Retinol – Giải pháp để có làn da tươi trẻ
Retinol – thành phần "tiêu chuẩn vàng" được các bác sĩ da liễu và các chuyên gia chăm sóc da công nhận vì những lợi ích đa dạng của nó như làm trẻ hóa làn da, làm mờ nếp nhăn và trị mụn cũng như làm thông thoáng lỗ chân lông. Sandra Lee, M.D., bác sĩ da liễu và là người sáng lập SLMD Skincare đã nhận định rằng: “Về các thành phần, retinol là thành phần chống lão hóa thực sự và được thử nghiệm nhiều nhất." Nhưng liệu retinol có phù hợp với da của bạn? Hay bạn đã biết cách sử dụng các sản phẩm có chứa retinol một cách hiệu quả nhất cho làn da của mình?
Trước tiên hãy cùng mình tìm hiểu Retinol là gì nhé!
Retinol là một dẫn xuất của vitamin A, nhóm retinoid. Retinol giúp tăng quá trình tái sinh tế bào, kích thích sản sinh collagen đồng thời hỗ trợ trị mụn và kháng khuẩn.
Collagen là một dạng protein đặc biệt, chiếm 25% tổng lượng protein trong cơ thể người. Đối với riêng làn da nó được xem như một chất keo giữ gìn các mô liên kết dưới da. Vì thế, collagen là một trong những yếu tố cần thiết để có một làn da khỏe mạnh và trẻ trung.
Theo quá trình lão hóa, cơ thể chúng ta sẽ bắt đầu sản sinh ra ít collagen và elastin tự nhiên hơn. Đồng thời, các tác nhân bên ngoài hoặc bên trong cơ thể cũng bắt đầu phá vỡ hàng rào bảo vệ da gồm: collagen, elastin và chất béo. Điều này có thể là nguyên nhân của các vấn đề về da như: nám, chảy xệ, nếp nhăn hay vết chân chim.
Vậy đâu là những tác dụng quan trọng của retinol cũng như cách sử dụng retinol để có một làn da tươi trẻ?
I. Retinol làm chậm quá trình lão hóa của làn da
Theo tiến sĩ da liễu Mona Gohara, phó giáo sư lâm sàng tại Đại học Yale cho biết, "cho đến đầu những năm 30 tuổi, các tế bào của bạn sẽ thay đổi sau mỗi 28 ngày, tạo ra một lớp da nguyên sơ và tươi mới. Nhưng sau khi bạn bước qua tuổi 30, quá trình tái tạo tế bào của bạn chậm lại; cứ sau 50, 60 hoặc 70 ngày lại thay đổi một lần”. Quá trình tái tạo tế bào chậm hơn dẫn đến làn da của bạn khô và sạm đi, cũng như việc xuất hiện những nếp nhăn. Đây cũng là quá trình lão hóa da.
Retinol sẽ ngấm vào da của bạn và tăng tốc độ luân chuyển tế bào, khiến làn da của bạn trỏ lên tươi trẻ và mịn màng hơn. Đương nhiên, bạn sẽ không thấy kết quả chỉ sau một đêm hay một tuần. Phải mất ít nhất ba tháng sử dụng đều đặn Retinol để bạn có thể bắt đầu nhận thấy những nếp nhăn và vết thâm mờ đi.
II. Không phải tất cả các retinol đều giống nhau
Về hóa học, retinol chỉ là một trong nhiều loại retinoid khác nhau (thuật ngữ chung cho tất cả các dẫn xuất vitamin A, bao gồm retinol) có trên thị trường. Ví dụ, một công thức chống lão hóa có thể chứa retinyl palmitate (loại retinoid yếu nhất) hoặc có thể chứa retinol (loại mạnh nhất và dễ hấp thụ vào da), hay retinaldehyde và adapalene. Đối với làn da có mụn trứng cá hay tình trạng lão hóa nặng, bác sĩ có thể kê một số retinoids mạnh hơn, như tretinoin hoặc tazarotene, hoạt động nhanh hơn và hiệu quả hơn, nhưng cũng có thể gây kích ứng hơn cho da.
Vậy nên chọn retinoid nào?
Tốt nhất bạn nên bắt đầu với những loại retinoid có nồng độ thấp, như retinyl palmitate (dành cho da nhạy cảm hoặc da khô) hoặc retinol (dành cho tất cả các loại da khác), và chỉ chuyển sang nồng độ cao hơn sau một năm.
