Nhớ trăng

Your Story Aug 30, 2022

Ánh chiều tà nhập nhoạng đổ xuống những con phố. Đường Hà Nội kẹt xe, nóng nực, chật chội kèm những tiếng còi xe inh ỏi khiến con người cảm giác không mấy dễ chịu sau một ngày học và làm mệt mỏi. Lúc ấy ánh mắt tôi đã va vào những sạp bán bánh trung thu bên đường. Ồ, sắp đến trung thu rồi! Tôi chợt bất giác mỉm cười. Nhớ.

Nhớ, cảm giác bồi hồi không rõ cứ quanh quẩn trong tâm trí tôi. Những mệt mỏi của ngày dài cứ thế biến mất bởi cảm xúc ấy. Nhớ nhà. Tôi bật máy lên và gọi cho gia đình, khi ấy cả nhà đang ăn tối. Nhớ.

- Mẹ ơi, sắp đến trung thu rồi á mẹ.

- Khoảng một tháng nữa đến trung thu rồi.

- Một tháng nữa cơ ạ, ở đây con thấy người ta bán bánh trung thu nhiều lắm mẹ ạ.

- Ở đây cũng thế, mà trung thu con có về không?

- Con cũng không biết nữa, dạo này con hơi bận mẹ ạ.

...

Sau khi tắt máy, đứng lên, pha một ly cafe như thường lệ - thứ khiến tôi có thể tỉnh táo làm việc đến đêm, ngồi trước laptop. Đột nhiên, ánh điện vụt tắt, laptop mất kết nối mạng. Mất điện. Đứng dậy, cầm ly cafe đứng trước cửa sổ, ánh sáng trăng mờ nhạt rọi vào ô cửa chiếu lên người tôi. Một cô sinh viên năm thứ ba vốn đã quen với việc xa nhà, trước khung cửa sổ nhâm nhi tách cafe nhìn lên ánh trăng tròn, mỉm cười. Nhớ.

Đối với tôi, trung thu là ngày tụ họp, ngày đoàn viên được bên gia đình uống trà ăn bánh trung thu, cùng tiếng nói cười quên mọi muộn phiền. Hơn nữa, nó còn là ngày xóm làng cùng chung vui, cùng nhau diễu hành rước đèn ông sao, đông vui, nhộn nhịp.

Những thước phim màu kí ức sống động bắt đầu chạy. Tiếng trẻ con la hét, vui đùa bên ngoài, cùng nhau đọc “bài thơ trung thu” cười như nắc nẻ:

Trung Thu là Tết thiếu nhi.

Hỏi sao người lớn lại đi chơi nhiều.

 Đi chơi họ lại làm liều.

Làm liều nên mới ra nhiều thiếu nhi.

 Nếu mà người lớn không đi.

Làm sao lại có thiếu nhi hả trời.

 Đó là quy luật muôn đời.

Trung thu là tết mọi người đấy thôi.

Còn các chú bác hàng xóm cùng bố tôi đang hoàn thiện trang trí cho chiếc ông sao lớn tự làm, bàn bạc có khi còn tranh cãi trang trí ông sao lớn như thế nào. Ở trong nhà, các bác và mẹ tôi đang chuẩn bị cỗ tối, người thì chế biến thực phẩm người thì nấu ăn, cùng những câu chuyện phiếm và những tiếng cười vui vẻ. Trước sân của xóm, tôi cùng bọn trẻ con trong xóm reo hò, la hét, nghịch ngợm hết đọc thơ lại đến “cuộc chiến đèn lồng”, thứ chưa bao giờ hết căng thẳng và cuốn hút. Bọn trẻ chúng tôi tranh nhau khoe đèn lồng để xem của ai đẹp hơn lạ hơn. Đứa thì có đèn lồng hình tôn ngộ không, đứa thì có đèn lồng hình hoa sen, đèn lồng công chúa… đủ thứ tiếng vui nhộn phát ra từ những chiếc đèn lồng. Còn tôi lên mặt vênh váo, tự hào kèm chút huênh hoang với cái đèn lồng hình Pikachu trong tay khi bọn trẻ trong xóm trầm trồ nhìn nó.

