Sợ Tết hay đợi Tết?

Your Story Jan 30, 2023

Nắng hanh, nắng vẫn hanh hao dù trời đã cuối Chạp. Bao giờ cũng vậy tầm này cận Tết đã mưa phùn ướt nhoẹt cả thôn quê. Thứ nắng nghịch mùa năm nay không đỏ quạch quách như nắng tháng tư, tháng năm có thể bốc một nắm trong tay dễ dàng. Nắng mà vẫn lạnh cùng gió thổi hun hút kéo khói đốt đồng quê tôi phảng phất trên nền trời xanh biếc.

Mùa vụ mới đến rồi, mẹ tôi cày xong thửa ruộng tay đã lạnh cóng run run nhìn thời tiết thất thường mà nghĩ về mùa giáp hạt đói kém. Cận Tết rồi, thời gian trôi nhanh quá! Nhanh như một mặt hồ vắng lặng thi thoảng nhảy những điệu slow nhẹ nhàng gợn sóng lăn tăn, nhưng phía dưới lại cuộn trào chảy trôi đến độ người ta xuýt xoa “chớp mắt một cái" đã qua rồi. Mấp mô qua những triền đê cỏ đã mọc um tùm, tôi thấy thôn quê khoác lên một màu rực rỡ, nào hoa cỏ trong vườn người ta trồng chưng Tết. Thấy quán tạp hóa nhỏ đầu làng chuyển từ nhạc Trịnh sang nhạc Tết nom vui tươi hơn. Thấy sản vật của xứ quê này được đưa lên những sân phơi đầy nắng. Mẹ đã phơi củ kiệu, phơi mứt ngào đường mới làm tối hôm qua, phơi chăn chiếu đã ôm ấp chúng tôi những ngày đông giá rét. Mẹ phơi cả tiếng thở dài, mẹ hong khô những muộn phiền năm cũ dưới con nắng cuối mùa hanh hao.

Nói về Tết, ngày xưa đó, tôi đã từng ngóng Tết vì kẹo ngọt, mứt bánh, vì quần áo mới được mua, được cho thêm vài đồng bạc lì xì. Nhưng càng lớn càng sợ Tết đến hơn, mặc dù vẫn ngóng trông nhưng ngại Tết vì nhà nghèo, vì nỗi buồn cùng nhiều mối lo lại chất chứa lên vai mẹ hao gầy, vì cha lại thở dài với những giấc ngủ không ngon…

Người Việt vẫn có câu “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”, dù gia đình tôi nghèo nhưng mẹ vẫn chuẩn bị tươm tất cho cái Tết mỗi năm chỉ có một lần. Mẹ lại đưa hai chị em đi chợ Tết trong một sáng cuối năm, thấy không khí nhộn nhịp xôn xao mua bán tấp nập. Tết ở những quả bóng bay xanh đỏ tím vàng níu mắt lũ trẻ chúng tôi khó dời. Người ta bán đủ thứ ở chợ Tết, bán những nụ cười trao nhau, bán sự cãi vã, va chạm, bán những thứ nhỏ nhặt và những mặt buồn thiu sợ Tết…

Tết lại lẽo đẽo theo cha đi chạp mộ cuối năm mời tổ tiên về ăn Tết. Những ngày nhỏ đấy khi thấy bố chắp tay khấn mắt lim dim trước mộ ông bà nội, tôi cũng đã học theo lẩm bẩm khấn xin ông bà, tổ tiên phù hộ cho gia đình kiếm được nhiều tiền, cho bố mẹ bớt khổ, cho mình được ăn nhiều kẹo ngọt. Ngây thơ đến độ ấy, nhưng càng lớn, càng trải qua những cái Tết ước mơ cũng đã khác hơn. Bây giờ chỉ mong mọi người trong gia đình khỏe mạnh bởi chúng ta chẳng biết ngày mai ra sao mà vật chất biết bao nhiêu cho đủ? Như cơn đại dịch Covid - 19 mấy năm qua kéo đến đã khiến bao nhiêu người mất, khiến bao đứa trẻ không có quần áo mới và bao gia đình ăn Tết bằng những lát thở dài. Những ngày thành phố bị phong tỏa, tiếng xe cứu thương hú đầy trời lạnh ngắt, tôi chỉ mong về với bố mẹ, về nằm cạnh bà ngoại ngửi mùi lá hương nhu, lá cúc tần trên người bà mà ngày nhỏ tôi hay chê người bà toàn mùi thuốc Bắc vì bà thường xuyên cảm lạnh, nhức đầu.

