Lần đầu tiên gọi ... "Bố!"

Your Story Jul 11, 2022

Mười tám năm sống có bố bên mình, gần như rất hiếm khi tôi gọi một tiếng “bố”. Tuổi thơ của tôi in đậm bởi hình ảnh của bố mẹ cãi nhau. Và cái mà tôi nhớ nhất đó chính là những khi mẹ tôi bị đánh, là khi dòng máu chảy từ trên đầu mẹ xuống từng giọt một, là những buổi tối khi hàng xóm đã chìm trong giấc ngủ thì bố mẹ tôi vẫn còn đang đứng cãi nhau giữa nhà. Và chị em tôi, khi đó có thể làm được gì?Ngoài khóc lóc chúng tôi chỉ có thể bất lực đứng nhìn. Số ngày cả gia đình có những bữa cơm vui vẻ với nhau chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Khi đó còn nhỏ, tôi chỉ bằng cái nhìn của mình, cái nhìn đơn thuần nhất của một đứa trẻ để nhìn bố với ánh mắt căm phẫn. Không biết tự bao giờ, trong não tôi đã lập trình sẵn một điều: trong mỗi cuộc cãi nhau của bố mẹ, bất kể dù bố đúng hay sai tôi đều ghét bố. Đã có những lúc tôi ước bố biến mất khỏi thế gian này để cho mẹ con tôi được yên. Và khi tôi còn học tiểu học, không dưới năm lần mẹ tôi đã viết đơn ly dị. Chữ ký đã sẵn có nhưng tôi không hiểu vì một lý do nào đó, cả bố và mẹ tôi đều không nộp đơn. Và rồi ngày tháng cứ thế trôi qua nhưng những cuộc cãi vã chỉ ngày một nhiều chứ không có dấu hiệu giảm. Không biết bao nhiêu lần tôi vừa học bài vừa khóc nghĩ đến một ngày nào đó gia đình tôi mỗi người một nơi, chị em tôi sống cách biệt nhau. Hình ảnh một ngày nào đó chính bản thân tôi phải đứng từ một góc thật xa để nhìn vào chính ngôi nhà chứa đựng bao ký ức của mình ám ảnh sâu trong tâm khảm, hiện lên trong từng giấc mơ của tôi ngày nhỏ, thậm chí còn xuất hiện mỗi khi tôi bước chân từ cổng vào nhà.

Mỗi tháng tôi không biết mình sẽ phải đối diện với điều gì? Bạn bè tôi ở lớp chỉ mong tan trường để về nhà nhưng tôi, ở ngôi nhà đó, tôi có gì để mong chờ? Chẳng có gì cả. Ngoài việc nhà thì việc của tôi còn là gọi các bác, các chú đến để chứng kiến cuộc cãi nhau của bố mẹ tôi. Thật sự mà nói thì bố mẹ tôi không phải lúc nào cũng cãi nhau. Tôi đã từng tận mắt nhìn thấy giờ phút khi cả hai cười đùa nói chuyện với nhau, cùng ăn cơm với nhau hạnh phúc, cùng chở nhau trên chiếc xe đạp cũ đi lấy hàng giữa trời nắng mà không hề than vãn. Nhưng tiếc là khoảnh khắc đó chỉ như một ân huệ nhỏ bé mà Thượng Đế đôi khi rủ chút lòng thương ném xuống cho gia đình tôi. Và rồi vì cơm áo gạo tiền, vì không hợp tính nhau, vì không có con trai, ... và vì bất kỳ một lý do gì những cuộc cãi vã lại tiếp tục.

Có những hôm trời nắng như đổ lửa, tôi đi học về, việc đầu tiên là chỉ muốn lăn ngay vào giường nằm trước quạt thì hiện ra trước mắt tôi là một người đàn ông đang cầm một khúc gỗ và quăng tất cả những gì nhìn thấy. Gần đó, một người đàn bà đầu tóc bù xù đang than thân trách phận vì sao mình lấy phải người chồng như vậy. Không ai khác đó chính là bố mẹ tôi. Tôi không hiểu vì sao người mà bao nhiêu năm trời tôi gọi bằng bố lại nhẫn tâm đánh đập vợ mình, phá phách nhà của cả chính gia đình mình? Nếu đó chỉ là một câu hỏi có đáp án trong sách vở, tôi quyết truy bằng được câu trả lời cho đến sức cùng lực kiệt thì thôi. Nhưng cuộc đời đâu bằng phẳng như trang giấy kia. Mới phút trước hạnh phúc cười nói với nhau, một giây sau là một tình cảnh cách nhau một trời một vực. Đôi khi tôi tưởng tôi đã nắm được tia sáng hạnh phúc trong tay nhưng nó cũng như chút ánh sáng ảo diệu cuối ngày của Tạo Hóa để đánh lừa những con người cả tin đáng thương mà thôi. Đã không dưới mười lần chi em tôi ăn cơm chan nước mắt. Đã không dưới năm lần mâm cơm nhà tối méo mó. Đã không dưới hai lần đang ăn cơm, cả mâm cơm bất ngờ bị hất lên mặt tôi. Vì sao ư? Vì tôi dám ngang nhiên cãi bố? Vì tôi dám lên án bố tôi để bảo vệ mẹ tôi.

Thời gian cứ thế trôi qua. Tôi khôn lớn dần. Và tôi cũng quên dần tiếng “bố”. Mỗi khi vô tình gặp bố tôi ngoài đường tôi sẽ giả vờ ngó lơ. Mỗi khi chỉ có hai  bố con ở nhà, hai bố con tôi không nói với nhau một lời. Thậm chí, mỗi khi có một việc gì đó bắt buộc như xin chữ ký của bố vào sổ liên lạc tôi cũng cố nhờ em tôi đi xin thay tôi hoặc nói trống không. Tôi nhất quyết không gọi một tiếng “bố”. Tôi căm ghét người đàn ông đó. Lời nói mà tôi ghét nhất không phải là khi bị chê cười, khinh thường khi thua kém người khác, không phải là lời giễu cợt, mỉa mai của lũ bạn, ... Lời nói mà tôi ghét nhất đó chính là: “Con bé này giống bố mày thật”. Đó tưởng chừng là một lời khen, lời nói đầy hy vong vì “con gái giống bố thì giàu”. Nhưng đối với tôi đó là một câu tôi ghét cay ghét đắng, thậm chí tôi còn xem nó như một câu nói xúc phạm mình.

Đầu óc, trí nhớ của tôi đã bị xóa mờ hết những ký ức tươi đẹp của tôi và bố. Tôi quên mất vào một ngày mưa khi tôi học lớp một, bố ra trường đón tôi, vì để tôi không bị ướt mưa bố đã đưa áo mưa cho tôi và dùng áo mưa còn lại bọc cặp sách cho tôi còn bố thì đội một chiếc nón cũ kỹ chạy đi trong mưa. Tôi quên mất ngày nhỏ người mà tôi một bước không dời đó chính là bố tôi. Đi xem phim, đi thả diều, đi thăm ông bà, ... đều là bàn tay bố nắm tay tôi dắt đi, là bố trên chiếc xe đạp cũ chở tôi đi. Là những buổi chiều dù rất bận cũng dành hàng giờ để ngồi làm diều cho tôi. Là những khi bố con tôi ngồi kể chuyện rồi cười đùa cả buổi. Là những giờ tôi hậm hực ngồi khóc sau khi bị mẹ chửi thì chính bố là người đến bên tôi, khuyên tôi chứ không phải ai khác. Là niềm hạnh phúc của bố khi ngồi làm khung để gắn tờ giấy khen đầu tiên của tôi rồi đặt giữa tủ kính khi tôi mới học năm đầu tiên ở mẫu giáo. Giờ phút đó tôi quên hết, tôi quên tất cả. Trong đầu tôi chỉ chỉ có duy nhất hình ảnh bố đánh mẹ, chửi mẹ, phá nát mọi thứ trong gia đình. Và không biết tự bao giờ tôi đã xem bố như vô hình. Càng lớn tôi càng ít nói chuyện với bố.

Tôi nhớ mỗi lần đi thi, kể cả trước và sau khi tôi thi một kỳ thi quan trọng nào đó xong - gần như tất cả những lần tôi đi thi xa đều là do bố tôi đưa đi - bố đều không nói câu nào cả, ngay cả một câu: “Thi tốt nhé!” hay”Làm bài được không con?” như bố mẹ của những đứa trẻ khác cũng không có. Và dường như tôi cũng chẳng cầu mong có câu đó làm gì. Câu đó nếu nói ra từ miệng của người khác tôi thấy rất bình thường nhưng nếu từ miêng bố tôi tôi chỉ xem đó như một sự giả tạo gượng ép mà thôi. Đôi khi, nếu không có một tác động ngoại cảnh nào đó, tôi tưởng như tôi quên mất mình còn có một người bố.