Đèn lồng, mỗi năm trung thu tôi có thể dùng lại đèn lồng của năm cũ, nếu cái cũ hư thì tôi sẽ được mua một cái mới. Nhưng chiếc đèn lồng tôi thích nhất là chiếc đèn lồng Pikachu đó. Tôi đã để ý đến nó trong một lần đi qua cửa hàng trên đường đi học. Thế là tôi đã làm một phi vụ giao dịch đầu tiên trong cuộc đời mình với bố. Bố tôi ra giá: “top 5 kì thi khảo sát khối 4 đầu năm học”, tôi mè nheo đòi hạ giá. Sau một hồi thương lượng, thì, bố tôi, KHÔNG HẠ GIÁ. Tôi bắt buộc phải đồng ý. Ngồi lên bàn học với ý chí quyết tâm có được Pikachu, ngày nào đi học qua cửa hàng đó tôi cũng nhìn chằm chằm cái đèn lồng ấy. Tự nhủ: tao sẽ có được mày sớm thôi, chờ tao. Thi xong tôi thấp thỏm chờ kết quả từng ngày, khi cô giáo phát bảng điểm đến tay tôi, tôi đã hét lên trong lớp học. Mọi người nhìn tôi, tôi xấu hổ lấy tay ôm miệng lại, từ lúc đó đến cuối giờ học tôi không ngừng cười một cách ngây ngốc. Khi thấy bố tôi đến đón, tôi liền chạy vụt lại.

- Bố, bố. Đi mua đèn lông Pikachu cho con thôi.

Tay đưa bảng điểm cho bố xem, rồi cười tít mắt.

- Đứng thứ 4 cơ à.

- Con giỏi không bố?

- Làm tốt, giờ đi mua đèn lồng nha.

- Vâng ạ.

Có được chiếc đèn lồng, tôi liền khoe với mẹ. Tôi ôm nó khư khư những lúc ở nhà, lúc ăn, lúc ngủ, ngay cả lúc tôi đi vệ sinh. Nhưng tôi không mang ra khoe với bọn trẻ trong xóm ngay, tôi sẽ cho chúng nó xem hôm trung thu để chúng nó trầm trồ. Và điều đấy diễn ra đúng như ý tôi.

Tôi chợt bật cười bản thân khi ấy, lại nhâm nhi tách cafe trong tay, hướng mặt lên ánh trăng, nhắm mắt, tiếp hồi tưởng.