Tuy nhiên, bất kể bạn chọn retinoid nào, hãy hiểu rằng chúng đều có hiệu quả về lâu dài. Các nghiên cứu cho thấy, những tác dụng chống lão hóa lâu dài theo thời gian của retinoid cường độ thấp cũng giống với retinoid cường độ trung bình, do đó đừng vội nghĩ rằng việc sử dụng retinol “yếu” sẽ không hiệu quả nhé!
Một số lưu ý mà bạn cần nhớ khi sử dụng retinoid:
- Dùng retinyl palmitate cho da nhạy cảm, retinol hoặc retinaldehyde cho da "bình thường", hoặc adapalene (hay còn gọi là Differin) cho da nhờn và bị mụn.
- Không sử dụng các sản phẩm trị mụn, axit hoặc các sản phẩm lột mụn vào những đêm bạn sử dụng retinoid (có thể gây kích ứng hoặc bỏng da).
- Retinoids có thể làm cho da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, làm bỏng và rát da, vì vậy hãy sử dụng kem chống nắng chỉ số SPF 30 hoặc kem chống nắng có chỉ số SPF cao hơn vào mỗi buổi sáng.
- Giảm kích ứng khi sử dụng Retinol:
Vì retinoids khiến da bong tróc tế bào nhanh hơn bình thường nên bạn có thể sẽ trải qua một vài tuần bong tróc và khô da, hoặc kích ứng và bị nổi mụn cho đến khi da của bạn vượt qua giai đoạn điều chỉnh. Để giảm thiểu sự kích ứng của retinoids:
Đầu tiên, hãy chọn công thức nhẹ nhàng nhất (retinyl palmitate hoặc retinol) và bắt đầu từ từ – sử dụng nó chỉ 1 đêm/tuần trong 1 tuần, 2 đêm/tuần trong 2 tuần, 3 đêm/tuần trong 3 tuần, và sau đó là cách đêm (cho da nhạy cảm) hoặc mỗi đêm (cho da thường).
Bác sĩ da liễu Tobechi Ebede, MD, trợ lý giáo sư lâm sàng về da liễu tại Cornell cho biết: “Bạn phải sử dụng các sản phẩm này đều đặn để có được lợi ích lâu dài. Chúng đang thay đổi làn da của bạn, và nếu bạn không sử dụng chúng thường xuyên, làn da của bạn sẽ trở lại như ban đầu”.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn nên sử dụng nhiều retinol để tăng tốc quá trình – điều đó sẽ chỉ gây bỏng rát và kích ứng da. Thay vào đó, chỉ sử dụng một lượng vừa đủ trên da sạch và khô vào ban đêm. Nếu retinoid của bạn là kem dưỡng da ban đêm (thường được đựng trong lọ), hãy sử dụng lượng kem cỡ bằng hạt đậu và thoa đều lên mặt. Nếu retinoid của bạn là huyết thanh (thường có trong chai có ống bơm) hoặc theo toa, hãy nhỏ một giọt hoặc hai giọt ra tay và thoa đều lên mặt; đợi 10-15 phút cho nó hấp thụ, sau đó thoa serum và kem dưỡng ẩm thông thường của bạn lên.
Ngoài chống lão hóa da, retinoids còn giúp giảm mụn nữa do đó nên sử dụng các sản phẩm trị mụn khác (bao gồm benzoyl peroxit hoặc axit salicylic) vào những đêm bạn không sử dụng retinoid.
III. Retinoids không chỉ giúp làm mờ nếp nhăn
Tiến sĩ Ebede nói: “Bởi vì retinoids kích thích sự thay đổi tế bào, làm tăng việc sản xuất collagen và elastin, chúng cũng sẽ giúp làm căng mọng làn da của bạn, cũng như làm thông thoáng và thu nhỏ lỗ chân lông, đồng thời làm mờ các vết thâm và mẩn đỏ."
Việc đưa retinol vào chu trình chăm sóc da không những bảo vệ, giúp ngăn ngừa và làm mờ nếp nhăn, mà nó còn giúp sản sinh thêm nhiều collagen mới. Dùng retinol, bạn sẽ cảm nhận được những sự thay đổi tích cực về:
- Kết cấu da.
- Mức độ giữ ẩm.
- Đốm nâu.
- Sắc tố da.
Adalia Duong