Mùi của Tết, Mùi của yêu thương
“Bố ơi, lại thêm một cái Tết gia đình mình vắng bóng con rồi...”
Tôi vừa nói dứt câu thì đầu dây bên kia đột nhiên yên ắng, sự lặng đi phút chốc đã vô tình tạo ra một khoảng không trống rỗng và chếnh choáng trong lòng tôi. Những lúc như thế, tôi biết rằng bố đang cố kiềm chặt lấy cảm xúc của mình, cố nén nỗi buồn vào trong để có thể trả lời với tôi rằng: “Ừ, bố biết mà con, hãy tự chăm sóc bản thân mình con nhé, nơi đây bố mẹ nhớ và mong con nhiều lắm. Cả nhà luôn dõi theo con, mạnh mẽ lên nào con gái”. Mặc dù ông là người rất nghiêm, đến độ mà chị em trong nhà ai cũng sợ và co rúm lại, mặt mày thì tái mét mỗi khi bị bố mắng. Sự nghiêm nghị ấy không tài nào có thể giấu đi, bởi lẽ nó đã biểu lộ rõ trên khuôn mặt hao hao gầy gầy của bố. Nhưng có lẽ, khi chúng tôi càng lớn thì bố lại càng hiền hoà và điều đấy cũng đồng nghĩa với việc tuổi của bố đã ngày càng cao. Giờ đây, khi đối diện với chúng tôi thì ông thường rất dễ mủi lòng. Tôi đã không tài nào hiểu được căn nguyên của điều ấy cho đến khi rời xa gia đình, xa luôn vòng tay an toàn của bố trong suốt những năm tháng vừa qua.
Ở một phương trời xa xôi, nơi mà nhìn đâu cũng toàn những gương mặt xa lạ, để rồi đi sớm về khuya chỉ có một mình. Trời Tây bây giờ đã vào độ cuối đông, một mùa đông mờ mịt sương khói, đặc quánh thành giọt, lả lướt và đầy mộng mị. Đây là thời điểm con người ta bắt đầu chuyển mình trong một chút dùng dằng và đầy chậm rãi, muốn được sưởi ấm bằng những cái ôm thật chặt hay giản đơn chỉ là không khí sum vầy. Tôi đã bắt gặp những dòng người dềnh dàng lướt đi trên phố, chốc chốc lại xuýt xoa rồi run lên bần bật trong tiết trời đang chập choạng sang xuân. Tôi vô tình chạm nhẹ qua những ánh mắt thất thần, lơ đãng nhìn xa xăm, tưởng chừng như đang miên mang trong bao nỗi niềm xưa cũ, hối tiếc về những yêu thương chưa kịp thốt nên lời. Hay những suy tư được giấu kín trong tâm khảm của những người con xa nhà, xa quê hương đang khát khao được trở về.
Đứng giữa phố xá thênh thang, lòng chợt thắt...
Tôi thật sự nhớ “mùi Tết” của quê nhà, nhớ “mùi trầm hương” đậm đà mà thơm thảo, nhớ từng đòn bánh tét, cái bánh chưng mà bà và mẹ đã cần mẩn gói ghém cho mỗi dịp Tết đến xuân về, nhớ luôn cả hơi ấm của những ngày đoàn viên.
Cứ mỗi độ giáp Tết, gia đình lại được dịp huyên náo như phiên chợ chiều ngày xuân. Mỗi người một việc, cùng nhau dọn dẹp nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới. Điều làm tôi không thể nhịn được cười là khi nhìn thấy “sự hăng hái” của cái Châu bốn tuổi là thành viên nhỏ nhất trong gia đình. Nó chạy lăn xăn khắp nhà, và luôn miệng hỏi hết người này đến người khác: “Tết, tết bao giờ mới đến,… Tết đến nhanh, nhanh nhé”.