Cuộn phim hồi ức chập chờn bắt đầu chạy tiếp những gam màu kí ức rõ ràng lại như lúc đầu. Chập choạng tối, cả xóm cùng nhau treo trước đèn lồng lên cao, với sự hãnh diện của người lớn kèm tiếng reo hò của trẻ con trong xóm. Không những xóm tôi mà mỗi xóm đều có một ông sao riêng treo trên cao, như một biểu trưng của đêm trung thu. Sau đó cả xóm nhỏ tôi cùng nhau phá cỗ trung thu. Đặc biệt, “lễ cúng chú cuội chị hằng” đặc sắc của chú hàng xóm cạnh nhà tôi khiến cho cả xóm được trận cười ngả nghiêng. Sau khi lễ cúng hoàn thành thì sẽ đến “tiết mục” hạ lễ và bọn trẻ tranh nhau lấy đồ. Xóm tôi không phải xóm nghèo nhưng cũng chỉ là đủ ăn đủ mặc, nên cả năm cũng chỉ được ăn bánh trung thu một lần. Vị bánh trung thu thơm bùi, béo ngậy cùng với sự mong chờ trong một năm, cắn miếng bánh trung thu cảm giác khi ấy thật sung sướng - mỹ vị nhân gian của cả một tuổi thơ. Sau đó, bọn nhỏ xóm tôi cùng nhau đi đến nhà văn hóa thôn để nhận quà bánh và xem văn nghệ rồi lại kéo nhau về để tham gia sự kiện được mong chờ nhất đêm trung thu - rước đèn. Từ người lớn đến trẻ nhỏ cùng trên một chiếc xe tải loại nhỏ cùng kèn, đèn lồng, chiêng trống. Chiếc xe bắt đầu lăn bánh đi diễu hành khắp đường lớn rồi vào cả thôn xóm. Tiếng chiêng, trống, kèn, âm nhạc, con người, ánh sáng từ những chuỗi nhấp nháy làm chiếc xe như một như một lễ hội mini di động, “Tùng dinh dinh cắc…tùng dinh dinh…”. Có những người thì đi bằng xe máy, đôi khi chúng tôi gặp đoàn xe của thôn hoặc xóm khác. Trên đường, trên lề đường, trong lòng đường tất cả đều sáng màu, âm thanh trung thu nô nức. Bọn trẻ chúng tôi la hét theo tiếng nhạc và thổi kèn. Một lúc lâu sau, tuy chúng tôi cũng đã thấm mệt, mặt đỏ phừng phừng nhưng vẫn liên tục thổi kèn, hò hét. Những tiếng cười giòn giã. Buổi diễu hành kết thúc cũng là gần nửa đêm, tôi đã mệt, thế là chạy về nhà leo lên giường ngủ một giấc thật sâu, mặc cho người đầm đìa mồ hôi. Nhớ.

Thời gian dần trôi, tôi phải tập trung vào việc học nên trung thu với tôi dần nhạt nhòa hơn. Đợt dịch Covid 19 kéo dài hai năm giãn cách xã hội và phong tỏa nên không khí trung thu trầm lặng hơn. Nhưng những hình ảnh về trung thu khi còn bé chưa bao giờ rời khỏi tâm trí tôi.  Nó vẫn làm tôi thổn thức, làm tôi háo hức và mong chờ như thế. Tôi yêu cảm giác ấy vì nó khiến tôi được sống và hưởng trọn mọi khoảnh khắc tươi đẹp của cuộc đời, nó lan tỏa và hòa tan trong mọi suy nghĩ của tôi. Có lẽ, đó sẽ là những thước phim sống động nhất mà tôi muốn cất giữ cho riêng mình, cho thời ấu thơ của mình.

Mắt lim dim mở nhìn ánh trăng nhòa rồi lại rõ. Thật khác!

Giờ đây ngồi một mình trong căn phòng nhỏ bé, chút ánh sáng của bóng đèn cũng không thể nào xua tan đi bóng đêm của Hà Nội, một nỗi buồn, sự bồi hồi và đâu đấy còn có cả niềm hi vọng đang rực cháy, thiêu đốt trong tôi. Một ngọn gió đáng yêu nào đó đã mang theo hương hoa sữa nở sớm nhẹ gửi vào căn phòng nhỏ của tôi. Mùi thơm còn lại của ly cà phê hòa quện với hương hoa sữa trong đêm thu - hương vị làm tôi say đắm.

Thời gian trôi đi những thứ còn lại là kỉ niệm. Trưởng thành hơn một chút, tôi nhận ra rằng kỉ niệm đương nhiên sẽ có sự luyến tiếc, nhưng hơn cả, nó khiến bản thân tôi của hiện tại tích cực hơn, vui vẻ hơn, là nguồn động lực mạnh mẽ để cố gắng. Nằm trên giường, cơn buồn ngủ ập đến, hai mắt tôi ríu cả lại cùng những hình ảnh, âm thanh hỗn độn đan xem vào nhau trong tâm trí. Từ từ chìm vào giấc ngủ, tôi thấy: cỗ máy thời gian của Doraemon. Đôi môi chợt mỉm cười.

Ánh trăng ngoài kia vẫn rọi ánh sáng qua ô cửa sổ trải xuống một khoảng nhỏ trên sàn phòng trọ nhỏ.

Tags