Sống trọn đêm trăng tròn

Trung Thu là tuổi thơ, là ký ức đẹp đẽ, là nguồn nước mát trong tưới tắm cho tâm hồn "những đứa trẻ"...

Hồi nhỏ, mỗi dịp Trung Thu về, bố mẹ chưa bao giờ quên đưa tôi đi rước đèn cùng bè bạn, nó như một truyền thống đầy tích cực, cái ngày người lớn gác lại mọi bộn bề lo toan để cùng chung vui với con trẻ. Trong mắt tôi hồi ấy Trung Thu là một đêm tuyệt diệu. Mẹ dẫn tôi đi xem những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, mặt nạ đủ mọi hình thù, rồi chúng tôi mặc những bộ quần áo thật đẹp, cùng hòa vào dòng người trên phố ngắm nhìn màn biểu diễn múa lân đầy nghệ thuật. Bố nhấc bổng tôi lên thật cao, ngồi trên cổ bố tôi thấy mình to lớn biết bao, ông trăng với gương mặt tròn đầy đặn đang nhìn chúng tôi, chắc chú cuội cũng muốn xuống đây chơi lắm!

Sau khi đã chiêm ngưỡng đủ thú vui, đám trẻ tụ tập lại, đi vào nhà văn hóa, tham gia những trò chơi nhỏ, cùng hát cùng múa, cái không khí vui vẻ ấy đúng là có thể đem so sánh với Tết. Đặc biệt nhất là màn phá cỗ, thời đại nào cũng thế, kẹo bánh luôn có thể đem đến niềm vui cho mọi đứa trẻ, sau màn tranh giành nghịch ngợm thì trên tay ai nấy cũng đều có một gói quà. Tôi trở về nhà với nụ cười rạng rỡ trên môi, sà vào vòng tay của bố mẹ, mẹ đem những chiếc bánh nướng, bánh dẻo mà cả năm tôi ao ước ra cắt thành từng miếng, chia đều cho cả nhà. Hạnh phúc giản đơn ấy không ngờ lại khắc ghi đậm sâu trong trái tim trẻ thơ qua bao năm tháng.

Trung Thu là phải được xem múa lân, phải được rước đèn, hoặc chí ít phải cùng nhau ăn chiếc bánh Trung Thu, nếu không có những điều ấy Trung Thu sao có thể trọn vẹn? Tôi mang trong mình tâm niệm ấy bất kể cuộc sống đổi thay. Bây giờ, mọi thứ đều phát triển hơn xưa, không cần đợi đến Trung Thu để được ăn bánh, được mua đèn lồng, hay thậm chí để được xem một màn biểu diễn múa lân, nhưng cảm xúc của đêm Trung Thu vẫn chẳng thể nào thay thế.

Mỗi năm, tôi đều đón thêm một tuổi, cũng đón thêm một mùa Trung Thu, trưởng thành không khiến cho sự háo hức kia mất đi, nó chỉ khiến tôi bình tâm nhìn lại, bình tâm cảm nhận sự biến chuyển trong chính con người mình. Tôi chợt nhận ra rằng Trung Thu đâu chỉ dành cho trẻ con, Trung Thu dành cho tất cả mọi người. Người lớn cũng có nhiều lý do để thích Trung Thu không kém gì con trẻ. Trong bầu không khí đó, họ như được sống lại hồi ức của tuổi thơ, được san sẻ những niềm vui trong sáng nhất, hay chỉ đơn thuần khi ngắm nhìn đôi mắt long lanh, lắng nghe tiếng cười giòn tan của những đứa bé cũng đủ khiến người ta thấy lòng mình ấm áp. Họ đem bóng hình bản thân trong quá khứ để tận hưởng đêm Trung Thu.

Vào giây phút náo nhiệt ấy hẳn ai cũng thấy bản thân như trẻ lại, được hồi sinh đứa trẻ trong chính con người mình. Sự an nhiên của tuổi trẻ vô lo vô nghĩ, nét trong trẻo, thuần khiết đến từ trái tim chân thành của trẻ con có thể lay động được những tâm hồn già cỗi nhất. Con người khi buộc phải lớn lên, họ học cách giấu đi sự ngây thơ vốn có, nhưng đứa trẻ ấy không biến mất, nó lui lại ẩn nấp thật sâu trong lòng mỗi người, chờ cơ hội được quay về, được đón nhận và yêu thương. Trung Thu đem tới cơ hội để mỗi người tự mở lòng hơn với chính mình, cho phép bản thân được sống như thời ấu thơ, thanh thản và an yên với bản ngã của riêng mình.

Tôi biết ơn bố mẹ đã cho tôi hồi ức đủ đầy về những đêm rằng tháng 8, ươm mầm trong tôi khát khao duy trì và tiếp nối vẻ đẹp văn hóa ấy. Vài ngày trước, tôi dắt tay em gái nhỏ đi mua đèn ông sao, hẹn với nhau sẽ cùng dạo phố phường xem múa lân vào đêm hội. Tiếng trống tập rộn rã khắp nẻo đường, từ công ty, trường học đến thôn xóm, ai nấy đều tất bật chuẩn bị để lũ trẻ có một buổi tối ý nghĩa nhất. Tôi tin họ đều là những người hiểu được giá trị của Trung Thu và đây là cách họ góp phần bày tỏ cho thế hệ tương lai hiểu điều ấy, như cái cách bố mẹ đã nhẹ nhàng dạy tôi trân trọng truyền thống tốt đẹp này. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng họ cũng gặt hái được niềm hạnh phúc trong từng việc mình làm, họ chung tay cóp nhặt từng ánh trăng để vầng nguyệt có thể xuất hiện tròn đầy, rạng rỡ. Khi ngước mắt nhìn lên nơi chị Hằng đang ở, chắc hẳn ai cũng có thể bất giác mỉm cười như một bé con...

Người ta gọi Trung Thu là Tết Đoàn viên như để nhắc cho người lớn nhớ về trách nhiệm của mình, nhắc họ nhớ về cách quan tâm vun đắp tuổi thơ của trẻ nhỏ, nhớ về mái nhà yên bình của mẹ cha, vì đôi khi guồng quay của cuộc sống đã cuốn họ trôi đi quá xa, khiến họ thờ ơ và lạnh nhạt với những người thân yêu ở ngay bên cạnh. Đó là giây phút cần trở về sum họp, chỉ đơn giản là cùng nhau ngắm trăng chuyện trò, cùng ăn miếng bánh Trung Thu cũng đủ khiến chúng ta tiếp thêm niềm tin vào một ngày mai tươi sáng.

Mỗi người sẽ có cho mình một lý do riêng để yêu Tết Trung Thu, tôi không muốn bất cứ đứa trẻ nào nghĩ rằng khi lớn lên đêm hội này sẽ không còn dành cho chúng, bởi luôn đủ chỗ cho tất cả mọi người, tất cả vui tươi và ước vọng, cũng như cách ông trăng vẫn âm thầm dõi theo bạn dẫu cho bạn có đi bao xa... Hãy gác lại mọi điều ưu phiền, trăng trên cao sắp tròn rồi, liệu bạn có muốn đi chơi cùng tôi?