắc khó quên bên nhau tôi nghĩ đến việc mua một cái bếp đun trà với mong muốn cùng ba mẹ quay quần bên bếp thưởng trà nướng vài quả quýt, ăn vài món mứt và nói chuyện về Tết của ba mẹ. Tôi học nấu một số món ăn để có thể chiêu đãi ba mẹ. Chúng tôi sẽ cùng nhau lau dọn nhà cửa sân vườn và trang hoàng nhà cửa để không gian ngập tràn không khí Tết với những bài nhạc xuân xưa ngày trước chúng tôi hay nghe – chuẩn bị lễ hội thì vui hơn khi nó chính thức bắt đầu bởi một khi bắt đầu tất sẽ có kết thúc. Còn khâu chuẩn bị ta có thể cảm nhận niềm vui của quá trình và biết nó sẽ kéo dài, bởi lễ hội còn chưa bắt đầu mà.
Tôi muốn hoà quyện những điều đẹp đẽ của những Tết xưa với những cái mới của tết nay. Tôi có thể cùng ba tái hiện lại kỷ niệm gói bánh chưng ngày xưa trong khi mẹ sẽ làm một vài món ăn truyền thống như củ kiệu, thịt kho tàu, ... Và cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm tất niên và đón giao thừa... Cùng đi lễ chùa đầu năm và thăm họ hàng ... Chụp ảnh kỷ niệm gia đình ...
Chỉ nghĩ vậy thôi mà tôi đã thấy rạo rực trong lòng, chỉ muốn được bắt tay ngay thực hiện cái kế hoạch này. Tôi cũng hiểu là cho dù ta có lên kế hoạch chu toàn như thế nào thì không có nghĩa là mọi sự sẽ luôn được như mong đợi, bởi vốn dĩ cuộc đời đã luôn chứa đựng những điều bất ngờ rồi. Nhưng quá trình vẫn là điều mà tôi hướng đến hơn là kết quả, chúng ta có thể tuỳ cơ ứng biến và nếu bản thân đã cố hết sức rồi thì cũng chẳng còn gì để hối tiếc nữa, phải không?