Lần đầu tiên thật sự "sống"

Your Story Jul 11, 2022

Ba giờ sáng, tôi giật mình tỉnh dậy giữa đêm khuya mịt mờ, một màu tối đen như nuốt chửng cả căn phòng. Đâu đó vang lên tiếng khóc rất khẽ khàng, rấm rứt, giống như đè nén cảm xúc trong lòng. Đó là mẹ tôi, cũng là lần đầu tiên tôi thấy mẹ khóc. Bởi vì đã qua một tháng rồi, anh hai tôi chưa trở về lần nào.

Gia đình tôi không mấy khá giả nhưng vẫn rất tuyệt vời: Mẹ nghiêm khắc nhưng sẽ luôn vỗ về mỗi khi chúng tôi khóc, cha dịu dàng chưa từng mắng nhiếc tôi một câu nào, anh trai lúc nào cũng chọc cười và chơi đùa cùng tôi, và tôi, một con nhóc vô tư lúc nào cũng hồn nhiên không lo nghĩ.

Hoặc ít nhất thì tất cả đều là chiếc mặt nạ mà mỗi chúng tôi đều đeo lên trước mặt người khác. Thật ra, trong cuộc sống hằng ngày chúng ta luôn dùng vô vàn những chiếc mặt nạ khác nhau mà đôi khi cả bản thân mình cũng không nhận ra.

Đó có thể là chiếc mặt nạ mạnh mẽ, cứng cỏi, ... để che giấu một cái tôi yếu đuối, mệt mỏi.

Đó có thể là chiếc mặt nạ bao dung, dịu dàng, ... để giấu giếm sự ích kỷ nhỏ nhen, vô tâm với người khác, thậm chí là với người thân yêu của mình.

Đó cũng có thể là một chiếc mặt nạ luôn tươi cười, nhưng ẩn sau đó là những nỗi buồn không ai hiểu, những vụn vỡ không ai biết.

Người ta giấu đi cảm xúc thật để tránh đi sự đánh giá, phán xét, những mũi nhọn của cuộc đời. Tôi không phán xét việc này đúng hay sai, bởi vì “tốt khoe xấu che” là lẽ rất thường tình. Nhưng nếu bất cứ lúc nào chúng ta cũng đeo mặt nạ thì sao?

Ta sẽ không còn thấy được giá trị thật sự của một con người nữa, cũng sẽ không thấy được những vết thương mưng mủ mà họ đang âm thầm chịu đựng, không thể nào kịp thời nghe thấy tiếng cầu cứu của họ, để rồi tất cả đều trở nên quá muộn màng.

Tôi vẫn còn nhớ rõ lúc hai anh em chúng tôi còn nhỏ, chưa biết thứ gọi là “mặt nạ” là gì. Đôi mắt anh ấy vẫn đầy ánh sao cứ như dải ngân hà rạng rỡ nhất, miệng luôn pha trò chọc cho tôi cười phá lên. Nhưng tôi đã không còn nhớ nổi, từ khi nào mà ánh sáng trong đôi mắt ấy đã lụi tắt. Thật ra tất cả chúng tôi đều không nhớ nổi, có lẽ là do chiếc mặt nạ của anh ấy quá chân thật và hoàn hảo, hoặc do chúng tôi chưa đủ quan tâm đến anh ấy.

Vậy thì, từ khi nào chiếc mặt nạ ấy đã được hình thành?

Có lẽ, dấu vết đầu tiên đã xuất hiện từ rất lâu về trước.

Ba tôi lúc ấy rất ít khi la mắng hai anh em, hoặc nói đúng hơn là không biết phải rầy về chuyện gì vì khoảng thời gian chúng tôi tiếp xúc vô cùng ít ỏi. Ông làm việc từ sáng tới chiều, vào những buổi cuối tuần thì đi bơi hoặc cà phê với bạn bè để giải tỏa căng thẳng sau một tuần vất vả, hai anh em chúng tôi ở nhà chơi máy tính. Thế nên tôi nghĩ, thái độ dịu dàng đó giống như đang đền bù cho sự thiếu quan tâm của ông ấy vậy. Khi lớn lên một chút, tôi thích vẽ vời và đọc sách nên thường trốn vào một góc nhỏ nào đó ngốn hết chồng tiểu thuyết mình mượn ở thư viện. Phải chi lúc ấy, tôi quan tâm đến anh hơn, không để anh lại một mình đối diện với chiếc máy tính lạnh băng kia thì phải chăng anh sẽ mở lòng với tôi thêm một chút, tâm sự những nỗi lòng đang đè nặng trong anh chăng?

