Tết của tôi

Your Story Dec 26, 2022

Tết nguyên đán – thời khắc tuyệt vời!

Cuộc đời của mỗi chúng ta như những chuyến tàu. Mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc sống đều là một bến đỗ. Và tại mỗi bến đỗ ấy, chúng ta đều mang đi theo mình hành trang là những kỷ niệm. Có sự kiện chỉ xảy ra 1 lần, nhưng có những sự kiện luôn lặp lại theo dòng chảy thời gian. Và đối với tôi, Tết luôn là bến đỗ quen thuộc của chuyến hành trình cuộc đời mình, là điều mà tôi luôn mong chờ. Để khi đôi chân đã quá mỏi mệt, tôi luôn được cảm thấy yên bình mỗi khi trở về. Và không biết tự bao giờ, từ Tết thân thương ấy mỗi khi được nhắc tới luôn khiến cho con người ta bồi hồi, xúc động, và đâu đó phảng phất có cả nỗi buồn.

Tôi nhớ tết của tuổi thơ tôi, khi những cành đào bắt đầu nở rộ được bày bán đầy trên những con phố tấp nập, với tôi, Tết đã về. Khoảng thời gian một tuần trước tết luôn là khoảng thời gian tuyệt nhất. Khắp phố phường như được thay lên mình một màu áo mới với ngập tràn biết bao sắc màu. Những con phố đông đúc người xe qua lại cùng tiếng cười nói rôm rả – "thế gian thay nụ cười". Ai ai cũng đang mang trong mình sự hào hứng. Xen lẫn vào tiếng cười nói rôm rả đó, vài tiếng gắt nhẹ của những người đi mua đồ sắm tết. Nghĩ lại, một năm cũ sắp qua đi, năm mới đang tới rất gần, kết thúc một năm làm việc đầy vất vả, thăng trầm thì ai ai cũng muốn được đón cái tết thật vui vẻ và trọn vẹn. Vậy nên mọi thứ chuẩn bị đều phải là chu toàn nhất, chuẩn bị cho một năm mới nhiều "ước vọng chờ mong". Từ xa những cô bé, cậu bé theo bố mẹ đi sắm Tết đang nô đùa với nụ cười tươi trên môi. Trẻ con mà, luôn hồn nhiên và ngây thơ. Nhà tôi thì năm nào cũng vậy, việc đi mua đào luôn được phân công cho tôi và bố. Tôi hào hứng nhất là khoản này. Được bố đưa đi vi vu trên con chiến mã (jupiter), băng qua những con phố để tới với vườn đào. Hiện ra trước mắt tôi, vườn đào rộng mênh mông. Những cây đào khoe sắc dưới nắng sớm, trong tiết trời se lạnh đầu xuân là một khung cảnh, một cảm giác đẹp đến khó tả.

Tết là thời gian để gia đình sum vầy, để cùng nhau sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, để kể cho nhau nghe mỗi người đã sống như thế nào, về những câu chuyện được viết nên bởi những khó khăn, mồ hôi và cả nước mắt.

