Những mùa xuân xưa
Thời gian đổi thay cùng với dòng chảy của thời đại. Nhịp sống con người dường như cũng cuốn theo vòng xoáy ấy. Chỉ có bốn mùa tuần hoàn: Xuân - Hạ - Thu - Đông vẫn còn sống theo lẽ tự nhiên của riêng nó. Hạ kéo Thu sang, Đông qua Xuân về theo quy luật muôn đời. Mùa xuân – mùa của sự sống, mùa của niềm thương nỗi nhớ, mùa ca hát véo von của muôn loài. Ta đi tìm. Tìm từng mảnh xuân xưa nhạt nhòa, những mong được nếm lại thi vị ngọt ngào của phút giây trời đất chuyển giao. Trang ký ức chắp nối vào nhau thành một dải băng, cuộn tròn thành cuốn phim trôi về những ngày tháng cũ.
Tôi nhớ ngày xưa, mỗi lần Tết đến đều được mẹ dẫn đi sắm sửa cho ngày lễ. Nào là bánh kẹo, trái cây, áo quần… và những nhành hoa đủ sắc màu để cắm nơi bàn thờ gia tiên. Lúc là trẻ con, tôi mong Tết đến nhanh và tôi thích tết vô cùng. Tết được nghỉ học, được tha hồ ăn các loại đồ ngọt, rồi được mặc quần áo đẹp… và hơn hết là được nhận những hồng bao lì xì. Tôi cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa, rồi đón chờ từng người thân ở phương xa ghé qua.
Ngày 27 Tết, cả gia đình của tôi về thăm ông bà. Trong kí ức của tôi, con đường về nhà ông bà là con đường đẹp nhất. Không gian xuân tươi vui tràn vào trong thao thức của một đứa trẻ. Trên đường về nó hỏi không biết bao nhiêu lần: “Bố ơi, đã gần tới chưa vậy Bố?” Chiếc xe Honda vẫn chở tôi bao năm. Ngày còn nhỏ, mỗi lần xe lăn bánh, tôi có cảm giác như được bay đi, tôi sung sướng vì được cùng Bố đi suốt mọi cung đường. Đôi bàn tay nhỏ ôm chặt vào Bố, hơi ấm của Bố sưởi ấm cho nó giữa cái lạnh của tàn Đông buốt giá. Đường phố những ngày này rợp sắc hoa, hương hoa phủ kín lối về, vang vang đâu đó những khúc ca xuân thắm tươi, hàng quán mấy hôm này nhộn nhịp hơn, người đi lại tấp nập ngoài đường. Nó nhớ về khung trời bình yên thuở ấy với những chùm mây bồng bềnh, những hàng cây Giã Tỵ, lô Cao Su ven đường đang thay lá xuân. Phố xá như khoác lên mình một diện mạo mới, được điểm tô bằng những ước mong về một năm mới tràn đầy bình an.
Tôi nhớ vào những ngày cận Tết sẽ ghé mộ những người thân thuộc đã nằm xuống, để ôn lại bao kỷ niệm tươi đẹp một thời đã qua. Nơi xứ sở nào đó xa xôi, ta vẫn mong người đừng quên ta vì ta luôn nhớ về người. Ta nhớ những mùa xuân xưa, ta và người đã cùng đi qua biết bao năm tháng trong đời. Những cơn mưa hồng rớt xuống từ đỉnh cao của hoài niệm, biển hồ kí ức đọng lại trong ta dạt dào, và dòng suối vẫn chảy ra biển nhớ xa khơi. Tôi đã đi vào trong sâu thẳm của nguyện cầu. Cầu nguyện cho những tuổi xuân đã ở lại trong buổi thần tiên thuở nào, cầu nguyện cho sáng danh những vì sao trên trời, vì người đã ở lại nơi mờ xa ấy. Nén hương bay lên cao, như ta đang gửi gắm biết bao ân tình những chiều xưa cũ:
“Khói hương nghi ngút những chiều xuân
Sắc hương hoa thắm gửi cố nhân
Vấn vương nhung nhớ nơi lối cũ
Người đã cùng ta hát ca ngân”
“Tết” là ngày để ta nhớ về, nhớ về nguồn cội, về công ơn sinh thành dưỡng dục, về dấu chân ngày nào. Tiết trời se lạnh cuối năm như tan đi mất để nhường chỗ cho hơi ấm của hội ngộ và của tình đoàn viên.
