Tuổi 20 (P1)

Những tháng ngày tuổi 20 của tôi không phải là một bản nhạc nhẹ nhàng và êm dịu; cũng không phải là một giai điệu sôi nổi và cuồng nhiệt – không thể nói là đặc sắc nhưng cũng không đến nỗi là tẻ nhạt – kết quả tương đương với nỗ lực.

Tôi đã từng sợ và giờ vẫn sợ mình sẽ sống một cuộc đời tầm thường và vô nghĩa, sợ mình không là ai, không là gì cả, ...


Khi bắt đầu vào cấp ba, tôi đã nghĩ: còn lâu nữa mới thi đại học, thời gian hãy còn dài, chưa cần phải vội, chưa cần phải quyết định sẽ thi ngành nào, học ở đâu hay làm việc gì. Nhưng kể cũng lạ, dường như khi mình nghĩ thời gian còn nhiều, thì nó lại có vẻ gấp gáp hơn, nó trôi nhanh như thể có ai đó đã sửa cái đồng hồ, bắt nó chạy với tốc độ nhanh gấp đôi vậy.

Đến khi thực sự phải đưa ra một quyết định thì bản thân cũng không có ý niệm gì về đâu là cái phù hợp, bởi vì hoàn cảnh và khả năng chỉ có vậy nên tôi cũng chẳng có nhiều lựa chọn để mà đòi hỏi. Sau cùng tôi xuôi theo gợi ý của gia đình.

Tôi của năm 20 so với tôi lúc đưa ra lựa chọn này chẳng khác nhau là bao. Tôi không có động lực hay ý chí để làm bất cứ việc gì đáng lẽ mình nên làm. Mặc dù vẫn hiểu bản thân phải làm gì đó để thay đổi, nhưng bản thân muốn làm gì, bản thân nên làm gì, tôi cũng chẳng biết nữa: rõ ràng so với nhiều người mình hạnh phúc hơn, có nhiều hơn, nhưng lại không thể sống theo cách mà mình mong muốn, luôn cảm thấy bất mãn với những gì mình có. Tôi thấy ghét chính mình, càng sợ phải gặp người quen, sợ phải trả lời cho câu hỏi: "Dạo này sao rồi?", tôi sợ phải nói dối.

Từ bao giờ mà cuộc sống lại trở nên buồn chán thế này nhỉ? Vì đi theo lựa chọn của gia đình nên tôi mới vậy chăng – kiểu như bị bắt mặc một cái áo rộng thùng thình quá khổ – vừa xấu xí lại vướng víu? Ban đầu tôi không biết con đường này sẽ dẫn mình tới đâu nhưng lúc đó lại tin rằng nếu bản thân cố gắng thì chắc cũng không đến nỗi nào, có lẽ vẫn xoay sở được. Nhưng thực ra tôi lại không chịu cố mà cũng chẳng dám từ bỏ. Vậy đấy, cái gì cũng không muốn. Nhưng cuộc sống đâu thể nào cứ mãi thế này được, làm sao có thể nói với gia đình rằng mình đang lãng phí tiền bạc của họ và cũng không thể sống mà không làm gì được. Đúng là không dễ gì có thể đưa ra một quyết định đúng, bởi có thể lúc này nó là sai nhưng về lâu dài thì đó mới là quyết định đúng đắn chăng? Cuối cùng thì giữa việc tiếp tục và từ bỏ, tôi chọn cái thứ hai – đã đến lúc phải cởi cái áo đi mượn ra rồi.

Ừ thì cởi ra rồi, nhưng đâu phải là vì tôi đã biết tiếp theo mình sẽ làm gì rồi đâu. Lúc đó tôi chỉ nghĩ: Cho dù có không biết mình sắp phải làm gì, nhưng làm gì thì làm, dù sao cũng tốt hơn là những thứ mà mình đã bỏ lại phía sau. Nghĩ thì thì nghĩ vậy, nhưng biết làm gì tiếp theo đây? Trong nhiều việc, tôi đều không có đủ nhiệt tâm đến mức có thể hình thành cái gọi là khao khát cháy bỏng. Lại rơi vào bế tắc nữa rồi, nhưng lần này không đến mức khó khăn như lần trước, không phải chỉ có hai lựa chọn để mà phân vân. Bây giờ tôi có nhiều con đường để đi hơn và nếu không đi đường này tôi sẽ đi đường khác, chỉ là thử cái nào trước thôi.

