Sẽ đến lúc ta chẳng còn là ai nữa, chẳng còn ở đâu nữa

Con người không thể tồn tại mãi mãi được – chúng ta được sinh ra và rồi cái chết sẽ đến với chúng ta như một lẽ tất yếu của tự nhiên – rồi sẽ đến lúc ta chẳng còn là ai nữa, chẳng còn ở đâu cả.

Mọi chuyện không xảy ra theo cách ta muốn không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra. Có nhiều điều mà ta muốn thay đổi, nhưng ta phải chấp nhận điều không thể tránh khỏi như một thứ không nằm trong tay mình, giống như chuyện sống chết.

Hiện tại là tất cả những gì ta có để sống. Hoặc để mất.


"Như cuộc đời man mác, từ trước tới nay, tôi nào có biết là đã mấy vạn vạn tháng và năm! Mấy vạn vạn tháng và năm ấy đều như nước trôi, mây cuốn, gió thoảng, chớp nhoáng, đi cho bằng hết, cho mãi đến tháng này, năm nay mới có tạm có tôi." Khóc người xưa _ Kim Thánh Thán.

Cuộc đời của chúng ta cũng thế, cũng sẽ "chớp nhoáng" trôi qua giống như người xưa – đã ở đây trước ta vậy. Nhưng nếu như ta vẫn đang còn ở đây thì ta cũng phải làm gì đó để "tiêu khiển" cho hết quãng thời gian mà ta đang có chứ?

Trước đây tôi cũng đã từng nghĩ mình muốn làm cái này cái kia. Nhưng rồi nghĩ lại: cho dù mình có làm được nó đấy, thì liệu nó có thể tồn tại mãi không, hay là nó cũng giống như cuộc đời ta cuối cùng cũng sẽ tiêu ma? Làm được rồi thì nó cũng đi mất, vậy làm để làm gì kia chứ? Nhưng nếu lòng đã không muốn làm cái gì thì sao lại không mau mau nước trôi, mây cuốn, gió thoảng, chớp nhoáng đi hết ngay luôn? – Chẳng phải ta luôn có thể rời khỏi cuộc sống ngay lúc này sao?

"Nếu ngày hôm nay tôi thấy "bức bối" thế này thì không lẽ người xưa không cảm thấy như vậy? Chỗ mà tôi ngồi hôm nay, người xưa chắc đã ngồi trước đây rồi. Chỗ mà tôi đứng hôm nay, người xưa chắc đã đứng trước đây, không biết bao nhiêu mà kể. Người xưa đứng đây, ngồi đây, tất cũng như tôi hôm nay vậy. Vậy mà hôm nay chỉ trơ có tôi, chứ không có người xưa... Nghĩ thế tôi không khỏi bực mình với trời đất. Sao mà bất nhân quá? Đã sinh ra tôi thì phải cho còn mãi chứ. Nếu không thể thế thì sinh ra tôi làm gì. Tại sao vốn lúc đầu không có tôi, tôi cũng không năn nỉ van nài sinh ra tôi?"  Khóc người xưa _ Kim Thánh Thán.

Cre: Pinterest

Ta thường  chẳng lo nghĩ gì về việc ta đã không tồn tại trong hàng nghìn năm trước khi chào đời. Tại sao ta phải lo nghĩ về quãng miên trường sau cái chết của chúng ta?

Tôi không cầu được sinh ra, cũng không cầu xin được sống mãi – không tiếc rẻ gì hết. Vậy nếu đã có tôi ở đây, trong lúc không có cách gì tiêu khiển cho hết những tháng ngày đang có, tôi cũng tự ý tìm cách tiêu khiển, thế mà thôi. Được như ông Gia Cát trồng tám trăm gốc dâu, cày ruộng ở Nam Dương cho đoạn tháng qua ngày, thế cũng được, thế cũng là một cách tiêu khiển. Rồi đó lại vì cảm ơn tri ngộ, xuôi ngược hộ người, ăn ít làm nhiều, mãi đến lúc chết, thế cũng là một cách tiêu khiển. Hoặc lại như cụ Đào không muốn uốn lưng bỏ quan về thẳng, thế cũng được; cũng là một cách tiêu khiển ... Giữa trưa ăn muối mè, gạo lứt, gốc cây nằm dãi gió dầm sương; giảng bốn vạn tám ngàn đường kinh; cứu hằng ha số nhân mạng, thế cũng được; lại là một cách tiêu khiển. Khóc người xưa _ Kim Thánh Thán.

Cuộc sống là phương tiện để ta thực hành nghệ thuật sống.


Việc già đi là một quá trình tự nhiên, ta không thể cố gắng thay đổi những gì không thể thay đổi như khiến trời ngừng mưa, gió ngừng thổi được. Nhưng ta có thể chọn cách già đi theo ý mình.

"Luồn song, con ong thình lình đến; lần ngưỡng, con kiến thong thả leo ... Tôi không thể biết được ong, kiến; ong, kiến cũng không biết tôi ... Tôi hôm nay mà còn tạm còn đây, thì con ong, con kiến ấy cũng tạm còn đây ... Tôi vụt chốc hóa người xưa, thì con ong ấy cũng thành ra con ong xưa, con kiến ấy cũng thành ra con kiến xưa ... Tối hôm nay gió mát, trời trong, song sáng, kỷ sạch, bút tốt, nghiên lành, lòng soạn tay viết, đội ơn ong, kiến đến chứng giám cho nhau, đó là cái duyên kỳ ngộ không mấy đời gặp, một dịp vui sướng không dễ gì có. Đến như người sau đọc văn tôi hôm nay, thì chưa chắc đã biết tôi hôm nay lúc viết đoạn văn này là có con ong con kiến ở đây... Thế nhưng người sau những kẻ đọc văn tôi thì tôi biết lắm: ấy cũng là hạng không làm thế nào được cải cảnh nước trôi, mây cuốn, gió thoảng, chớp nhoáng, bất đắc dĩ đem văn tôi ra để tự tìm cách tiêu khiển đó thôi!" Khóc người xưa _ Kim Thánh Thán.

Cre: Pinterest

"Tôi tự hiểu sâu rằng; mình lầm cũng là cách tiêu khiển, không lầm cũng là cách tiêu khiển; không lầm nhưng cứ lầm cũng không sao, cũng lại là cách tiêu khiển. ... Nhưng tôi tha thiết khóc người xưa, thì nào có phải tôi than khóc người xưa, đó lại là một cách tiêu khiển của tôi..." Khóc người xưa _ Kim Thánh Thán.

Hoa cỏ, lầu son ... vừa chớp mắt chỉ còn thấy chiều tàn nước cuốn. Cung cấm, thành cao ... mới thoáng đó đã biến thành rừng rậm, gò hoang! Biết quá khứ đã là "không", ắt biết rằng hiện tại rồi cũng thành "không". Không đợi đến lúc buông tay lìa đời mới thành "không", mà ngay cả cái lúc đang bắt tay vào đời biết đâu cũng chỉ là "không" đó thôi.

Vậy liệu một cuộc sống mà không có điều gì đáng để xả thân thì có còn là một cuộc đời đáng sống không đây?

Isabella Duong