Dư vị tuổi thơ

Your Story Aug 19, 2022

Không như xuân về mang theo sự náo nức tươi vui, vạn vật đâm chồi nảy lộc, mùa của sự sống, của ước mơ. Không như ngày hạ với những chùm hoa phượng nở đỏ rực một góc trời, với cái nắng chói chang khiến lòng người rạo rực. Và cũng chẳng giống khi đông về mang theo cái lạnh thấu xương khiến ai cũng phải xuýt xoa. Vì điều gì đó, thu về khiến lòng ta muốn du dương theo điệu nhạc, hát vu vơ mấy câu chờ đợi nhẹ nhàng, an yên. Mùa thu với những cơn gió heo may thơm mùi hương cốm mới, hoa ổi góc vườn nở một khoảng trời trắng tinh khôi, hương ổi nhè nhẹ thấm đượm vào lòng người. Sớm thu - một bầu không khí thoáng đãng, dịu ngọt, khiến người ta muốn tận hưởng, hít hà thứ cảm giác yên bình mà bấy lâu nay tìm kiếm chốn thôn quê. Vậy mà, khi hoàng hôn buông xuống là khoảnh khắc ta thấy buồn, bao kỉ niệm xa xưa chợt ùa về trong kí ức. Ừ thì, thu mà, vốn dĩ nó khiến người ta thèm cái cảm giác đợi chờ khắc khoải, thèm dư vị của yêu thương và được gặm nhấm nỗi buồn một lần nữa. Giống như một bức tranh ngẫu hứng của thiên nhiên, bầu trời chiều thu mang trên mình những đường nét mộc mạc, nguyên sơ nhưng không kém phần dịu dàng, thanh thoát. Nếu những đám mây xám, mây hồng, mây ngũ sắc là phông nền cho bức tranh hoàng hôn thì những cánh chim nhỏ mềm mại, uốn lượn cõng từng giọt nắng vàng lóng lánh được ví như một điểm nhấn đầy ấn tượng. Tôi yêu cái cảm giác thảnh thơi ngày ấy, được nằm lặng trên dốc đê say nồng hương cỏ mà đắm đuối ngắm nhìn những đàn chim rủ nhau thiên di về tổ ấm. Ngay lúc này, lòng bỗng thấy xôn xao đến lạ. Có giọt nắng nào vừa rơi xuống bâng khuâng. Thế rồi, màn đêm dịu dàng buông xuống. Bầu trời thăm thẳm, lấp lánh muôn vạn vì sao. Xa xa, phía cuối làng, vầng trăng đang từ từ nhô lên khỏi lũy tre, mờ nhòa trong làn sương mỏng. Nếu có ai hỏi tôi về bầu trời, tôi sẽ kể cho họ nghe về ông trăng tròn. Nếu có ai thắc mắc với tôi về ông trăng, tôi sẽ kể cho họ nghe về ông trăng rằm tháng Tám. Bởi trong truyền thống của dân tộc Việt Nam thì Trung Thu chính là lúc ánh trăng trở nên tròn trịa, đẹp đẽ nhất.

Hôm nay, tiết trời bắt đầu bước vào những ngày đầu tháng Tám, ngoài hiên cơn mưa đang đổ xuống, mang theo cái lành lạnh đặc trưng của tiết trời mùa thu. Trong lòng tôi đan xen bao cảm xúc khó tả, lẫn lộn không nói thành tên. Tôi nhớ lại mình thuở nhỏ, cái tuổi hồn nhiên, vô tư ở chốn thôn quê này. Ngày thơ ấu, cuộc sống của tôi chỉ xoay quanh ánh đèn dầu leo lắt, quanh ánh sáng của những đêm trăng. Nhưng cũng chính như vậy mà tôi mới biết đến những cảnh đẹp của ánh trăng đầy lung linh. Trăng đầu tháng có hình lưỡi liềm, ánh trăng như mật vàng, ngọt lịm tuôn tràn xuống mọi ngõ ngách khiến từng lá cây, ngọn cỏ đều sáng lấp lánh. Những đêm trăng ngày thường vốn đã đẹp nhưng những đêm trăng mùa thu còn đẹp và khiến người ta cảm thán nhiều hơn. Trăng trong hơn, sáng hơn và đặc biệt là với cái tiết trời se se lạnh, ánh trăng như mang theo cả sự hiền hòa, cởi mở khiến lòng người như mềm mại hơn. Tôi không ngại dừng lại một chút để thả lỏng thư thái và thưởng lãm cảnh đẹp của thiên nhiên. Ngước lên trời cao bao la, lòng tôi xúc động vô bờ khi bắt gặp những vì sao lấp lánh, nó giống như những ánh mắt của trời cao đang sẻ chia cùng nỗi niềm tâm sự của tôi ngay lúc này - kí ức ngày Trung Thu.

