Đèn ông sao và thập cẩm hai trứng

Your Story Aug 26, 2022

Vài thứ đã qua không phải lúc nào cũng trở thành kỉ niệm. Nhưng những kỉ niệm luôn là điều bản thân khó quên nhất, dù vui hay buồn.

Tôi có một đứa cháu 8 tuổi. Năm ngoái vì dịch Covid nên có dịp ở nhà đón Trung Thu cùng nó. Ngồi gấp mấy tờ thủ công thành chiếc đèn lồng, đốt cây nến cỡ ngón tay rồi đặt vào trong, vừa uống ly trà móc câu vừa ngắm cậu chàng chạy lon ton ở sân trước, lòng tự nhiên cũng vui rạo rực cái nỗi niềm đoàn viên. Ánh trăng Trung Thu sáng lắm, chỉ là hình như năm nào cũng mưa buổi đêm, thành ra kí ức rằm tháng tám với tôi đôi chỗ lại ướt nhòe mi mắt.

Cay cay, xót xót.

Nhẩn nha nhớ, hình như ngày bé, Trung Thu của tôi cũng rộn ràng cực kì. Đúng bảy giờ tối khi cơm nước xong xuôi, mỗi đứa cầm theo cái đèn tự chế tập trung trước cổng làng chờ đoàn lân. Chúng tôi thường chạy tới những nhà có tiệm tạp hóa hay quán ăn, bởi ở đấy nhiều người hay treo tiền thưởng để tạo sự kịch tính cho đội múa. Còn nhà nào năm đó thiếu đói, chỉ cần nghe thấy tiếng trống từ xa sẽ chạy ra đóng kín cửa lại, bởi nhỡ đâu đoàn lân vào múa lại chăng có tiền cho bọn nhỏ thì lại mang tội. Hai bên cứ vậy ngầm hiểu ý, nên đoàn lân chỉ vào những nhà mở rộng cửa chính, tránh khó xử cho gia chủ. Điều này trở thành cái lệ bất thành văn ở quê tôi tự lúc nào chẳng hay.

Tầm bảy rưỡi ba thường đem theo đèn pin, tìm tới đoàn lân để gọi tôi về, bởi đã tới giờ phát bánh. Hai ba con dắt nhau ra chỗ trưởng thôn để xếp hàng. Nhớ có năm nhà mất mùa chẳng đủ tiền đóng quỹ, tới lượt tôi thì không được nhận quà. Đứa nhỏ chưa sỏi tiếng hãy còn ngây thơ với giá trị đồng tiền, chỉ biết ấm ức khóc khi mình chẳng có như đám bạn. Ánh mắt ba lúc đó trở thành sự khó hiểu trong cái đầu non nớt của tôi, giờ ngẫm lại, có lẽ là vừa xót xa, vừa tự trách lắm.

Ngày ấy tôi nào có biết gì, ngoài sự vô tư tới vô tâm như thế...

Mà kể ra, Trung thu với tôi cũng hệt như Tết nguyên đán vậy, vui nhất không phải đúng ngày, mà là những hôm trước đấy khi tất bật chuẩn bị rồi rạo rực đợi mong. Ba thường bỏ một buổi chiều để làm đèn lồng cho tôi, lúc thì hình ông sao từ cây tre tự vót, khi thì lon bia cà nhẵn bỏ nến vào trong. Ngày mà tình thương được tự tay tạo ra chẳng mang theo gánh nặng vật chất, chợt thấy Trung Thu sao mà lung linh đến lạ kì. Vậy mới nói, khi còn vui được những niềm vui không vụ lợi thì cứ vui hết cỡ, vui trong cái giản đơn tới chân phương của trẻ thơ. Bởi khi trưởng thành rồi, muốn được hồn nhiên cười cũng phải đắn đo vài ba bận.

Thời gian cứ trôi dù chẳng phải ai cũng trông đợi. Tôi lớn dần trong sự già đi nhanh tới ngỡ ngàng của ba mẹ. Chớp mắt một cái mà cô bé ngày trước đã chẳng còn quá mặn mà với múa lân hay cái bánh nướng thập cẩm ngày rằm. Những guồng quay cơm áo chốn thị thành cướp mất tiếng cười trẻ thơ, cũng cướp đi thời gian để kịp nghĩ phải trở về đoàn tụ bên mâm cơm cùng ba mẹ. Dưới ánh trăng vằng vặc, mái tóc muối tiêu của ba hình như lại pha thêm nhiều sợi bạc mới. Ba già rồi, mà tôi thì nào có kịp nhận ra để kề cận nhuộm tươi lại cái nỗi chờ mong con cái.