Tôi nhớ lắm những ngày ăn Tết ở quê, cả nhà quây quần bên bếp lửa ấm áp. Hồi ấy, tôi vẫn còn là cậu bé mười tuổi, được bố mẹ cho về quê ăn tết luôn là chuyến đi đầu tiên trong năm mới của tôi. Khi mặt trời bắt đầu ló rạng qua những rặng tre, cả vùng quê nghèo vẫn còn chìm trong màn sương trắng mờ ảo. Tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới bắt đầu và cũng đánh thức cả tôi mau dậy. Tôi thích lắm cái cảm giác sáng sớm ở quê, không khí thật trong lành biết bao. Mặc quần áo cho thật ấm, tôi bước ra sân nhà của ông bà mà hít thật sâu căng lồng ngực mình cái không khí trong lành đó. Trời sáng sớm, những tia nắng ban mai lấp ló qua kẽ lá, kèm theo đó là tiết trời lạnh lạnh của tháng giêng luôn khiến tôi mê tít. Xen lẫn trong đó thỉnh thoảng là những con gió heo may se se lạnh khiến tôi và mấy đứa em thôi không còn ngáp ngắn ngáp dài, hay mơ màng sau đêm ấm áp. Trong làn gió lạnh ấy phảng phất mùi khói bếp, có lẽ sẽ là khó chịu với một vài người, nhưng đối với tôi, đó lại là một nét đặc trưng của mọi vùng quê. Từng làn khói nhẹ cuộn lên trời, nổi bật trên những tia nắng sớm mai. Thật ấm áp biết bao! Ngây người trong khung cảnh đẹp bình dị ấy với khoảng sân nhỏ, tôi giật mình khi nghe tiếng mẹ gọi: "Lâm, ra đánh răng rửa mặt rồi vào bếp giúp mẹ chút con”. Lần nào về quê đón Tết, trong số mấy đứa em, tôi luôn là đứa được ông bà tin tưởng nhất khi giao nhiệm vụ lãnh đạo tụi trẻ con trông nồi bánh chưng. Để nhận được sự tín nhiệm ấy tôi luôn là người rất trách nhiệm trong việc này, không rời nồi bánh nửa bước. Tôi còn nhớ mãi, nhớ lắm cái cảm giác ấm áp ấy, khi cùng các em nằm đắp chăn trông nồi bánh trong gian bếp nhỏ. Gian bếp cũ kỳ mà ấm áp vô cùng. Nằm gần chiếc bếp rơm đỏ rực, cảm giác lạnh và ấm hòa vào với nhau khiến tôi thích thú vô cùng. Gần giống với khi bạn bật quạt mà lại đắp chăn, trò mà mọi đứa trẻ đều mê. Mâm cơm ngày Tết với biết bao là món ăn ngon, mùi khói bếp rạ đặc trưng cùng những mảng tường đất đen sì bồ hóng ấy đã khắc sâu vào tâm trí, cùng vô vàn những ký ức đẹp khác đã tạo nên cho tôi một tuổi thơ đẹp tuyệt vời. Cùng bố mẹ đi chúc Tết họ hàng, đi hội đình, hội chùa, tôi nhận ra rằng ở vùng quê nghèo này, tình người sao ấm áp quá. Từng dòng người cười nói vui vẻ chào hỏi nhau, chúc nhau những lời chúc năm mới đầy sự may mắn mặc dù không hề quen biết. Họ nô nức đi chùa cầu mong cho một năm mới may mắn đến với gia đình, công việc và tình duyên:

"Mong đầu năm cuối năm gặp may

Gia đình luôn hạnh phúc sum vầy

Trên bước đường danh lợi rồng mây

Duyên vừa đẹp ý đắm say

Ôm nàng xuân đẹp vào tay."

Bỏ qua mọi khoảng cách, tất cả cùng chung một niềm vui, cùng chung một sự phấn khởi.

Mỗi lần Tết đến, xuân về có nhiều niềm vui và cũng có những nỗi buồn man mác. Là sự nuối tiếc lại một năm nữa qua đi, còn biết bao nhiêu dự định còn dang dở chưa làm được. Là mỗi người thêm một tuổi, là quy luật của cuộc đời, tre già măng mọc. Không những thế Tết còn là nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình da diết của những người con xa quê. Bươn chải nơi xứ người, với họ Tết là niềm vui trong từng ánh mắt, từng nụ cười. Nhưng cũng là nước mắt lăn dài khi sự tủi thân cùng nỗi nhớ nhà không thể còn được kìm lại. Cả năm mạnh mẽ là thế, nhưng lại thực sự yếu lòng những ngày cuối năm. Vậy nên mới có câu hát rằng: "Xuân đi rồi xuân đến, cho nhân gian đầy lưu luyến". Ai ai cũng muốn có được một cuộc sống đầy đủ, sung túc ấm no, có người có được những điều đó dễ dàng, nhưng có những số phận thì ngược lại.