Sinh ra tại một miền quê nghèo khó, ba mẹ đi làm xa nhưng thời thơ ấu của tôi lại có những kí ức đẹp đẽ khi được lớn lên trong vòng tay bảo bọc của ông bà nội. Ngày ấy ở thôn quê, hầu hết ông bà, cha mẹ đều làm nông, cái đói, cái nghèo bủa vây bám riết, đói no còn canh cánh từng ngày, đếm đong mùa giáp hạt thì làm sao nghĩ đến những món ăn tinh thần cho con trẻ, trong đó có Trung Thu! Như thấu hiểu nỗi lòng của người lớn, bọn trẻ chúng tôi rất ngoan ngoãn, chẳng bao giờ so bì hoặc đòi hỏi gì mà tự tìm niềm vui theo cách riêng mình. Rằm tháng Tám mang một dấu ấn vô cùng đặc biệt và ý nghĩa. Ngày mười lăm tháng tám âm lịch còn gọi là “Tết Trung Thu”, “Tết thiếu nhi” là ngày lễ lớn nhất mà bọn trẻ con chúng tôi mong đợi. Chẳng cần chờ đến chính rằm, lúc mặt trăng tròn vành vạnh, tỏa ánh vàng khắp thôn quê mà ngay từ đầu tháng Tám âm lịch, không khí vui Trung Thu đã rộn rã lắm rồi. Tôi nhớ như in hình ảnh trước rằm tháng Tám, cô tổ trưởng tổ phụ nữ thôn lại đi từng nhà, ai muốn góp quỹ bao nhiêu cũng được, vui là chính. Có nhà đong vài lon gạo, nhà góp 5-10 ngàn đồng để sau đó quy đổi ra tiền mua bánh kẹo cho tụi nhỏ chúng tôi phá cỗ đêm rằm. Lúc ấy, tôi cùng lũ bạn bẽn lẽn đi theo sau, một chút nghịch ngợm nhưng đầy dễ thương, nhảy nhót khắp hang cùng ngõ hẻm với giọng cười giòn tan cho đến khi trời chập choạng tối. Tiếng cười nói xôn xao của tuổi hồn nhiên hòa vào tiếng gió ru cành lá, tiếng chó sủa văng vẳng, tiếng ếch nhái ngoài đồng râm ran, dệt thành một điệp khúc làng quê thân thuộc. Tôi đã bước qua thời thơ ấu từ những ngày bàng bạc màu cổ tích. Ngồi ở thềm nhà lặng nghe ký ức vươn mình thức dậy, tôi như đang trôi trong giấc mơ lấp loáng ánh trăng vàng. Tôi ngửa cổ hớp những giọt trăng trong vắt có vị của ấu thơ ngọt ngào, thấy bao ưu phiền, tất bật cũng vừa tan đi. Tôi nhớ những đêm gió mát, chiếc giường tre được kê ra giữa sân nhà, được sà vào lòng bà nội, vừa ngắm trăng vừa được bà kể cho nghe sự tích “chú Cuội chị Hằng”.Hồi đó, nói tới lồng đèn Trung Thu thì con nít đứa nào chẳng mê, tôi háo hức vô cùng, chỉ mong đến ngày Trung Thu để được cùng đám bạn đi rước đèn, vui chơi, ca hát... Thế là tôi cứ ngân nga mãi giai điệu quen thuộc:

Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu.

