Đoạn đường đẹp nhất đêm Trung Thu
Trung Thu năm mười chín nhớ về miền Trung Thu của tuổi thơ...
Thời gian quả thật không đợi một ai, thoáng một cái, chớp mắt giờ đã là một cô bé ở tuổi 19. Trăng rằm tháng 8, mình trở về nhà đúng dịp Trung Thu. Sài Gòn xô bồ, tấp nập, ở trong dãy trọ san sát nhau đôi lúc không có khoảng trống để ngắm nhìn bầu trời. Về nhà, một khoảng trời rộng bao la để mình thỏa sức ngắm, nhất là bầu trời về đêm. Trăng tháng tám âm lịch sáng quá, khuôn trăng tròn soi bóng cả một miền tuổi thơ...
Nhớ thuở bé, cứ gần đến dịp Trung Thu là hai chị em mình lại háo hức để được mẹ chở ra chợ ở thị trấn. Thời đó không phải ra chợ để được mẹ mua cho lồng đèn đâu, mà đi chỉ để được ngắm lồng đèn thôi. Lồng đèn treo bán khắp chợ, có đủ loại. Nào là đèn ông sao, lồng đèn giấy đủ loại mẫu mã, lồng đèn hoạt hình chạy bằng pin. Thời đó hai chị em mình mê lồng đèn hoạt hình chạy bằng pin lắm, cái âm thanh đó nghe êm tai làm sao! Mình vẫn nhớ như in ngồi sau xe mẹ, hai đứa cứ cười khúc khích rồi chỉ tay vào cái lồng đèn mà mình thích nhất.
Lúc nhỏ ngô nghê chẳng biết gì, dù trong lòng rất muốn cái lồng đèn thật đẹp, thật xịn. Nhiều lúc cũng muốn nói với mẹ tụi mình chán chơi lồng đèn giấy lắm rồi nhưng hai đứa chẳng đứa nào dám vòi vĩnh mẹ cả. Chắc là do lúc nhỏ hai đứa mình sợ mẹ lắm á. Rồi như thế cứ chầm chậm, xe lăn bánh và chạy mất hút khỏi hàng bán lồng đèn để lại trong lòng hai đứa trẻ nhiều điều tiếc nuối và mong mỏi.
Giai đoạn đó nhà mình vẫn còn khó khăn. Ba và mẹ mình đều công tác tại một trường tiểu học trong xã. Xã mình vốn là một xã nghèo nằm trong vùng sâu và xa, điều kiện kinh tế và dân trí vẫn chưa phát triển, đồng thời là vùng của đồng bào dân tộc thiểu số nên vẫn còn nhiều lắm những mặt hạn chế. Khó khăn là vậy nhưng ba mẹ luôn tạo mọi điều kiện để tuổi thơ của bọn mình được đầy đủ và trọn vẹn nhất. Nên hai đứa mình dù không được những món đồ đắt nhất, xịn nhất nhưng những thứ mà bọn mình trải qua thì có dùng tiền cũng không mua được.
Sau nhiều năm chơi đi chơi lại cái lồng đèn giấy cuối cùng thì hai đứa mình cũng có chiếc lồng đèn chạy bằng pin. Tại sao lại được mẹ dẫn đi mua thì mình cũng không biết lý do là gì nữa. Trưa hôm ấy mẹ chở hai đứa ra chợ thị trấn, dừng ở hàng bán lồng đèn ven đường. Đôi mắt của mình cứ nhìn chằm chằm vào chiếc lồng đèn búp bê to to kia, xong, quay sang mẹ hỏi hai đứa mình lấy chiếc lồng đèn hình gấu này nha. Mình giật mình từ sự khát khao được sở hữu chiếc lồng đèn búp bê kia nhìn sang chiếc lồng đèn gấu. Chiếc lồng đèn ấy nhỏ lắm, nhỏ nhất trong số lồng đèn được treo bán. Thế nhưng với giọng nói đầy ấm áp ấy của mẹ khi kêu mình nhìn chiếc lồng đèn hình gấu, một điều gì đó thôi thúc mình gật đầu “Dạ”. Mọi người nghĩ mẹ mình hậm hực kêu mình phải lấy chiếc lòng đèn ấy hả. Không phải đâu, giọng mẹ ấm áp thật đấy và chính điều đó thức tỉnh mình khỏi chiếc lồng đèn đắt đỏ kia. Và thật sự chiếc lồng đèn gấu ấy dễ thương lắm.
