"Khoảng cách" của Tết

Your Story Dec 5, 2022

Ai thả vàng bay trong gió?

Cho đường ngập nắng chiều nay

Tay ấm mùa xuân vừa đến

Tình nồng dù chưa men say.

Vậy Tết trong bạn mang ý nghĩa đặc biệt như thế nào?

Từ xưa tới nay, dù ở thời đại nào, không gian nào, phát triển đến nhường nào thì Tết trong con người Việt Nam không thể thiếu “thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu tràng pháo bánh trưng xanh”. Thiếu đi một trong những “gia vị” ấy, Tết dường như không thể trọn vẹn. Nam có hoa mai, bánh tét; Bắc có hoa đào, bánh chưng. Tuy phong tục tập quán khác nhau, xong không khí Tết vẫn luôn tràn ngập trên khắp ngóc ngách của đất nước. Có lẽ đối với mình, khoảng thời gian dọn dẹp, háo hức sắm sửa, trưng bày mới là vui hơn cả. Mình không thích cảm giác tiếc nuối một thứ đã qua cho dù phải chấp nhận và đối mặt với sự thật. Vì thế thay vì chỉ mong chờ đến Tết, mình học cách yêu luôn quãng thời gian chuẩn bị tạm biệt Tết và đón chờ cho một mùa Tết sau.

“Tết xưa” của thế hệ bố mẹ là một khái niệm không hề mới lạ nhưng có lẽ mình lại không thể hiểu được khi người lớn nói rằng “Tết nay không còn giống Tết xưa”. Thế nhưng mình lại rất nhớ và mãn nguyện với thứ gọi là “Tết xưa” của chính bản thân mình. Vẫn là bánh chưng, bánh kẹo, quần áo mới và những phong bao lì xì đỏ nhưng Tết mỗi năm lại mang lại cho mình những cảm giác thật sự khác nhau.

Giá trị tinh thần cốt lõi của Tết là sự sum họp và quây quần. Khi nhắc đến Tết, mỗi người đều có một liên tưởng, sắc thái và ý nghĩa khác nhau. Đối với trẻ em tết là lì xì, là bánh chưng xanh, là sắc hồng thắm của đào. Đối với người trưởng thành, tết đôi khi lại là cảm giác lo sợ, hoang mang bao bộn bề lo toan của cuộc sống, sự nghiệp và có lẽ quây quần bên gia đình lại là khoảnh khắc xa xỉ hơn bao giờ hết…

Lần cuối cùng bạn gọi về cho mẹ là khi nào? Mình từng chứng kiến một cuộc gọi ngắn ở trạm xe buýt của một anh trai trẻ với giọng thỏ thẻ “chắc con không về được” và có lẽ ở nơi đầu dây bên kia, mẹ anh đang nghe. Người ta nói rằng mình sẽ không bao giờ hiểu được cảm giác của người khác nếu như mình chưa thực sự rơi vào hoàn cảnh giống họ. Tuy vậy nhưng lòng mình vẫn nặng trĩu. Mình sợ một ngày nào đấy mình cũng sẽ là người nói với bố mẹ câu ấy.

Mình chắc chắn nhiều người sẽ cho rằng “tết nay không còn vui như tết xưa” hay “tết nay không còn giữ nét truyền thống như tết xưa”… Thế nhưng đối với mình tất cả những suy nghĩ trên chỉ là tương đối. Càng lớn, con người ta càng ghét Tết. Ghét phải chạy việc ngày đêm, ghét vì phải tất bật lo toan sớm tối để có cái Tết đầy đủ. Trước đây mình cũng từng có suy nghĩ như vậy. Chỉ những đứa trẻ thực sự nghèo đói mới cảm thấy Tết vui đến nhường nào. Chúng khao khát được đổi những bộ quần áo đã sờn, những đôi dép chắp vá để lấy những món đồ mới, những túi bánh kẹo lạ mà chỉ có vào dịp Tết. Nhưng càng lớn, mình nhận ra Tết không chỉ như vậy là đủ. Nếu như bạn là một sinh viên tỉnh lẻ lên thành phố học hay thậm chí làm việc cả năm tại nơi đất khách quê người bạn sẽ hiểu Tết thực sự phải là đoàn tụ và sum vầy. Về bản chất, Tết nay không hề khác Tết xưa. Chỉ đáng trách rằng thứ thay đổi chính là bản thân chúng ta. Sự thờ ơ, vô tâm khiến con người đắm chìm vào một cuộc sống xô bồ của công việc, làm nô lệ của những chiếc máy tính, đồ án mà quên mất rằng dù vận đổi, sao rời thì nhà vẫn luôn là nhà. Tết là thời gian nghỉ ngơi, sum họp và quây quần bên nhau. Vì vậy đừng khiến Tết trở thành khoảng thời gian mệt mỏi, chọn rời xa gia đình để tập trung cho công việc. Mình tự nhận mình chỉ là một đứa trẻ ranh chưa tròn “hai chục” và những thứ mình nói có thể không đủ để thuyết phục người khác nhưng mình tin nó luôn đúng ít nhất là với mình. Trên đời này không gì là không có ý nghĩa. Nếu như bạn cảm thấy nó nhàm chán, tức là bạn chưa tìm ra được ý nghĩa bản chất của nó. Vật chất có thể không nhiều, công việc có thể chưa ổn định nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi. Chỉ có duy nhất một thứ là vĩnh cửu đó là “nhà”. Hãy tự hỏi bản thân rằng mình có biết bao nhiêu lần được quây quần, sum vầy đầy đủ với gia đình như vậy nữa?

Tết là sung túc, là quây quần, là hạnh phúc. Vậy bạn nghĩ bạn có bao nhiêu thứ và trong bao la biển người kia bạn may mắn hơn bao nhiêu người? Và đôi khi mình tự hỏi liệu những người vô gia cư ngoài kia có Tết không? Những đứa trẻ không có lấy nổi một bộ quần áo tử tế. Sáng ở vỉa hè tối nằm gầm cầu, đêm đến lại ngơ ngác nhìn phố phường. Trẻ con cũng có ước mơ nhưng lại bị dập tắt bởi cuộc sống lạnh lẽo, bởi áp lực của cơm, áo, gạo, tiền. Mình không đơn giản thích Tết và muốn Tết của bản thân thật trọn vẹn. Mình muốn Tết của người thân mình và tất cả mọi người đều như vậy để mỗi năm trôi qua đầu đánh dấu một mốc đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi con người. Có vậy, cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa.

Tết đang đến rất gần nhưng có lẽ đối với rất nhiều người, “khoảng cách” của Tết lại đang rất xa. Nếu như trên đời này, con người không còn bị áp lực bởi đồng tiền thì chắc hẳn cuộc sống bây giờ thực sự đã trở nên rất tươi đẹp.Không còn xa cách, không còn áp lực, không còn những cám dỗ, sa ngã. Không cần phải món này thức nọ, không cần kể chuyện công việc, cũng không cần mang tiền về. Chỉ cần là sức khỏe, là những nụ cười hạnh phúc, là đông đủ những gương mặt rạng ngời, vui vẻ trên bàn ăn đã là niềm hạnh phúc và may mắn nhất rồi. Hãy cùng tạo nên những kỉ niệm thật đẹp bên nhau vì bạn biết đó: “Hãy cười lên vì cả thế giới sẽ cười cùng bạn!

Tags