Cán đây rất dài cán cao quá đầu.

Em cầm đèn sao em hát vang vang.

Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan”.

Hiểu được tâm trạng trông ngóng về một chiếc đèn Trung Thu, ông nội tôi lại vừa cười vừa thương đứa cháu mình như thể hiện rõ trên khuôn mặt với những nét biểu cảm. Thế là ông lụi hụi ra sau vườn, chặt lấy một cây tre để làm cho tôi chiếc lồng đèn. Ông nhìn tôi và hỏi: “Thế cháu thích chiếc lồng đèn có hình gì?”. Lúc đầu tôi hơi bối rối chưa biết nên chọn hình thù gì,.. nhưng sau đó tôi liền đáp: “Cháu thích hình ngôi sao ạ!”. Làm một chiếc đèn ông sao truyền thống không phải là công việc quá khó song nó đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ của người làm và ông nội tôi lại có được những điều đó, bởi ông rất “khéo tay”. Ông bắt đầu vót nan tre và uốn thành một vòng tròn. Năm cánh của ngôi sao cũng được ông khéo léo cố định rồi buộc vừa khít trong chiếc khung tròn trịa ấy. Bàn tay thô ráp đầy vết đồi mồi thành thục dán những cánh sao đủ màu sắc được cắt ra từ những tấm giấy gói oản mà tôi vừa chạy ù ra mua ở đầu ngõ. Tôi chăm chú vào bàn tay thoăn thoắt của ông và bắt đầu thắc mắc về ý nghĩa của đèn ông sao, thế là tôi hỏi ông nội ngay. Nội mỉm cười và bắt đầu giải thích: “Hình ảnh ngôi sao năm cánh được bao bọc bởi vòng tròn là tượng trưng cho sự cân bằng và hài hòa các mối quan hệ trong đời sống, giữa người với người và giữa người với thiên nhiên vạn vật đó cháu à! Không những vậy, đèn ông sao còn là biểu tượng của Trung thu, tượng trưng cho những ánh sao trên bầu trời và là nét đẹp văn hóa truyền thống của con người Việt Nam”. Nghe những lời giải thích chi tiết từ nội, tôi mới phần nào hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa ấy. Xong đâu đấy, ông nội gắn lồng đèn lên một đoạn tre đã cài sẵn cây nến nhỏ. Trên cùng được buộc hai que tre có dán hai lá cờ hình chữ nhật màu đỏ. Thắt nốt hai chùm tua rua xanh đỏ, tím vàng cắt từ giấy thủ công. Cơn gió chiều lùa qua làm lắc lư những chùm dây tua rua đủ màu sắc trang trí xung quanh. Hai ông cháu cặm cụi cả buổi trưa, cuối cùng ông đã hoàn thành một chiếc đèn ông sao đẹp như mơ cho cháu gái rượu. Tôi ôm cổ “Ông Bụt” thơm một cái vào má rồi tung tăng chân sáo mang đèn đi khoe khắp chúng bạn. Còn gì vui hơn, đèn ông sao của tôi vừa to, vừa đẹp. Đối với tôi, chiếc lồng đèn chính tay ông nội làm là món quà vô giá gây niềm thương nỗi nhớ thuở ấu thơ. Trời ngả bóng chiều, bà nội tôi bắt đầu chuẩn bị mâm ngũ quả để ngày mai cúng rằm. Trên mâm được bà bày biện các loại quả mùa thu, chủ đạo là chuối, bưởi, hồng, lựu, mãng cầu. Nải chuối chín thơm lừng, quả hồng đỏ mang hy vọng, quả na với nhiều hạt mắt mang ước nguyện sinh sôi nảy lộc, quả bưởi tượng trưng cho sự mát lành tốt đẹp và quả lựu là sự ngọt ngào may mắn. Những quả ngọt ấy, hầu như là sản phẩm “cây nhà lá vườn” được bà sắp xếp trên chiếc mâm gọn gàng và đẹp mắt. Không phải là một mâm cỗ tiện nghi với những loại trái cây mắc tiền, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo xa xỉ, nhưng đối với tôi, đó là kí ức, là hương vị tuổi thơ mà ở hiện tại khó có thể tìm lại được. Thương biết bao nhiêu, nhớ biết bao nhiêu cái thuở ấy. Trước sân nhà, sương khói heo may lãng đãng trên từng hàng cây, mái lá, cảnh vật dần biến chuyển theo ánh hoàng hôn và đẹp một cách hư ảo khiến lòng tôi nao nao mong đến ngày mai vô cùng. Tôi cứ đi ra, đi vào để trông ngóng cái điều gì đó, thấy thế bà nội lại bật cười.

