Trung Thu nay ngồi nhớ Trung thu xưa
Thế là một mùa Trung Thu nữa lại về! Khắp các con phố trên mọi nẻo đường được tô điểm với muôn vàn loại bánh Trung Thu, cùng những chiếc lồng đèn đủ mọi màu sắc, kiểu dáng, kích cỡ. Người người nhộn nhịp mua sắm biếu tặng nhau làm quà. Trẻ em thì háo hức mong chờ được bố mẹ mua cho lồng đèn để chơi. Riêng nó, lại thấy Trung Thu ngày càng nhạt nhẽo và vô vị. Tại sao lại thế? Phải chăng nó đã đi qua cái tuổi thiếu niên nhi đồng từ rất lâu rồi hay là Tết Trung Thu đã không còn giữ được chất liệu đậm đà vốn có như thuở ban đầu giữa xã hội hiện đại, giữa nhịp sống xa hoa, xô bồ này nữa.
Nó không thể phủ nhận hay chối bỏ những lợi ích lớn lao mà công nghệ đã đem lại cho nhân loại. Công nghệ len lỏi mọi ngõ ngách trong cuộc sống, từ học tập, tìm kiếm việc làm, giao dịch thương mại, duy trì liên lạc cho đến giải trí… đều cần đến sự hiện diện của chiếc điện thoại thông minh được kết nối mạng internet. Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, dường như có quá nhiều sự lựa chọn để tận hưởng, để thưởng thức. Dần dà, những nét đẹp văn hóa truyền thống năm xưa trở nên mai một lúc nào mà ta không hề hay biết. Những chiếc đèn ông sao, đèn cá chép, tiến sĩ giấy, đèn kéo quân bị rơi vào quên lãng để nhường chỗ cho súng đồ chơi, kiếm giả, siêu nhân hay ánh đèn pha nhấp nháy nhiều màu tại một lễ hội âm nhạc nào đó. Thậm chí ngay cả người lớn cũng có khi không thể nhận ra bản thân đã khác trước quá nhiều. Thuở xưa, nó thường được nghe ông bà, bố mẹ kể rằng Tết trung thu ý nghĩa lắm, hồi đó tuy nghèo nhưng luôn đầy ắp tình làng nghĩa xóm. Mọi người tặng nhau chiếc bánh trung thu nho nhỏ, bên trong có nhân thịt và lá chanh, hương vị ấy thật sự ấn tượng sâu sắc không thể nào quên được. Nhưng giờ đây, bánh trung thu lại là một cách thể hiện đẳng cấp hay phương tiện trao đổi để thăng tiến: bánh trung thu nhân yến sào, nhân bào ngư hay vi cá… Những cái tên vô cùng mỹ miều ấy khiến nó luôn tự hỏi rằng: “Liệu mùi vị của bánh trung thu xưa mộc mạc kia có ngon hơn bánh trung thu của thời đại mới chứ?”. Bên cạnh đó, nó còn được kể rằng Tết Trung Thu còn có tên gọi khác là Tết đoàn viên, là dịp mà các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau chuẩn bị mâm lễ cúng tạ thần trăng, trời đất đã gia hộ cho dân làng một mùa vụ no ấm, đồng thời cũng dâng lễ lên ông bà tổ tiên với mục đích tưởng nhớ về nguồn cội. Cuối cùng là đến tiết mục được trẻ em trông đợi nhất, chính là tục lệ phá cỗ trông trăng. Những chiếc bánh dẻo, bánh nướng được cắt nhỏ ra thành từng miếng đều tăm tắp, trái cây, kẹo… được thưởng thức cùng với một chén trà đặc đậm chất bình dị thôn dã. Sau màn phá cỗ thì đám trẻ tay cầm những chiếc lồng đèn đơn sơ được làm bằng thanh tre và bọc bằng giấy đỏ có đính một cây đèn cầy nho nhỏ ở bên trong, tung tăng vui đùa, chạy nhảy thắp sáng cả một vùng. Chính vì các hoạt động trong trẻo, vui tươi dành cho trẻ em này mà Tết Trung Thu còn được gọi là Tết thiếu nhi. Chưa hết, Tết trung thu còn có tên gọi khác là tết trông trăng hay rằm tháng 8, bởi vì vào thời điểm này ánh trăng sẽ sáng