Quạt cầm tay Trung Quốc
Những ai quan tâm đến văn hóa và nghệ thuật của Trung Quốc cổ đại. Có lẽ sẽ rất hứng thú với những chiếc quạt được làm thủ công rất tinh tế và đẹp mắt của những nghệ nhân và thợ thủ công Trung Quốc.
Ta có thể tạo ra một bộ sưu tập tuyệt vời từ những chiếc quạt này, hoặc đơn giản dùng chúng như một vật dụng để trang trí trong nhà có tính thẩm mỹ cao. Ngày nay ít ai dùng quạt cầm tay để làm mát nhưng nó vẫn là một món phục trang được nhiều người yêu thích. Chúng đa dạng về cả hình dáng và kích thước nên ta có thể thoải mái lựa chọn như hình lá, hình tròn, hình bán nguyệt, ... Và được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như lụa, tre, gỗ, lông, ... Cùng nghệ thuật trang trí tính tế và tao nhã trên mặt quạt.
Tôi đặc biệt thích những chiếc quạt được làm từ giấy, lụa và gỗ đàn hương.
Quạt gỗ đàn hương
Nổi tiếng nhất phải kể đến quạt gỗ đàn hương (Giang Tô).
Bởi gỗ đàn hương nổi tiếng với mùi hương thơm ngát của nó. Do đó khi sử dụng một chiếc quạt làm từ gỗ đàn hương (đàn hương phiến) ta còn có cảm giác thư giãn và dễ chịu. Đặc biệt hơn, gỗ đàn hương có thể giữ được hương thơm trong thời gian rất dài, do đó khi quạt lên sẽ mang theo mùi hương dìu dịu khiến ta có chút mong chờ hương thơm ấy đến cùng với làn gió mát.
Quạt có thể xếp lại với cấu tạo bao gồm phần sườn quạt và mặt quạt, có thể dễ dàng mang bên mình nhờ thiết kế xếp gọn lại thành một thỏi. Một đầu các nan quạt được đính lại với nhau bằng một chiếc ghim, gọi là nhài quạt, đầu kia có thể xòe ra để tạo bề mặt đẩy gió.
Quạt giấy gấp
Quạt giấy gấp là một trong những loại quạt phổ biến ở Trung Quốc cổ đại, chúng có rất nhiều mẫu cùng với những hình ảnh được trang trí vô cùng tinh tế trên nền giấy trắng có mùi thơm. Một số được vẽ bởi nghệ thuật thư pháp nổi tiếng, một số có tranh thủy mạc, chim muông hoặc hình ảnh cỏ cây hoa lá, hoặc được các danh họa phóng bút đề thơ lên mặt. Một số lại được trang trí bằng những dữ liệu lịch sử.
Đối với sườn và nan quạt có thể được làm bằng tre, nứa, gỗ đàn hương,... Đặc biệt phần nan quạt được tạo thành từ loại gỗ dài và mỏng, được chạm khắc rất tinh xảo, dụng tâm và đa dạng. Sau đó đem từng miếng ghép lên nhau làm thành mặt quạt. Số lượng và độ dài nan quạt sẽ tạo ra những kích thước khác nhau cho chiếc quạt. Thông thường là 7, 9 hoặc 12 nan.
Quạt lụa
Hình dáng chủ yếu của quạt lụa là hình tròn, sau đó có thêm nhiều hình dạng khác nhau như hình bầu dục, cánh hoa mai hay hoa hướng dương .... Phần nan quạt chủ yếu được làm bằng tre nứa. Phần cán quạt thường được khắc nhiều họa tiết, hoa văn được làm thủ công bằng tay rất cầu kỳ và tinh xảo. Vật liệu chính làm mặt quạt là từ tơ tằm hoặc tơ lụa, đem đến cho quạt màu sắc ưu nhã mà lắng dịu. Những chi tiết trang trí có thể là những bức tranh thêu với hình hoa lá, cảnh vật thiên nhiên hoặc chim muông ... từ những người thợ có tay nghề cao, tỉ mỉ và kiên nhẫn.
Đến đây quạt không còn chỉ đơn thuần là một cái quạt thông thường nữa, mà nó đã phát triển trở thành một tác phẩm nghệ thuật - một loại hình nghệ thuật cổ điển tao nhã và tinh tế.
Trên chiếc quạt người nghệ nhân có thể gửi gắm nhiều ý nghĩa khác nhau thông qua tác phẩm của mình. Chiêm ngưỡng những chiếc quạt đầy tinh tế này cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua về văn hóa và lịch sử lâu đời của người Trung Hoa xưa.
Uông Thanh Thanh