Sau bao ngày lo toan, chuẩn bị, thời khắc quan trọng mà lũ trẻ chúng tôi mong đợi nhất cũng đã bắt đầu - một đêm Trung Thu. Từng luồng khói trắng, cuộn xoáy hòa với không gian chiều tối tạo nên một bức màn kì ảo bao trùm khắp làng quê. Ánh trăng từ từ ngoi lên, mờ nhòa hiện rõ trên nền trời thăm thẳm. Khuất trong những luỹ tre già thấp thoáng những ngôi nhà mái tranh, khói bếp bay lên cao ngút. Trời tối dần, tối dần đến khi mọi ánh sáng đã tan biến nhường chỗ cho màn đêm buông xuống. Nhà nhà lên đèn và nhà tôi cũng được bà nội thắp lên ngọn đèn dầu hiu hắt, từ xa nhìn lại, ngôi làng thân yêu ấy như một dòng sông dài rộng với những ánh hoa đăng bồng bềnh trên sóng nước. Khoảng sáu giờ rưỡi tối, trăng bắt đầu lên cao hơn, to hơn và sáng rõ hơn. Ánh trăng soi tỏ khắp muôn nơi:‌‌

Sân nhà em sáng quá‌‌

Nhờ ánh trăng sáng ngời‌‌

Trăng tròn như cái đĩa‌‌

Lơ lửng mà không rơi.”‌‌

(Trăng sáng - Nhược Thủy)‌‌.

Mặt trăng tròn giống như một chiếc đĩa khổng lồ đang lơ lửng trên không trung, làm bạn cùng với những vì sao nhỏ bé. Trăng đêm nay dường như sáng kì lạ, ánh trăng vàng chảy trên mọi nhành cây kẽ lá, khắp làng quê như khoác trên mình chiếc áo lộng lẫy của một người thiếu nữ xinh đẹp sắp sửa tham gia lễ hội. Tết Trung Thu quả thực là một tinh túy trời ban, là dịp cho trẻ em nô đùa náo nức, là ngày gia đình sum họp, thực là đầm ấm biết bao nhiêu! Vào dịp này, dù bận rộn đến mấy, tất cả thành viên trong gia đình cũng tạm gác lại công việc mà về ngắm trăng, trò chuyện với ông bà, cha mẹ. Nhà tôi cũng thế! Cả nhà quây quần bên chiếc bàn tre giữa sân, thoang thoảng mùi cỏ cây xộc lên mũi thơm ngát. Đâu đây vang lên âm thanh của tiếng đài cũ, âm thanh của chiếc radio được ông nội đặt trên tủ cao, phát ra âm thanh rè rè quen thuộc. Hồi ấy nào biết, cứ nghĩ việc một chiếc máy nhỏ xíu lại phát ra được âm thanh, bài hát làm cho tôi ngạc nhiên, thích thú. Và cho dù nghe chẳng hiểu, nhưng tôi vẫn đưa mắt dán chặt vào nơi phát ra âm thanh, trầm trồ xuýt xoa. Trong không gian nhỏ chật ních người, ai nấy đều chăm chú lắng nghe. Tiếng phát thanh viên cất lên từ radio hoà với tiếng gió mát trong đêm, vừa rè rè, nhẹ nhẹ khiến cho không gian lúc ấy thêm phần rôm rả.