Tôi nhớ lắm chứ cành đào nhỏ góc vườn bố chặt vào cắm trong bình hoa cũ từ ngày xưa cũ nào, bố kể ông để lại thời bố lấy mẹ ra ở riêng cùng một cái chum đựng gạo nơi xó bếp. Những kỷ vật cũ mèm, đậm chất thời gian ngậm ngùi. Nhớ những chậu hoa cúc nhỏ mẹ trồng được đem vào trưng. Những ngày chuẩn bị cho Tết đối với tôi là nhớ nhất, sự háo hức, sự mong chờ xúm xít xem bố mẹ gói bánh Chưng, chị em vui đùa trong chăn ấm quệt từng vệt sáng bởi cái lạnh hanh khô. Còn ba ngày Tết thì trôi qua rất nhanh, chỉ ăn uống chúc tụng là chủ yếu.

Ngày Tết nói lời hay ý đẹp, hàng xóm bốn bên chúc lẫn nhau, kể trong năm có sứt mẻ chuyện gì cũng cố gắng tươi vui, gắn kết với nhau. Và khi ấy, tôi thấy Tết ý nghĩa hơn, nó như một khoảng thời gian để con người nhìn nhận lại những lầm lỗi mình đã làm trong một năm biến động đương qua rồi.

Bây giờ lớn, đã đi xa quê, đã thấy những ngả đường đông đúc xe cộ ở một thành phố đầy những mặt người xa lạ. Chỉ thấy những ánh trắng ẩn khuất sau những tòa nhà chọc trời thẳng tắp, mà tôi cũng ít khi nhìn lên trời tìm trăng sao như ở quê. Thấy quên đi, thấy mất dần vài điều tuổi thơ. Mỗi năm đến Tết tôi cũng có nỗi lo mới, lớn rồi lại rơi vào cái guồng quay công việc, dính vào những định kiến ngoài kia rồi mỗi năm đến Tết lại được hỏi: Khi nào lấy vợ, Lương tháng bao nhiêu, Cho bố mẹ được nhiều tiền tiêu tết không?… Nghe tin báo có người sợ Tết không về hẳn cũng vì những áp lực ấy chăng?

Từ khi nào tôi chỉ trở về nhà một quãng ngắn như dịp Tết, như nghỉ hè hay công việc rảnh rang. Từ lúc nào mỗi lần về ăn Tết cha mẹ lại hỏi khi nào con đi? Hết tết cũng là lúc quay trở lại với chật vật đời thường, những hẹn hò tạm thời gác lại. Và những lúc rời đi dù là quê hương hay nơi chốn nào “thật khó để phân biệt, chúng tôi chỉ là rời đi hay đang chạy trốn.” (Nguyễn Ngọc Tư). Mình có đang chạy trốn quê không, nó vẫn thuộc về mình chứ? Nhưng thực sự, Tết đến đã làm mới những hồn người để phấn đấu, mong cầu cho năm tới và những năm tiếp mãi về sau…

Nếu cho tôi thiết kế Tết tôi chỉ mong bố mẹ được rảnh tay, không phải chạy vạy lo Tết mua sắm như ngày xưa nữa. Mẹ tôi cứ sợ Tết thiếu cái này cái kia nên cái gì cũng mua dư ra, cứ ôm đồm mọi việc suốt cả quanh năm. Tôi muốn Tết thay vì chúc nhau những câu mà năm nào cũng chúc kiểu “an khang thịnh vượng”, “phát tài, phát lộc”… Mọi người hãy chân thành yêu thương nhau, nhìn nhận lại lỗi sai của mình, hàng xóm hãy đoàn kết nhau hơn nữa, anh em lại hòa thuận quây quần bên cha mẹ chẳng phải tốt sao?

Tôi – một người trẻ đang chênh vênh giữa thành phố phát triển không ngừng, giữa thời kỳ mà công nghệ vượt quá nhanh, những thế giới ảo mở ra không còn trong cổ tích, trong tâm trí như trước đây nữa mà là mạng xã hội. Thế giới mạng xã hội đó họ khoe nhau về những thành tích, khoe về cuộc sống của mình. Đặc biệt những dịp cuối năm, cận Tết lại có xu hướng tổng kết những gì mình làm được. Tôi không trách họ, ai cũng có quyền để “khoe’’ sự nỗ lực của mình. Chỉ mong rằng bản thân tôi đừng lấy những tiêu chuẩn, những so sánh của người khác để áp vào mình làm gì cả.

Những ngày xuân đi qua, hi vọng chúng ta thật an lạc, thật vui vẻ tận hưởng giây phút đó bên gia đình. Rũ bỏ những bận tâm, xô bồ cuộc sống, phủi đi những bụi buồn vĩnh cửu trên lớp áo mình mặc.  Cũng không biết tới đâu chạy mệt nghỉ thì thôi, đuổi làm sao kịp thứ đã mất lâu rồi.

Tags