Sáng 29 Tết, cả nhà quây quần cùng nhau gói bánh tét. Từng đòn bánh vuông vức gói bằng lá chuối xanh mướt và được buộc chặt bởi dây lạt trắng phau lần lượt ra đời nhờ đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của bà, mẹ và chị. Với tôi, họ như những nghệ nhân đang trình diễn một bộ môn nghệ thuật dân gian - gói bánh tét, trên một sàn diễn đặc biệt là căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười nơi góc phố. Còn tôi và cái Châu đảm nhiệm vai “quần chúng” với phận sự là rửa lá, so lạt, vo gạo rồi sàng đậu. Riêng bố tôi, bố vẫn bận tối mặt, loay hoay với công việc đồ án còn dang dở cuối năm. Tuy vậy nhưng chưa lần nào bố tôi bỏ lỡ những giây phút đón giao thừa cùng gia đình. Tôi còn nhớ như in những lần ngồi trông nồi bánh tét “xuyên không gian lẫn thời gian”, ròng rã đến suốt đêm. Ngồi trông bánh chín, chị em chúng tôi cứ thi nhau ngáp ngủ, mặt đứa nào đứa nấy phờ phạc, bố bảo: “Vào ngủ đi, để đấy bố trông”. Thế là ba chân bốn cẳng chị em chúng tôi ùa chạy vào nhà đặt lưng xuống giường và thiếp đi lúc nào không hay.
Tôi thương lắm những ngọn lửa ấp iu nồng đượm chóe sáng cả một không gian nhà, lúc thì dữ dội như sóng cuộn từng cơn, khi thì dịu êm và uốn lượn uyển chuyển tựa như một cô gái Digan đầy man dại và phóng khoáng, rồi chốc chốc lại bung nở những bông pháo hoa rực đỏ. Mùi khói bánh, mùi đậu xanh và mùi gạo nếp, cả mùi ngai ngái của lá dong lồng quỵên vào nhau tạo nên một sắc vị đặc trưng, rất Việt Nam mà khi xa thì nhớ da diết còn khi gần thì yêu ngây dại.
“Em miền Nam tròn trịa
Anh đất Bắc vuông vuông
Cùng quê ở chốn ruộng nương
Quà xuân thắt chặt, tình thương đậm đà
Áo xanh phủ kín da ngà
Thắt lưng ngang dọc, trẻ già đều yêu”
Tết lại về trên khắp các con ngõ, những cành mai, đào lũ lượt bung nở nụ tầm xuân rạo rực cả một góc trời. Tôi nhớ những lần cùng mẹ đi chợ Tết, mẹ sắm cho chị em tôi rất nhiều quần áo đẹp, sắm thêm hoa quà cho những ngày Tết. Tôi nhớ những lúc cùng bố trang trí và dọn dẹp nhà cửa, cùng chị hai vào bếp nấu mâm cơm chiều ngày 30. Nhớ những lần ngồi nghe bà kể về không khí của ngày Tết thời xưa, lại cả “một nghìn lẻ một” câu hỏi của cái Châu về vạn vật trên đời.
Tôi nhớ những lần gia đình cùng ngồi lại với nhau xem Táo Quân, còn chị em chúng tôi thì thấp thõm quay quần bên nhau để chờ đón thời khắc giao mùa. Đối với tôi, không điều gì có thể mang lại cảm giác ấm áp một cách trọn đầy như lúc này.
Năm nay, lại thêm một năm tôi đón xuân trên đất khách. Hai năm tôi xa nhà là hai mùa xuân tôi bỏ lỡ, là hai lần gia đình vắng bóng tôi trong đêm giao thừa. Có lần cái Châu nói chuyện với tôi qua điện thoại, vẫn là khuôn mặt kháu khỉnh và non nớt của em: “Chị ba đi đâu mà lâu thế, về em cho bánh này, Tết mẹ mua nhiều bánh lắm, em nhớ chị ba...”. Rồi tôi bật khóc, giá như có thể về nhà ngay lúc ấy để được ôm em tôi vào lòng, vỗ về và an ủi.
Tất cả những kí ức thiêng liêng, đẹp đẽ ấy như một cuốn phim tua chậm đang sống dậy trong tôi. Và mỗi khi trông thấy khói mù sương tôi lại nhớ về quê nhà, nhớ vị Tết cổ truyền, nhớ gia đình da diết. Đối với tôi, không nơi nào bình yên hơn là nhà, không món quà nào quý báu hơn sự đoàn viên.
“Quà nào bằng gia đình sum họp
Tết nào vui bằng Tết đoàn viên...”