Đêm Trung Thu ngọt ngào đã về làm cho tụi con nít như chúng tôi vui mừng khôn xiết. Cái đêm trăng tròn vành vạnh, hếch mặt mỏi mòn chờ nghe tiếng tùng dinh và tiếng “loa loa loa, đúng 7 giờ tối nay, mời các cháu thiếu niên nhi đồng…”. Nôn nao đến không kịp ăn cơm tối, chúng tôi cứ reo hò và chạy khắp xóm, đến nhà đứa này kêu réo, đến nhà đứa nọ tập hợp lại để cùng nhau rước đèn. Có năm Trung Thu ngay những ngày không mưa thì thật tuyệt, nhưng cũng có năm chúng tôi phải đón Trung thu dưới nền trời mưa rả rích. Dù trời có mưa hay không mưa thì niềm vui vẫn không bị dập tắt đi trên khuôn mặt của bất cứ ai. Đèn điện chưa có nhiều và sáng rõ như ngày nay nên ánh sáng từ những chiếc lồng đèn lung linh trong đêm tối là thứ ánh sáng rực rỡ nhất đêm rằm lúc bấy giờ. Hôm nay con đường làng sáng và tấp nập hơn mọi khi, ánh trăng men theo từng cung đường ngõ hẻm, gieo dắt ánh sáng cả đường làng. Hàng trăm ngọn nến lung linh. Đèn hình ông sao, hình con thỏ, con gà, con bướm, con chim, hình máy bay, trông thật vui mắt. Lâu lâu lại có tiếng một đứa nào đó khóc ré lên vì cây nến ngã, cháy rụi cả cái lồng đèn. Và cứ thế chúng tôi quây quần bên nhau, bắt đầu ca hát, vui đùa, cầm chiếc đèn lồng cùng nhau đi rước đèn quanh xóm, chơi trò rồng rắn lên mây làm cho khu xóm trở nên lung linh trong đêm Trung Thu của trời đất.

Hàng cau ven đường cũng như đang hát vang bài ca cùng gió, cùng ánh trăng huyền diệu. Người lớn thì rôm rả chuyện trò về chuyện ngày xửa ngày xưa, chuyện đồng áng, chuyện con cái. Anh chị em họ hàng thắt chặt tình cảm chỉ bằng dăm ba câu chuyện, những cốc nước trà và vài miếng bánh ngọt. Tụi con nít chúng tôi thì túm tụm ở góc nhà văn hóa để chờ giây phút phá cỗ. Có năm, mấy cô chú thanh niên phát bánh kẹo từng cái một, nhẹ nhàng đặt vào lòng bàn tay mà nãy giờ có đứa đã xòe đến mỏi oặt mới đến lượt mình. Hồi hộp, mong chờ, thèm thuồng, chem chép miệng… Cảm giác đó vẫn còn thoang thoảng đâu đây. Những bàn tay xiu xíu cố xòe ra ôm viên kẹo bi bé xíu, ngọt ngào. Có năm, các cô chú bỏ phần quà vào sẵn từng cái túi nilon nhỏ. Mỗi đứa nhận một bao, ngắm đi ngắm lại hít hà. Kẹo tuổi thơ có màu tuổi thơ, xanh đỏ, tím vàng, chắc để dành ăn đến cả mấy ngày. Ngon chi mà ngon lạ, ngon lùng! Cho đến bây giờ, lúc này đây, tự nhiên đầu môi chợt ngọt lịm hương kẹo nồng nàn của tuổi thơ xưa. Niềm vui ấu thơ chỉ bấy nhiêu đó thôi mà chứa đựng cả một tâm tình. Không rình rang với những tiếng trống “cắc cắc tùng tùng xèng xèng” của những đoàn múa lân, đầu sư tử múa may, uốn lượn như ở thành phố lớn. Cũng không có những chiếc bánh dẻo, bánh nướng thơm phưng phức bày trên mâm cỗ cúng trăng như các gia đình khá giả trên huyện, trên tỉnh. Trung thu tuổi thơ tôi chỉ là những viên kẹo bi ngọt lịm, những chiếc lồng đèn xanh, đỏ tự làm rồi túm tụm cùng lũ bạn đem dạo quanh xóm nghèo nông thôn cả mấy chục lần trong đêm rằm năm nào.

