Nói như thế nào để được lắng nghe? – Để lời nói đến với trái tim (p1)

Đã bao giờ bạn tự hỏi "Tại sao khi mình nói lại không ai muốn nghe?" chưa? Nếu rồi, thì bạn có nhận ra những lỗi mà mình đã mắc phải không?

Bạn có biết là trong quá trình truyền đạt, để từ những suy nghĩ trong đầu chuyển thành lời nói, rồi từ lời nói đến tới người nghe thì nội dung đã mất đi tính chính xác đến hơn một nửa rồi không?

Nội dung cuộc nói chuyện là yếu tố quan trọng nhưng tốc độ, ngữ điệu, sự ngừng nghỉ, trau chuốt trong từ ngữ, lời nói có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của cuộc nói chuyện. Chúng ta luôn vô tình thể hiện ý tứ của mình thông qua những yếu tố này. Còn người nghe cũng sẽ cảm nhận được chúng, nhưng có thể điều mà họ cảm nhận được lại khác hoàn toàn với cách mà bạn đã thể hiện nó ra.


Dưới đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc giao tiếp không hiệu quả mà chính bạn cũng có thể đã mắc phải rất nhiều lần:


1. Diễn đạt không rõ ràng

Đó là khi bạn không thể đem toàn bộ ý nghĩ và cảm xúc trong lòng mình thể hiện nó ra một cách hoàn chỉnh, rõ ràng.

Nếu bạn không thể nói rõ ràng những gì mà bạn muốn nói, người nghe sẽ bối rối, khó hiểu, thậm chí có thể gây ra những hiểu lầm nặng nề.

Khi bạn càng có thể miêu tả sinh động, chính xác những điều mà bạn muốn nói thì người nghe càng có khả năng hiểu được chính xác những gì mà bạn đang muốn truyền đạt đến họ. Nếu họ thấy những điều bạn nói quá khó hiểu, họ sẽ không hài lòng khi lắng nghe bạn đâu. Hãy nhớ nói rõ từng từ, phát âm thật chính xác.


2. Nói chuyện không có trọng điểm

Trong thực tế, chúng ta đều có những lúc không thể biểu đạt chính xác suy nghĩ của mình, thậm chí là còn tạo ra những hiểu lầm không đáng có. Chúng ta nói năng lộn xộn, dùng từ không chính xác. Khi thì lại quá lan man dài dòng, không nói lên được điểm mấu chốt.

Nếu nội dung mà bạn nói không có trọng tâm lại thiếu sự ăn nhập, câu chuyện quá lan man dài dòng thì đối phương sẽ càng không muốn lắng nghe nó.


Mọi người khi nói chuyện thường hy vọng có thể đem toàn bộ những gì mình biết để nói cho người khác nghe, vì vậy thường không nói rõ được trọng điểm, làm cho người nghe mơ hồ, nghe mà không biết đâu là điểm chính, sau cùng thì chỉ có thể miễn cưỡng nghe hay trực tiếp chuyển hướng chủ đề.

Vậy nên, mỗi lần bạn chỉ nên biểu đạt một quan điểm hoặc một chủ đề thôi. Cũng cần biết cách khái quát nội dung và nhấn mạnh vào trọng tâm, có thể là bằng cách tăng âm lượng hoặc là tạo ra khoảng ngừng.

Cre: Unsplash

3. Chọn từ ngữ không thích hợp

Một số người nói chuyện mà không suy nghĩ kỹ, lời nói ra khiến người nghe không hiểu, còn có người thì khi nói chuyện lại không được mạch lạc rõ ràng. Đó là do họ không chuẩn bị trước nên lúc cần nói lại không biết nói gì dẫn đến việc sử dụng từ ngữ không chính xác.

Khi biểu đạt, để giải thích được những sự việc khó hiểu bằng ngôn ngữ đơn giản, thường cần nêu ví dụ. Thông thường, khi trình bày một quan điểm, sử dụng các ví dụ phù hợp sẽ làm cho biểu đạt của bạn sinh động và dễ hiểu hơn cũng như có khả năng làm bằng chứng cho quan điểm mà bạn đang nói hơn. Có cơ sở thực tế mới có thể ảnh hưởng đến người khác. Nhưng nhiều người dù trong đầu có thể nghĩ ra được ví dụ rất hay nhưng lại không biết chọn từ ngữ thích hợp để biểu đạt nó.

Ngoài ra nếu bạn chọn từ ngữ không cẩn thận thì có thể thay vì khiến người nghe cảm thấy vui vẻ, ấm áp thì lại khiến họ bị tổn thương sâu sắc và sau cùng chẳng còn muốn nói chuyện với bạn nữa.


4. Quên mất rằng người khác cũng cần nói ra suy nghĩ của mình

Đừng độc thoại một mình hãy để đối phương được nêu ra câu hỏi hoặc suy nghĩ của riêng họ. Nên nhớ rằng, việc nói chuyện là đến từ hai phía, chứ không phải một người tự biên tự diễn.

Bạn cũng có thể chủ động đặt câu hỏi cho người nghe để xem họ có hiểu nội dung mà bạn đang nói không, hoặc hỏi ý kiến của họ. Như vậy sẽ tạo ra được bầu không khí, cho thấy sự tôn trọng mà bạn dành cho họ cũng như khiến mọi người có thể hiểu sâu sắc hơn vấn đề.


5. Chuyển đổi đề tài không thích hợp

Khi người nói đang muốn trao đổi với bạn về vấn đề mà có thể bạn không thích nghe, bạn có thể sẽ vội vàng chuyển đổi nội dung cuộc nói chuyện sang những thứ như thời tiết, báo chí hay phim ảnh để lảng tránh phải trả lời đối phương. Điều này khiến họ cảm thấy không được tôn trọng và lắng nghe về sau sẽ càng không muốn nói chuyện với bạn nữa.