nhất, khiến những vì sao cũng trở nên nhạt nhòa. Ông trăng buổi đêm vào giữa tháng 8 âm lịch sáng đến nỗi có thể soi tỏ cả một con đường làng, tựa như con đường ấy được dát lên một lớp vàng kim loại đầy huyền ảo. Có lẽ ngày nay mọi người rất khó có thể cảm nhận được nét đẹp tuyệt vời ấy bởi vì ánh trăng đã lùi lại và nhường chỗ cho những ánh đèn đô thị, đèn LED sáng choang từ những tòa nhà chọc trời cùng ánh đèn Laser nhấp nháy nhiều màu hắt ra từ một quán bar hay vũ trường nào đó. Thời đại công nghiệp hóa dường như đã xóa nhòa tầm quan trọng mà ông trăng đã từng nắm giữ trong nền văn minh lúa nước, là căn cứ để tổ tiên xưa kia tính lịch, là phương hướng, chỉ dẫn giúp người nông dân dự đoán thời tiết, là người bạn tâm giao tri kỉ của các bậc thi nhân cổ đại. Giờ đây có lẽ ông trăng chỉ được nhớ đến qua các sự kiện siêu trăng hay nguyệt thực bởi một bộ phận số ít người đam mê thiên văn học. Và xót xa ngậm ngùi hơn khi mà đối với không ít người, sự hiện diện của trăng thậm chí là vô nghĩa.
Tết Trung Thu là dịp của sự sum vầy, tương phùng, hội ngộ, tuy nhiên nó lại cảm nhận rằng chất liệu thi vị, ấm áp khi xưa dường như cũng đã nguội lạnh và phôi pha theo năm tháng. Mọi người tổ chức Trung Thu với sự miễn cưỡng, là nghĩa vụ, là trách nhiệm chứ không còn chứa chan tinh thần vui tươi, hòa ái như trước đây nữa. Một số khác thì mừng Trung Thu bằng cách nâng ly, ăn uống, ca hát tưng bừng, tràn đầy “nhiệt huyết” chốn công sở. Tự ngẫm lại mình, nó dường như cũng nhận thấy bản thân đã thay đổi ít nhiều. Nhớ lại Trung Thu thuở ấu thơ được mẹ mua cho chiếc đèn ông sao giấy đỏ, hay xịn sò hơn là đèn điện Tôn Ngộ Không với giai điệu âm hưởng bài hát trong Tây Du Ký, anh em nó vui không tả xiết, chạy đi khoe khắp làng trên xóm dưới. Ngay cả khi hết Trung Thu rồi, thi thoảng nó vẫn lấy đèn Trung Thu ra chơi vì quá say mê, quá yêu thích. Còn nữa, nhớ hôm nào nó cùng đám bạn nô đùa dưới ánh trăng, giành nhau ai được ông trăng thương hơn vì nhận thấy rằng cứ mỗi bước chân nó đi, ông trăng dường như đều luôn sát cánh bên cạnh. Tuổi nhi đồng vô lo vô nghĩ, hồn nhiên đáng yêu như thế đấy. Giờ đây, tuy vật chất đủ đầy, xã hội phát triển nhưng nó cứ cảm thấy thiếu thiếu điều gì đó. À, hóa ra là nó đã đánh rơi mất chất liệu yêu thương và vô tư lúc nào mà bản thân nó cũng không hề hay biết.
Trải qua bao năm tháng biến động thăng trầm, ánh trăng xoay vần lúc tròn lúc khuyết, khi mờ khi tỏ tựa như đang thấu hiểu và hòa mình với quy luật sinh lão bệnh tử, ái hận biệt ly, nỗi đau nhân tình thế thái của con người. Dù cho xã hội hay nhân loại có thay đổi như thế nào, trăng muôn đời vẫn thế. Đến đây, có thể nó đã hiểu hơn vì sao Tết Trung Thu lại có nhiều ý nghĩa và quan trọng đến như vậy. Mặc kệ mọi người nhìn nhận Trung Thu ra sao, chỉ cần thâm tâm nó hiểu và đón nhận Tết Trung Thu một cách trong trẻo như những ngày thơ bé nó đã từng, thế là đủ. Và Tết Trung Thu này chắc chắn nó sẽ ngân nga, hát vang lên bài ca:
"Thùng thình thùng thình trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường vàng
Dưới ánh trăng vàng đàn em cất tiếng hát vang".