Khi nhớ về quá khứ, ai có thể vui? Cho dù kỷ niệm đó mỗi khi nhớ lại có khiến ta cười. Những mùa xuân xưa trọn vẹn biết mấy, khi những người thân yêu còn ở bên ta. Đó có thể là ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt của ta… đã đi trước ôm bao mùa xuân xưa ở lại mãi mãi chẳng thể tàn phai. Năm tháng ấy tôi đã cất trong tim mà không ai có thể lấy mất được. Tôi nhớ biết bao kỷ niệm về ông bà.
Ông tôi một người chủ tiệm may lớn ở Nha Trang. Mỗi độ xuân về. Ông sẽ lên Tây Nguyên, đến thăm những bản làng người Thượng. Ông đến chúc tết những người bạn của ông nơi này. Năm nào cũng thế, họ sẽ biếu ông một nhành Mai vàng để chưng cho dịp Tết tràn đầy ý nghĩa:
“Lộc biếc, mai vàng, xuân hạnh phúc
Đời vui, sức khỏe, tết an khang”
Điều thú vị là cứ đúng ngày mùng 1 Tết, hoa Mai sẽ nở vàng rực cả cây. Tôi cũng nhớ về Bà, người phụ nữ có mái tóc bạc trắng nở nụ cười hiền hậu bên chậu mai vàng mỗi dịp xuân sang. Nhớ nồi thịt kho, miếng thịt đông, hũ Kiệu muối... nhớ đôi tay thoăn thoắt gói bánh chưng vuông vức diệu kỳ. Bà chia sẻ “bí kíp” nấu bánh chưng ngon của bà là phần gia vị. Bà dặn rằng: “Muốn bánh ngon con phải cho muối vào nếp, cho muối vào đậu xanh. Muốn nhân bánh đậm đà thì con phải ướp thịt trước, thêm vào đó chút mì chính và hạt tiêu…” Thường thì ông bà sẽ dành hẳn cả một ngày để gói bánh. Đến chiều thì xếp bánh vào nồi. Từng chiếc bánh xếp chồng lên nhau ngăn nắp. Giờ thì đến phiên ông đốt bếp, ông đặt nồi bánh chưng trong vườn nhà. Cứ thế ông và con cháu canh lửa suốt đêm.
“Gạo thơm, đỗ cuộn lá dong xanh
Với hạt tiêu thơm ướp thịt, hành
Hương vị đất trời khuôn chắt đọng
Bếp hồng lũ trẻ thức ngồi canh.”
Con người và trời đất như hòa lại làm một. Bức tranh thuở ấy vẫn còn hiện rõ. Hơi ấm đoàn viên trong cái dịu êm của đất trời, hòa cùng ngọn lửa sáng bập bùng trong đêm tối. Khoảnh khắc trời đất giao hòa đêm 30 thật thiêng liêng. Tàn lửa cuốn bay như kéo theo hết muộn phiền của một năm cũ dần qua. Từng món ăn của bà mang hương vị đặc biệt, rất riêng. Có lẽ trong đó chất chứa tất cả tình yêu thương mà một người Mẹ, người Bà dành cho con cháu. Những món ăn ấy tỏa lan hơi ấm của hương xuân vĩnh cửu, mùa xuân ấy đã qua đi, nhưng dư vị của nó vẫn còn đọng lại trong ký ức ngọt ngào của tình thân.
