Lần đầu viết thư cho bố mẹ

Your Story Jul 11, 2022

Tôi không có quá nhiều “lần đầu tiên” cho đến khi bước vào năm 18 tuổi – năm của sự tranh chiến và mừng vui. Lúc đấy, cảm giác như cuộc đời ghé vào tai tôi thầm thì một sự thật giật mình “18+ là chịu trách nhiệm pháp lý được rồi!”. Lúc này, lần đầu tiên, tôi viết thư cho bố mẹ. Nghe mĩ miều là vậy, chứ nó chỉ là tờ giấy cố viết nắn nót xé ra từ quyển sổ cũ. Không phải để bày tỏ tình yêu thương với những ngôn từ xúc động hay ngọt ngào, mà là để bàn về kế hoạch cho tương lai còn ngây ngô và thấm đẫm nước mắt. Đây chính “Lần đầu tiên” khó quên của tôi.

Nhớ lại, trong suốt 12 năm đèn sách, tôi là học sinh ngoan, học giỏi và thường xuyên được xướng tên trong danh sách “Học sinh nghèo vượt khó”. Phải, đây chẳng phải một điều lạ ở một tỉnh miền núi nơi người ta hay gọi “khỉ ho cò gáy” nơi mà con người quẩn quanh với nương rẫy và “bị bỏ tù” bởi những tư tưởng cổ hủ mang tính di truyền. Cũng chính vì thế, rất nhiều chính sách giáo dục được áp dụng, vì tương lai những đứa trẻ rừng núi không rơi vào vòng tù túng như bố mẹ chúng. Mọi người đều đã nghĩ về tôi là một ví dụ điển hình của mong ước này, nhưng hiếm ai biết, tôi cũng cảm thấy vô vọng và còn chẳng thể xác định được mình thực sự yêu thích và muốn làm gì. Bỗng một ngày, thầy Phó hiệu trưởng ở cùng thôn, ghé nhà tôi chơi. Tôi biết thầy đến với mục đích quan trọng hơn khi ở trường, tôi đều tỏ vẻ với những người thầy, người cô – người hết lòng dạy dỗ tôi, rằng mình ổn và hài lòng với việc không chọn học chuyên nghiệp. Thầy gọi tôi và bố mẹ ra để đánh vỡ bức tường tôi cố “gồng” để bao biện cho lối nghĩ “mòn” mà tôi neo theo bấy giờ chỉ vì chữ “nghèo”. Tôi chợt nghĩ: “Phải chăng mình đang bị cái nghèo làm mụ mị, đến nỗi không có nổi ước mơ nào tốt hơn!”. Mấy ngày sau đó, trong tâm trí tôi diễn ra cuộc tranh chiến: Học Đại học hay đi làm? Nhưng vấn đề mấu chốt ở đây, theo tôi là bố mẹ. Nhiều lần tôi thấy họ than thở, họ mệt nhoài, họ cáu bẳn, họ thở dài, tôi thắc mắc liệu họ có đủ sức và lực để tiếp tục chu cấp cho hai đứa con nữa không, với tiền đi xây hay mấy đồng từ thu bán đồng nát ...

“Gửi bố mẹ!

Con viết thư này vì con không thể trực tiếp nói với bố mẹ được. Nói chưa được câu, con sợ con sẽ khóc mất.

Sắp đến ngày đăng ký xét tuyển Đại học rồi, con biết bố mẹ luôn ủng hộ mọi quyết định của con, nhưng con thấy bố mẹ vất vả quá, vậy nên con nghĩ thế này.

Thi tốt nghiệp xong, con sẽ đi trải đời trước: làm công nhân 1 năm, hoặc vào Nam ở với các anh chị cũng được. Lúc đấy con sẽ cố gắng kiếm tiền và học tiếng Anh nữa, rồi năm tới con đi học Đại học. Con cũng thấy, mẹ thương con nhưng không quyết đoán. Bố thì dường như chả bày tỏ quan điểm gì cả. Con khó xử lắm. Bây giờ, nếu con học Đại học thì sẽ gây áp lực lớn cho bố mẹ. Hoa cũng lại sắp vào lớp 12 như con bây giờ, con sợ bố mẹ không gánh nổi, rồi vì tiền mà bất hoà rồi cãi nhau. Tính cái Hoa cũng nhạy cảm, nhìn nó cứng thế thôi chứ dễ tổn thương lắm. Con đi học cũng chẳng yên lòng."