Lúc anh tốt nghiệp lớp 12, gia đình tôi lại có một cuộc cãi vã lớn, nguyên nhân chính là chuyện chọn nghề. Giờ tôi vẫn còn nhớ phát ngôn “gây sốc” của mẹ khi ấy. Mẹ thấy anh tôi hay sử dụng máy tính nên muốn anh theo nghề công nghệ thông tin, sau đó giải thích bởi vì nghề ấy “có giá”, kiếm được nhiều tiền. Tôi biết mẹ chỉ là muốn tốt cho anh, một phần muốn anh có kiếm nhiều tiền để có cuộc sống sung sướng, không cần phải lao lực đến mức đổ bệnh như bà, một phần cũng để được nở mày nở mặt với anh chị em bên chồng và bà con người quen. Thế là mặc kệ anh tôi phản đối và tôi giải thích như thế nào đi nữa, mẹ vẫn khăng khăng với quyết định của mình. Cuối cùng, anh cũng chấp nhận đăng kí nguyện vọng theo lời mẹ và đậu với điểm sít sao dù rằng anh không hề thích ngành ấy. Cũng từ lúc đó, tôi không thấy anh ấy nói cười nhiều nữa. Anh trở nên trầm lặng, không giao lưu nhiều với bạn bè, thành tích ở trường thì bết bát. Mẹ tôi rất buồn, nghĩ rằng anh đang cố chống đối bà. Những cuộc cãi vã xảy ra liên tục, lúc nào cũng chỉ có mình mẹ tôi phàn nàn than phiền còn anh thì không nói một lời nào.

Vào ngày đó, mẹ tôi để anh lại trông nhà còn ba người chúng tôi lên xe đò về quê ăn đám cưới của họ hàng xa. Một tuần sau chúng tôi về lại thì trong nhà trống trơn, không có ai cả. Mẹ tôi gọi điện thoại cho anh nhưng chỉ có thông báo thuê bao không liên lạc được. Trên bàn phòng khách là một tấm giấy với hàng chữ ngắn ngủi:

Tạm biệt mọi người.

Thật ra trong chuyện này, chúng tôi đều có lỗi. Ba mẹ tôi còn chưa có sự thấu hiểu và quan tâm đúng mực với anh. Còn tôi, một đứa quá vô tâm đến mức không nhận ra được những lời cầu cứu trong thầm lặng của con người ấy, mặc dù tôi lại chính là người thân với anh nhất.

Một giai đoạn tối tăm qua đi, chúng tôi dần thay đổi. Mẹ tôi không còn ép buộc con cái nữa, bà sẽ kiên nhẫn lắng nghe nguyện vọng và suy nghĩ của tôi. Ba tôi thỉnh thoảng đi làm có đồ ăn ngon ba sẽ sẻ chia với hai mẹ con hoặc dẫn gia đình đi chơi. Còn tôi đã học được cách trưởng thành, thấu hiểu và chăm sóc những người thân thương của tôi hơn, không còn là con bé chỉ biết ham chơi ham vui nữa. Đó là lần đầu tiên, chúng tôi bắt đầu “sống” với nhau bằng những gương mặt thật.

Cho dù từ lúc đó, gia đình tôi chưa bao giờ nghe được một tin tức nào về anh nữa, nhưng chúng tôi vẫn cùng nhau chờ đợi anh trở về. Đó là một sự đợi chờ không hồi kết, và chúng tôi bảo nhau rằng: Cho dù cuộc sống có khó khăn thế nào đi chăng nữa, đừng ngại sẻ chia với người khác.

Có thể sẽ chẳng giải quyết được gì, nhưng sẽ nhẹ nhõm hơn.

Biết đâu, họ sẽ hiểu và yêu thương cậu nhiều hơn.

Biết đâu, sẽ có một ai đó sẵn sàng chìa vai để cậu tựa vào, có họ bên cạnh giúp đỡ cậu khỏi vũng lầy cảm xúc.

Tags