Trước đây tôi vô tình nghe được có người phụ nữ nói với bố tôi trước khi xây nhà: “Xây nhà mới làm gì. Con gái trước sau cũng đi lấy chồng hết. Xây lên rồi cũng thành đồ nhà người ta mà thôi”. Tôi không hiểu sao bà ấy có thể thốt ra câu nói đó. Khi đó nhà tôi đã xuống cấp lắm rồi, trời mưa mà đứng trong nhà chỗ nào cũng ướt, nước mưa ngập tràn cả sàn nhà. Vả lại, cũng phận đàn bà như mẹ tôi, sao bà ấy có thể thiếu sự cảm thông như vậy được mà thẳng thừng nói trước mặt mẹ tôi.

Nếu có con trai mà gia đình hạnh phúc, ăn nên làm ra thì sao ngoài kia nhiều kẻ ngoại tình như vây! Chẳng lẽ dựa vào nhà mình có con trai rồi muốn phán xét, nói gì ai thì nói sao? Đối diện với câu nói đó, bố mẹ tôi không nói gì cả, chỉ cuối mặt cười. Ở quê tôi, nhà nào không có con trai là một điều hết sức đáng chê cười, thậm chí có người còn sẵn sàng đi ngoại tình hay sa vào rượu chè cờ bạc để quên đi “nỗi đau” được người đời gắn tên: nhà không có con trai.

Nhưng từ khi tôi sinh ra đến bây giờ, chưa một lần nào tôi thấy bố to tiếng vì mẹ tôi không sinh được con trai, chưa một lần bố đối xử tệ bạc nói ra lời làm tổn thương đến chị em tôi. Có lần đi học về tôi vô tình nghe được cuộc nói chuyện của bố tôi với bạn. Bạn bố tôi có đùa bố tôi: “Nhà ba con thiên nga chắc phải đẻ đứa nữa để kiếm thằng con trai thôi chứ?”. Bố tôi nói: “Gái hay trai đều là con của mình mà. Con nào mà chả là con hở chú”. Thời điểm đó tôi chỉ xem lời nói đó của bố tôi là một lời nói chống chế với “miệng thiên hạ”, tôi chẳng thấy có gì đặc biệt trong lời nói đó cả. Mãi đến bây giờ, tôi mới nhận thức được đằng sau câu nói đó là cả một sự nỗ lực phi thường của bố tôi với "miệng thiên hạ" để chị em tôi không bị tổn thương, để chúng tôi có thể sống là chính mình mà không phải cúi đầu trước sự dè bỉu của bất kỳ ai.

Tôi rất ghét ăn hoa quả. Tôi chỉ thích ăn các đồ ăn nhanh. Bố tôi thường hay bảo: “Con gái phải ăn nhiều hoa quả vào cho đẹp da”. Tôi bỏ ngoài tai. Tôi nghĩ bố cần tôi đẹp, tôi xinh để giúp bố nở mày nở mặt với thiên hạ thôi chứ nghĩ gì đến tôi. Không chỉ việc ăn hoa quả, tất cả những việc khác, những gì bố muốn tôi làm tôi đều làm ngược lại. Tôi cho rằng một người sẵn sàng đánh chửi vợ con mình không có quyền làm bố của tôi, càng không có quyền dạy bảo tôi. Và tất cả những gì con người đó nói đều là sai trái và vụ lợi cá nhân. Đầu óc tôi chỉ có thể chứa được những trận đánh nhau của bố mẹ mà thôi. Nó, khi đó, không đủ sáng suốt để nhìn nhận vào bề sâu trong từng lời nói, từng hành động của bố.