Đó là một ngày tháng 6 oi ả năm 2020, tôi vừa viết vừa khóc. Nước mắt không biết ở đâu, cứ rơi lã chã như mưa mùa hạ vào tờ giấy. Một trẻ mới thành người lớn đâu thể nhìn xa trông rộng, và cũng thật yếu đuối với những tác động của hoàn cảnh. Thế là bức thư này được đưa cho mẹ với cái giọng nghẹt vì tôi lại chuẩn bị khóc: “Bố mẹ đọc đi!”. Sau đó, tôi trốn biệt vào giường nằm, dỏng tai lên để cố gắng nghe xem bố mẹ đang nói gì. Cái nóng mùa hè chả bằng sự nôn nóng trong lòng, nhưng đáp lại tôi là tiếng côn trùng rả rích trong đêm thâu. Họ im lặng Có lẽ họ cũng bối rối và buồn phiền, hoặc trầm ngâm vào một lối suy tư phức tạp của thế giới người lớn, nơi họ phải gánh lấy quá nhiều trách nhiệm khi được gọi là “bố”, “mẹ”. Và tất nhiên, đây là điều mãi sau này tôi mới nhận ra.

Sáng hôm sau, mẹ tôi không nói gì. Bố tôi, người khá “thô” và tôi mặc định là “vô tâm” lại nói với tôi: “Cái Hương viết lung tung, thích học gì thì đăng ký, bố lo cho”. Bố tôi chỉ nghĩ gì nói nấy, không khuyên, không mắng. Tôi vui lắm chứ vì tôi biết bố tôi thương tôi hơn tôi tưởng, dù nói ra điều này nghe đau lòng. Đến tối muộn, mẹ gọi tôi ra ngồi, mặt đối mặt. Tôi không nhớ rõ mẹ nói bao lâu nhưng sự mệt mỏi cùng tức giận hiện rõ trên khuôn mặt sạm vì nắng. “Sao lại phải lo đến đoạn đấy, cứ học đi rồi đến đâu bố mẹ cũng lo cho chúng mày được”. Mẹ nói rất lâu và tôi im lặng lắng nghe, nước mắt lại không tự chủ tuôn ra. Có lẽ mẹ trách tôi vì nghi ngờ sức lực và khả năng cố gắng của bố mẹ, nhưng suy cho cùng, mẹ xót cho đứa con mới lớn đang vật lộn với mớ suy nghĩ như bòng bong ...

Cô bé ấy, thế mà đã là sinh viên năm Hai đại học rồi đó và đang ở đất Hà Thành cắm cọc thanh xuân cho ước mơ. Khi đi học, tôi nhận ra chỉ cần mình chịu khó tìm hiểu và tìm kiếm cơ hội, mọi thứ sẽ được giải quyết ổn thoả theo cách không ngờ. Tôi đi làm thêm, tôi đăng ký dự án nhà ở sinh viên giá rẻ, tôi tìm học bổng phi chính phủ và cố gắng đạt học bổng của trường. Đúng là “không có tiền sẽ có cách”. Em gái tôi cũng vậy, nó cũng khao khát cái gì tốt đẹp hơn và em đã chọn học Đại học để thực hiện chiến dịch thay đổi cuộc đời. Hai chị em ở Thủ đô, thỉnh thoảng mới về thăm nhà, vậy nên những cuộc gọi điện là không thể thiếu. Lúc đó, chúng tôi và bố mẹ đều động viện lẫn nhau “Cùng cố gắng!”. Nhiều người nhìn vào gia đình tôi, thường sẽ lắc đầu vì nhà không có điều kiện nhưng vẫn cho hai cô con gái đi học cao như vậy. Bố mẹ tôi cười trừ nhưng không quên nói thêm “Có bán đất, bán nhà cũng cho tụi nó học hết!”. Thỉnh thoảng, khi quá mệt mỏi hay nản lòng với cuộc sống xa nhà và việc học tập, tôi lại nhớ đến điều này mà tự khích lệ bản thân. Con của núi mà, trèo đèo lội suối còn làm được!

Trong đợt nghỉ lễ 30/04 – 01/05 vừa rồi, đang nhóm bếp thì mới thấy lại “bản demo” của bức thư ấy, chứ bản gốc thì không thể tìm thấy nữa. Nhưng khi đọc lại, tôi vẫn nhớ y nguyên cảm xúc lúc bấy giờ và cảm thấy niềm hạnh phúc đang tràn đầy trong tâm hồn thiếu nữ tuổi 19 vì những gì đang có và đang theo đuổi. Đâu ai được chọn vạch xuất phát cho cuộc đời, nhưng thay đổi và khiến nó tốt đẹp thì hoàn toàn có thể mà nhỉ?

Tags

Vy Thị Hương

Viết để chia sẻ, viết để sống lại cảm xúc và viết để có động lực bước tiếp