"Mỗi mùa xuân sang

Mẹ tôi già thêm một tuổi

Mỗi mùa xuân sang

Ngày tôi xa mẹ càng gần"

Lời bài hát "Mừng tuổi mẹ" chính là những dòng tâm sự cất giấu nơi tim của người con xa quê. Lớn lên trong vòng tay ấm áp yêu thương cha mẹ, để rồi khi rời xa vòng tay ấy, lập nghiệp mưu sinh nơi xứ lạ, trải qua bao vấp ngã, gian nan để trưởng thành, chắc hẳn ai cũng muốn được một lần nữa cảm nhận hơi ấm đó. Những cuộc nói chuyện vội vã qua điện thoại làm sao giãi bày hết những nỗi niềm cất giấu trong tim, đang nghẹn lại nơi cổ họng, thật khó để nói ra. Lúc này, Tết không còn là gì đó quá to lớn... Tết chính là cha, là mẹ, là gia đình, là tiếng gọi: Mẹ ơi!!!!

Sau này lớn lên, theo dòng phát triển như vũ bão của xã hội, đời sống được nâng cao và sự bùng nổ của công nghệ. Chúng ta có nhiều hơn những chương trình hay và đặc sắc đón tết. Chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn, có nhiều cái mới để cùng nhau vui đùa vào ngày Tết. Nhưng ta có nhận ra không? Cái mới sinh ra thì những cái cũ đang dần mất đi. Cái cũ ấy chính là những nét đẹp văn hóa dân tộc đang dần mai một đi theo năm tháng. Còn đâu nữa ông đồ già, bày mực tàu giấy đỏ, viết những câu đối như phượng bay rồng múa trên phố đông người qua. Còn nữa không những gian bếp thơm mùi khói, những cô bé, cậu bé quấn mình trong chăn trông nồi bánh chưng xanh. Hay thay vào đó là những thứ đồ đã được làm sẵn. Người ta nói giới trẻ bây giờ không còn những hào hứng đón Tết như những thế hệ trước. Phải chăng vì Tết đã thay đổi hay sao? Thực ra, câu trả lời vốn dĩ đã có trong lòng mỗi người. Tết nào đâu có thay đổi, Tết vẫn là tết, vẫn là khoảng thời gian cuối năm sum vầy, là dòng chảy lặp lại của thời gian, là xao xuyến bồi hồi. Mà chỉ có lòng người đã không còn như xưa. Chỉ là trải qua những thăng trầm của cuộc sống, những nỗi lo toan, nhiều người trong chúng ta đã không còn đủ thời gian để đón Tết như trước. Tết như là một cột mốc thời gian, nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng thời gian sẽ không chờ đợi ai cả. Tết đến là một năm nữa lại qua đi, chúng ta xoay vần với cuộc sống và công việc, đâu ai còn nhận thức được rằng thời gian trôi nhanh đến thế nào. Chỉ khi những bông hoa mai, hoa đào nở rộ, chỉ khi phố xá bắt đầu lấp lánh ánh đèn, nhộn nhịp tiếng nhạc xuân, ta bất chợt nhận ra ta đang sống những ngày cuối năm rồi.

Tết của tôi không là gì quá cầu kỳ, Tết của tôi là những gì đơn sơ nhất, nguyên vẹn nhất của Tết. Là một người con đã xa quê năm năm, quãng thời gian không dài, cũng không ngắn nhưng cũng đủ cho tôi hiểu rằng, Tết với riêng tôi là tất cả cảm xúc của mình. Là sự vui vẻ, ngóng chờ, phấn khởi, cũng là nỗi buồn những ý định còn dang dở, và là sự tủi thân của kẻ xa quê. Dù cho mọi điều có thay đổi, Tết vẫn luôn và mãi mãi là 1 nét đẹp văn hóa của người Việt, sẽ mãi là khoảng thời gian được mọi người mong chờ nhất.

Tết của tôi là vậy đấy, ngay lúc này đây, tôi đang chuẩn bị ra sân bay để trở về gia đình yêu dấu của mình. Tạm gác lại hết những công việc, lo toan để xách balo lên và mau về với mẹ, để lại sau lưng những bông tuyết rơi đầy. Còn các bạn thì sao? Hãy chia sẻ với tôi và mọi người “Tết của bạn” nhé. Kính chúc mọi người năm mới an khang thịnh vượng và ngập tràn niềm vui.

Tags