Năm tôi lên lớp 8, bố tôi mắc ung thư. Đó thực sự là một cú sốc lớn cho gia đình của tôi. Bác sĩ bảo bố tôi phải tránh làm việc nặng thì mới có thể sống tiếp được. Nhưng nhà tôi vốn kinh doanh vật liệu xây dựng, ngoài bố tôi ra thì ai có thể đi vận chuyển hàng, chở hàng được chứ. Nếu thôi làm việc, lấy gì để trang trải cuộc sống. Chỗ tôi ở, lúc đó cũng không có nhiều việc làm thêm bán thời gian. Nếu có đi chăng nữa thì đồng lương kiếm được cũng rất ít. Và bố tôi vẫn đi chở hàng.

Cho đến ngày bố tôi phải nhập viện. Bác sĩ bảo bây giờ bố tôi bắt buộc hàng tháng phải ra Hà Nội để trị liệu hóa trị một lần. Bố tôi không được làm việc nặng và giờ phút đó có muốn cố cũng không thể làm được vì bố không đủ sức nữa. Chị em tôi lại trải qua chuỗi ngày tháng ở nhà mà không có bố mẹ vì mẹ tôi phải đi nuôi bố tôi ở bệnh viện trong thời gian trị liệu. Năm đó, năm giao thừa đầu tiên chị em tôi đón giao thừa một mình. Nghe tiếng pháo hoa, như mọi năm chúng tôi chạy ra ngoài đường xem. Ngoài đó cũng có rất nhiều đứa trẻ ra xem. Nhưng chúng đi cùng bố mẹ. Còn chúng tôi, ai cũng biết bố mẹ tôi đều đang ở bệnh viện. Họ ái ngại nhìn chúng tôi. Tủi thân vô cùng, tôi cùng hai em tôi chỉ biết đi vào trong nhà ngồi nhìn nhau. Sau này, mẹ tôi mới kể hôm đó ở bệnh viện bố tôi khóc suốt. Đêm giao thừa cả nhà đoàn viên còn mình thì ...

Đến giai đoạn cuối của bệnh, dù không nói cả nhà ai cũng biết thời gian của bố tôi không còn nhiều. Có lần tôi đi học về tôi bắt gặp bố tôi đang ngồi bên chiếc xe máy khóc. Chiếc xe máy thời đó cũng khá đắt tiền. Vì vậy, bố mẹ tôi trước đó phải tiết kiệm một thời gian dài mới đủ tiền mua được. Bố tôi lại là người rất thích di chuyển, đi đây đi đó. Vậy mà giờ mới mua xe còn chưa kịp đi thì đã phải bỏ xe vào một góc, bản thân chỉ biết ở nhà chờ đến ngày bắt chuyến xe khách để đi trị liệu ung thư. Nhưng ngay cả khi ấy tôi cũng không đủ dũng khí để đến động viên bố. Cả khi biết bố bị bệnh, tôi cũng không đủ dũng khí để gọi một tiếng “bố”. Tất cả những gì tôi làm chỉ là khi mẹ tôi bảo mang gì cho bố thì tôi mang đến. Và cũng không nói một lời nào cả. Cứ mỗi lần tôi định cất tiếng “bố” thì ký ức về những lần cãi nhau, về những bữa ăn dang dở dang thì bị hất tung, âm thanh về tiếng bát vỡ, tiếng khóc lại đồng loạt hiện về và đầy đủ một cách lạ thường. Đó là một cánh cửa vô hình nhưng cực kì vững chắc mà cứ mỗi khi tôi định mở thì luồng gió vô tình ở đâu lại lạnh lùng tràn qua và hất tung lại, không cho tôi mở ra. Và tôi khi ấy, hèn nhát đến vô cùng. Tôi có thể dành hàng giờ để động viên một bạn cùng lớp thi không được giải. Tôi có thể sẵn sàng giúp đỡ bất kỳ một người lạ nào gặp trên đường. Tôi rơi nước mắt khi xem một cảnh phim buồn trên tivi trước mặt cả gia đình tôi. Nhưng chính bố - người dạy tôi phải biết giúp đỡ người khác lại là một ngoại lệ. Trước các cuộc phẫu thuật của bố, tôi chỉ biết tìm chỗ nào kín đáo nhất để khóc. Sau đó thì cố giấu nước mắt và bước ra ngoài với vẻ mặt bình thường nhất. Không biết từ bao giờ từ một đứa trẻ vô lo vô nghĩ, khóc cười vô tư tôi đã biến thành một người ít khi, thậm chí là không bao giờ thể hiện cảm xúc của mình trước mặt người khác, nhất là những thứ liên quan đến bố. Trong thâm tâm, tôi muốn gọi một tiếng “bố” lắm, muốn quan tâm, hỏi han bố nhưng miệng tôi không thốt nên lời, cánh tay tôi như tê liệt toàn bộ, bàn chân tôi như mất hết sức lực để bước qua cánh cửa vô hình chắn giữa bố con tôi. Thậm chí, khi muốn nấu một món gì đó cho bố ăn tôi cũng chỉ đưa cho em tôi mang lên. Tôi không đủ dũng khí để đứng trước mặt bố. Tôi sợ, việc đầu tiên khi tôi đến trước mặt bố không phải là tiếng gọi “bố”  đã ấp ủ bấy lâu nay hay những lời quan tâm đầy yêu thương được nói ra mà là những giọt nước mắt sẽ vỡ òa mà tuôn ra. Vì vậy, tôi lại tiếp tục lảng tránh bố tôi.