Cuộc đời thường tạo nên những nỗi đau để mình nhận ra vài bài học nào đấy, dù là nghiệt ngã. Vào lúc tôi mới đặt một chân ở ngưỡng cửa vào đời thì người ba dìu tôi những bước đầu đã chẳng thể cười cùng tôi được nữa. Ba mất vào đợt gần Trung Thu, khi hộp bánh tôi gửi từ Sài Gòn mới ăn được mỗi cái thập cẩm hai trứng. Mẹ để dành cho ba vì biết ông thích đồ ngọt, còn tôi thì nghĩ chả phải vấn đề ở vị giác đâu, đơn giản chỉ bởi ông thích quà con gái gửi về mà thôi. Ba tranh thủ ghé nhà trước khi ghe cá giăng buồm ra biển. Cái bánh ăn vội cùng lời hẹn ít hôm sẽ về của ba mãi là cái dằm trong tim mỗi thành viên gia đình.

Sau Trung Thu ba về thật, chỉ là bằng cách thức chẳng ai mong đợi nhất.

Những cái bánh còn ngổn ngang trong hộp không ai ngó ngàng. Chú chó con ba mới xin về luôn tròn xoe mắt tìm người chủ đã vấn vương khói trắng, quấn quýt bên chân như hỏi han tôi về bao thứ chẳng thể nào diễn tả bằng một ngôn ngữ thực tế. Tất cả cứ như một thước phim xoay chậm trong não mà tôi luôn tìm cách tua về lúc bắt đầu để tạm ngừng hay thay đổi. Lúc nhìn trăng rằm qua màn nước mắt, tôi chợt ước đây chỉ là một cơn ác mộng vì cái tội nghịch ngợm không ngoan mãi chưa chịu về nhà của mình. Rằng ba sẽ lại cầm theo đèn pin để tìm tôi trong đoàn múa lân, nở nụ cười hiền mà chẳng hề trách móc.

Nhưng có lẽ cổ tích không tồn tại trong thế giới người lớn, nên bao nhiêu cái ước mong như vậy chưa lúc nào thành sự thật như phép tiên từ chiếc đũa thần. Ba vẫn nằm lạnh lẽo ở đó, còn chiếc bánh trung thu thì ngay ngắn đặt trước tấm ảnh thờ nghi ngút khói nhang.

Thế rồi, thời gian nhoáng cái trôi. Đã bốn năm kể từ ngày ba về miền miên viễn, cũng là ngần ấy tháng ngày tôi chẳng dám đụng tới chiếc bánh trung thu. Lắm lúc lái xe đi ngang những quầy hàng trên đường, mắt phản xạ nhìn lại giây lát, mà lòng thì chùng xuống miên man vài ba suy nghĩ chẳng đâu vào đâu cả.

Bởi vì mỗi lúc vậy, sao tôi lại nhớ ba quá chừng!

Dịp cúng ba là lúc mới qua trăng tròn tháng tám ít bữa. Nên cứ nhắc tới trung thu, lòng tôi lại chồng chéo những mâu thuẫn khi cười khi mếu. Nhiều khi tự an ủi, chắc bởi lòng ba tròn đầy nhân hậu quá, nên ông trăng chỉ mượn ba chốc lát, để soi sáng nụ cười bọn trẻ, để làm chúng vui vẻ, dạy chúng trưởng thành. Ba chỉ đang làm sứ mệnh lớn lao và rất đỗi tự hào của một người vận chuyển ánh sáng.

Ngày nhỏ, Trung Thu vui bởi cái bánh thập cẩm cùng chiếc đèn ông sao. Ngày mong mình được bé lại, hoài niệm về nó chỉ còn giản đơn là được ở cạnh ba như dạo cơ hàn lúc trước. Người ta thường bảo khi lớn sẽ khó cười bởi cái ngưỡng thỏa mãn của mình sẽ chồng chéo nhiều lợi ích. Thế nhưng có lẽ với những ai từng trải qua cái xé lòng lúc mất người thân, chỉ cần gia đình bình an đã là điều hạnh phúc nhất rồi.

Trong tim tôi, ánh trăng hoài niệm, có lẽ chính là nụ cười tròn sáng trên khóe mắt chân chim của ba ngày trước..,

Tags