Cre: Pinterest

Đôi lúc cuộc đời chúng ta thay đổi chỉ trong một khoảnh khắc nào đó ... nhanh đến nỗi ta cũng không thể hiểu nổi ...

Tôi đã đến một buổi hội thảo do trường chị tôi tổ chức. Ban đầu, tôi không muốn đi, mặc dù trước giờ tôi chưa từng được nghe người nổi tiếng diễn thuyết nhưng chẳng phải tôi đã nghe thầy cô, gia đình, họ hàng... diễn thuyết đủ rồi và tự thấy không cần thêm nữa, đối với tôi lúc đó đi chỉ là vì chị tôi đã lỡ bỏ tiền mua vé cho cả hai. Những gì diễn giả nói thực sự không cuốn hút như lời quảng cáo của MC, cũng có thể vì ngay khi nghe diễn giả tuyên bố: "Tuổi trẻ, tiền không có, quan hệ không có, đến cả tự tin cũng không có thì có cái gì.” tôi đã chẳng còn buồn chú ý vào những gì sau đó. Có khá nhiều lý do khiến tôi không đồng ý với câu nói này, nhưng lúc đó câu hỏi lớn nhất xuất hiện trong đầu tôi là: tại sao lại không có cái gì? Sức khỏe, thời gian, nhiệt huyết, cả sự "tự do" mà không phải lứa tuổi nào cũng có, chẳng lẽ chúng không đáng giá hơn tiền bạc ư?

Tôi từng nghe về cuộc đời của Vincent Van Gogh. Vincent Van Gogh đã sống trong đói khổ, thiếu thốn và không được người thời đó đánh giá cao nhưng ông không vì thế mà từ bỏ đam mê của mình, bởi với ông có thứ còn quý hơn tiền bạc. Đó là sự tự do làm điều mình yêu thích. Dù có vất vả và không được trọng vọng nhưng được tự do sống theo cách của mình sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều so với cuộc sống chỉ chạy theo tiền bạc và luôn phải để ý thái độ của người khác.

Không hiểu sao lúc đó tôi cảm thấy rất tức giận vì nghe câu nói vô lý đó, mặc dù bản thân tôi lúc đó cũng chẳng có cái gì hết để mà tự cho mình là đúng nhưng từ giây phút khi nghe câu nói đó tôi quyết định không đi nghe những buổi diễn thuyết loại này nữa và bắt đầu dành nhiều thời gian đọc sách và suy nghĩ về cuộc sống, về những điều thực sự mang lại ý nghĩa cho tôi, về những giá trị mà tôi muốn theo đuổi. Bởi, giá trị của chúng ta quyết định cách chúng ta suy nghĩ và hành động. Đâu là giá trị mà tôi yêu quý? Và làm thế nào để tôi có thể sống tốt nhất cuộc sống của mình phù hợp với những giá trị đó?

Tôi năm nay 20 tuổi, nếu tôi có thể sống đến năm 70 tuổi, thì tôi mong muốn 50 năm tiếp theo của mình sẽ như thế nào?

Cre: Pinterest

Bước ngoặt đầu tiên của cuộc đời tôi, đó là rời xa giảng đường và khởi đầu một sự nghiệp – mà như nhiều người vẫn nói, “ngu xuẩn”. Quyết định này thường khiến tôi nhụt chí. Bởi chẳng có con đường nào vẽ sẵn hay công thức nào viết sẵn cho thành công, thậm chí việc quyết định mình nên bắt đầu thế nào và ở đâu cũng đã rất khó khăn. Nhưng đây lại là những tháng ngày tươi đẹp nhất, tôi thích sự hết mình của tuổi trẻ, nó là một minh chứng cho những điều ngốc nghếch điên rồ, tôi có thể làm, nhưng lại không thể làm vào độ tuổi khác.


Cuộc sống là phương tiện để ta thực hành nghệ thuật sống. Vì vậy tôi sẽ sống và trở thành sự thay đổi mà tôi mong muốn được chứng kiến nhất trong cuộc đời.

Còn tiếp ...