Vào tiệc sinh nhật em tôi, vì thương chúng tôi, bác tôi có mua cho em tôi một chiếc bánh sinh nhật. Bố tôi cười nhìn em tôi: “Sau này bố khỏe lên nhất định sẽ mua cho em một chiếc bánh sinh nhật to hơn, nhá”.

Từ khi biết nhận thức về sinh nhật là ngày gì, tôi chưa hề tặng bố một món quà gì. Cả một lời chúc mừng cũng không có. Vì vậy, nhân dịp sinh nhật em gái tôi (vì sinh nhật em tôi gần sinh nhật bố tôi và thời điểm đó bố tôi rất hay phải đi bệnh viện nên thời gian ở nhà rất ít), tôi có mua tặng bố tôi một cái mũ lưỡi trai. Nhưng tôi không dám tặng, tôi đưa em tôi tặng. Thời điểm đó, vì truyền nhiều hóa chất đầu bố tôi rụng rất nhiều tóc. Khi ra ngoài, bố chỉ dám đội cái mũ cũ đã bạc màu để gặp người khác mà không dám mua cho riêng mình một cái mũ. Vì thế tôi quyết định mua cho bố tôi một chiếc mũ mới. Hôm thấy chiếc mũ đó bố tôi vui lắm. Bố đội nó ngay, cười vui vẻ: “Chắc đắt tiền lắm đây”. Từ hôm đó, đi đâu bố cũng đội chiếc mũ đó. Bố không còn ngồi ở nhà nữa mà hay đi sang hàng xóm chơi hơn. Có lẽ thời điểm đó hơn ai hết, bố cảm nhận được ngọn đèn thời gian cuộc sống của mình sắp cạn hết dầu rồi.

Càng ngày bố càng sợ ở một mình. Bố hay bật nhạc và cũng hay xem phim hài và truyện cười nhiều hơn. Ai nói ở đâu có thuốc gì, bố tôi cũng sẵn sàng nấu uống. Tôi biết bố tôi đang cố gắng góp nhặt từng tia hy vọng để có thể ở lại lâu hơn với chúng tôi, dù khoảng thời gian đó chỉ tính bằng từng giây từng phút. Tôi còn nhớ khi đó tivi nhà tôi rất hay bị hỏng. Dù rất mệt nhưng thấy ánh mắt thất vọng của chúng tôi, bố lại loay hoay đi sửa tivi. Trong lúc ăn cơm, bố thường hay nói chuyện về việc thi Đại học và tưởng tượng về một ngày nào đó tôi đậu Đại học, bố sẽ ở nhà kiếm việc làm thêm như này như kia… Vừa nói bố vừa cười vui vẻ.

Nhưng chưa đợi đến ngày tôi thi Đại học thì bố đã ra đi. Trước lúc ra đi bố còn muốn mọi người đem mình đến bệnh viện ngay vì biết đâu bác sĩ có thể có cách gì đó. Mọi người chiều theo ý bố nhưng ai cũng biết điều gì sắp sửa xảy ra vì bác sĩ đã nói gia đình tôi nên chuẩn bị tâm lý từ trước đó rồi.