Đêm khuya, con đường bắt đầu vắng bóng người, ai nấy đều trở về nhà. Trên đường về, bọn trẻ chúng tôi vẫn ríu rít trò chuyện vui vẻ. Ánh trăng dường như đang đi theo chúng tôi và muốn làm bạn đồng hành. Cuộc vui đã tàn, tiếng bước chân rậm rịch tỏa về khắp ngả, bầu không khí làng quê lại trở về với sự yên tĩnh, vạn vật chìm trong giấc ngủ. Trong thôn xóm lúc này chỉ còn hơi ấm thơm thơm từ cọng rơm tỏa lên và tiếng côn trùng kêu. Tuy vậy, vầng trăng vẫn luôn ngự trị trên bầu trời, tỏa ánh sáng rực rỡ như ôm ấp lấy giấc ngủ của con người. Tiếng bầy vạc ăn đêm gọi nhau văng vẳng, xa vời. Càng về khuya, quang cảnh càng yên ắng hơn. Ánh trăng lúc này trở nên mơ màng, kỳ ảo. Đôi lúc, những đám mây xuất hiện tạm che phủ đi mặt trăng. Hàng trăm con đom đóm bay lượn khắp trời như muốn cùng với trăng thắp sáng mọi không gian. Cảnh trăng đêm nay tuyệt đẹp.

Thế nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng vận hành theo cách mà ta muốn. Có những điều mà ta yêu quý, giữ gìn nhưng lại bị số phận lấy đi trong thoáng chốc, dù có bằng cách nào cũng không thể níu lại. Viết những dòng này, tôi lại muốn trở về cái tuổi vô lo, vô nghĩ, về những miền kí ức đẹp đẽ ấy. Trung Thu năm nay dường như trở nên hiu quạnh, phải chăng là thiếu vắng hình bóng của ông nội, bàn tay nhăn nheo thoăn thoắt làm chiếc đèn lồng cho tôi ngày nào, giờ chỉ còn là kỉ niệm. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư từng viết: “Có thể bứt người ta ra khỏi quê hương nhưng không thể tách quê hương ra khỏi trái tim con người”. Dù có đi xa đến những chân trời nào thăm thẳm, nhưng khi ngửa mặt nhìn lên vầng trăng hiền hậu, tôi biết rằng ở quê nhà bà nội vẫn đang thao thức cùng trăng, ngóng đợi tôi về. Và tôi nhận ra trăng chính là quê hương, là ánh mắt bao dung của ông nội luôn dõi theo tôi từng chặng đường trưởng thành, khôn lớn. Vậy đấy, đã bao mùa trăng trôi qua, những chiếc lồng đèn giấy giờ đã thưa dần theo năm tháng. Thế nhưng kí ức về chiếc lồng đèn giấy tuổi thơ vẫn in đậm trong tôi, vẫn cứ là dòng chảy ngọt ngào nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Trong tâm trí tôi, dường như chỉ có mùa Trung Thu, trăng mới tròn và sáng đến thế. Lòng lại chợt bồi hồi xao xuyến lạ thường. Trung Thu với những đêm trăng rước đèn, những chiếc lồng đèn giấy giờ chỉ còn là kí ức tuổi thơ! Nhắc đến những kỉ niệm đó, riêng tôi, cảm thấy thực sự nuối tiếc và mong được một lần trở lại tuổi thơ, tận hưởng những phút giây vô âu vô lo, được thỏa sức chơi đùa cùng đám bạn, được ngồi lại nghe ông bà kể những câu chuyện cổ tích còn dang dở. Ai bán cho tôi một vé trở về tuổi thơ?

Tags