Tôi nhớ những sáng mùng 1 tết xưa, mặc quần áo mới đi chúc tết. Chiếc áo trắng tinh khôi thuở nhỏ hiện lên trong đầu tôi, tôi như đang được mặc lại nó. Mặc lại chiếc áo khi xưa cho tôi thấy rằng mình đã lớn.
Mùa xuân và tuổi xuân làm tôi nhớ đến câu thơ của Xuân Diệu: “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua. Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Thanh xuân của cuộc đời tiếp nối cho những tháng ngày thơ ấu, tuổi trẻ nói rằng: “Ta phải lớn”, và tôi chẳng thể nào từ chối được. Ngày đó từng đứa xếp thành hàng lần lượt gửi gắm những tâm tình của mình, những ước mong tốt đẹp nhất đến với ông bà, mẹ cha, họ hàng. Vậy mà giờ đây lại được là “người lớn” lắng nghe những ân tình của “trẻ nhỏ”.
Mỗi khi mùa xuân về ta lại thêm một tuổi hồng. Tôi mỗi ngày một lớn và đi xa gia đình hơn. Tôi vẫn mong chờ Tết đến, nhưng chẳng phải là cái mong của trẻ nhỏ với bánh kẹo ngọt, hay được vui chơi thỏa thích với kỳ nghỉ dài. Mà là được trở về nhà. Hạnh phúc đến từ những điều bình dị như thế thôi. Tôi thích câu nói này: “Nhà là nơi để về”. Là điểm dừng chân sau một chuyến hành trình vất vả, là nơi cánh chim mỏi tìm về khu rừng của nó lúc chiều tà, là bến hương neo đậu đợi con thuyền giong gió ra khơi trở về. Gia đình thật thiêng liêng biết mấy. Nơi yêu thương được gửi trao, nơi hạnh phúc đủ đầy. Tôi yêu gia đình tôi.
Tết của hôm nay vẫn thế. Vẫn là sự chuẩn bị, cùng với tất cả thao thức về một năm mới rực rỡ. Tết đến đè nặng lên vai của các gia đình khó khăn, sức nặng của kinh tế. Bao mảnh đời bất hạnh lang thang khắp nẻo đường, bao con người đón chào năm mới sau ô kính với chữ thập đỏ, bao em bé nơi viện cô nhi cần lắm một gia đình, bao cái bụng đói mà chẳng được lấp đầy, bao người con đất Việt đón Tết nơi viễn xứ xa xôi… Tôi nguyện ước rằng đôi tay ta đủ rộng để ôm tất cả họ vào lòng. Những mong cho họ được ủi an. Vì họ chẳng cô đơn, họ còn có Ta đón Tết cùng họ. Tôi nguyện rằng trái tim ta đủ lớn để đặt họ vào một vị trí quan trọng ở trong đời ta. Để con tim hồng của ta biết lắng nghe, biết sẻ chia, biết đủ, biết thương, biết yêu.
Tết bây giờ vẫn có đủ những món ăn từ nồi thịt kho cho đến từng chiếc bánh chưng xanh. Vẫn là đêm 30 củi lửa nhóm bếp. Nhưng bao người đã rời xa ta. Thời gian vô tình đưa họ vào hoài niệm, để họ trôi về miền quên lãng, để họ trở thành một phần ký ức của riêng ta. Nguyện cho một sớm mai, ước mong những ai còn ông bà, còn cha mẹ, còn những người thân thuộc, còn ở bên ai đó. Tết là dịp để ta bày tỏ tấm lòng biết ơn và tình thương với họ. Hãy sống tử tế, để mỗi ngày ta sống với nhau là “mùa xuân”.
Mọi thứ đổi thay nhưng chỉ tình yêu thương còn mãi. Những mùa xuân xưa khép lại, mở ra những mùa xuân mới. Mùa xuân mới của ký ức, mùa xuân mới của khởi sự, mùa xuân mới của yêu thương.
“Những mùa xuân xưa đã khép rồi,
Ân tình xuân mới chẳng phai phôi
Nhớ ơn sinh dưỡng trao tình nghĩa
Một trái tim yêu mở trong đời.”