Và đến sáng hôm sau thì bố tôi qua đời. Trước khi qua đời bố dặn dò từng chị em tôi. Tôi liên tục gọi “bố” nhưng lúc này bố không còn đủ minh mẫn để biết tôi đang nói gì. Mắt bố mờ dần mờ mờ dần và khép lại vĩnh viễn. Lần đầu tiên tôi gọi “bố” sau hàng chục năm không gọi, lần đầu tiên tôi gọi “bố” to đến thế mà bố tôi không hề đáp lại. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi được gọi tiếng thiêng liêng ấy.

Lần đầu tiên tôi tự hứa sẽ nghe lời bố. Thực ra tôi không hề quên mình có một người bố, tôi không hề quên tiếng gọi thân thuộc ấy. Chỉ là tôi quá hèn nhát để vứt bỏ rào cản mà tôi đã tự dựng lên giữa tôi và bố mà thôi. Chỉ tiếc là khi tôi vùng mình băng qua rào cản, mọi chuyện đã quá muộn. Ngày đưa tang bố tôi, theo làng tôi khi bố mất phải khóc là: “cha ơi”. Nhưng tôi kiên quyết không làm. Lần đầu tiên khi tôi biết nói tôi đã gọi bố là “bố” và cho dù ở thế giới nào bố cũng mãi mãi là bố của tôi. Sẽ chẳng ai thay đổi được điều đó cả. Một tiếng “bố” ấy tôi đã giữ gìn, cất giấu, thèm muốn được gọi bao nhiêu năm qua, sao có thể nói đổi là đổi. Tiếng “bố” ấy chị em tôi đã gọi hàng vạn lần, đã gắn liền với bao ký ức, kỉ niệm, hà cớ gì khi bố vừa nhắm mắt xuôi tay, chúng tôi lại phải tuân theo cái gọi là miệng lưỡi thiên hạ để gọi tiếng “cha” xa lạ một cách máy móc, vô hồn.

Trước đây, khi xem phim hay đọc truyện, mỗi khi bắt gặp cảnh sinh ly tử biệt người ta mới dám thẳng thắn và thành thật trao nhau những lời nói yêu thương, tôi từng cho điều đó chỉ là viển vông, người ta dàn dựng nên chỉ để lấy nước mắt của người xem mà thôi. Và tôi không ngờ đến một ngày chính tôi cũng trải qua cảm giác đau đớn ấy. Phải chăng, chỉ khi đặt mình vào vị trí của người khác hay đau đớn hơn là chính mình nếm trải nỗi niềm chua xót của cuộc đời ta mới có thể cảm thông thấu hiểu và sẵn sàng sẻ chia cảm xúc hơn với người khác thay vì thấy người ta thật giả tạo, kém cỏi? Mười mấy năm qua, tôi chưa từng đặt mình vào hoàn cảnh của bố, vào những áp lực trong cuộc sống mà bố phải chịu đựng để cảm thông với bố. Tôi chỉ biết dùng định kiến đã khắc sâu từ lâu trong tâm thức để phán xét bố. Tôi chỉ biết ghim sâu những mảng đen tối của cuộc sống vào tim mà chưa hề chịu mở lòng mình để nhìn thấy những khoảng trắng đầy hứa hẹn vẫn còn đó để tôi có thể tự vẽ lên màu sắc mà mình mong chờ. Để rồi lần đầu tiên ấy mãi mãi là lần cuối cùng.

Tất cả những gì tôi còn lại là một bức ảnh chụp chung với bố đã bị nhét vào đáy hộp và một hộp bút mà bố tặng mà tôi đã ném vỡ một góc. Tất cả những kỷ vật ấy đều méo mó, khuyết thiếu nhưng những ký ức ấy vẫn vẹn nguyên như mới hôm qua, vẫn đong đầy mà mỗi khi tôi nhớ lại nước mắt đều tuôn rơi, lòng quặn thắt như chính mình một lần nữa lại trải qua cái ngày mà bố tôi rời xa gia đình tôi.

Sẽ thật ảo tưởng nếu tôi cứ mong quay ngược bánh xe thời gian để sống và yêu thương bố của mình nhiều hơn. Sẽ thật vô ích khi tôi cứ ngồi cạnh di ảnh bố và hối hận về những điều đã qua. Thứ duy nhất, có lẽ, tôi có thể làm đó chính là sống và yêu thương hơn, trân quý hơn những người thân yêu của mình để không bao giờ phải xót xa, đau đớn như vậy nữa!

Tags