Nếu xem hành trình mà mỗi con người đi qua là thước phim đẹp nhất thì đoạn đường từ trường tiểu học về đến nhà cùng ba mẹ vào đêm Trung Thu là điều tuyệt vời nhất xuyên suốt thước phim ấy.... Trung Thu mình có một nơi mà suốt cả thuở bé mình đều đến đó là trường tiểu học. Dịp Trung Thu là đêm duy nhất trường tổ chức hoạt động vào buổi tối. Bọn trẻ chúng mình không những được phát quà và bánh mà còn được thưởng thức văn nghệ và tham gia nhiều trò chơi vui nhộn. Một đêm vui và ý nghĩa như thế bọn trẻ đứa nào cũng thích tít cả mắt.... Nhưng vui nhất là lúc kết thúc hoạt động Trung Thu, mọi người về nhà, trên chiếc xe máy có ba, mẹ, mình và em trai mình. Mình mãi không quên hai đứa ngồi trên xe mà chiếc lồng đèn mới mua vẫn sáng rực trên tay, tiếng nhạc vang lên, âm thanh vui nhộn ấy văng vẳng trên con đường về nhà. Thứ âm thanh ấy là một phần ký ức nuôi nấng tâm hồn mình, ánh sáng lồng đèn là ánh sáng tinh khiết, ngây thơ và là ánh sáng soi bóng rợn ngợp từng bước chân tuổi thơ, và ký ức được ngồi sau xe, chiếc xe gồm bốn người thật ấm áp, hạnh phúc, hình ảnh một gia đình đầy trọn vẹn và yêu thương. Mình trân trọng mảnh ký ức đong đầy ấy vô cùng.
Trung Thu với mỗi người đều có những dấu ấn, những câu chuyện riêng. Dù vui hay buồn, dù đầy đủ hay thiếu thốn, ngọt ngào hay đắng cay,… mọi thứ đều là những dư vị tuyệt vời mà bản thân chúng ta đã từng nếm trải. Tất cả là những cảm xúc trọn vẹn nhất gói gọn trong chiếc hộp quý giá được gọi là “tuổi thơ”. Với mình tuổi thơ là một điều gì đó nhắc lại là cứ khiến mình mãi không khỏi bồi hồi, mình mãi giữ trọn vẹn cái cảm xúc ấy, cái cảm xúc lâng lâng trên tay là chiếc lồng đèn với tiếng nhạc du dương, hình ảnh một gia đình đầy ấm áp vỗ về cả một miền tuổi thơ…
Mình trân trọng từng khoảnh khắc nhỏ nhất cùng gia đình. Bộn bề cuộc sống, những lo toan đè nặng trên vai ba mẹ. Đôi lúc những áp lực ấy khiến những mâu thuẫn xảy ra, chị em mình đã từng rất sợ mỗi khi chứng kiến ba mẹ cãi nhau, nhưng rồi mọi nỗi đau, áp lực lại hóa yêu thương. Cảm ơn ba mẹ luôn vì tụi con mà cùng nhau cố gắng, cảm ơn vì luôn cho tụi con một gia đình hòa thuận, đầy tình yêu và những điều ngọt ngào. Cảm ơn vì luôn cho tụi con một Tết Trung Thu trọn vẹn. Cái Trung Thu mà không cần bánh Trung Thu đắt tiền, không lồng đèn rực rỡ nhưng là Trung Thu đẹp nhất trong thước phim thuở bé của tụi con. Cảm ơn đoạn đường hôm ấy trong đêm Trung Thu, đoạn đường dù vắng lặng bóng người, không đèn đường nhưng là đoạn đường ấm áp và sáng nhất trong vô số đoạn đường trên hành trình trưởng thành mà con đi qua. Đoạn đường không lo vấp ngã, không sợ cô đơn vì có ba mẹ ở bên!
Sau này dù là hai mươi, ba mươi, hay bốn mươi,… thì hy vọng chúng ta luôn ngoảnh về những mảnh ký ức tuổi thơ tuyệt vời, đoàn viên của tết Trung Thu, trân trọng những người thân yêu bên cạnh và luôn nhớ về nơi chúng ta cần phải về, đó là nhà!
“Địa cầu là một hình tròn vậy nên thế gian xoay vòng
Điều mình nhận được là điều mình vô thức đã cho đi
Vậy nên nếu sau con có rời xa chốn đây
Đừng sợ và đừng chần chừ vì đi cũng là để trở về”
(Bài hát Hai mươi hai-nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền)