Mùa trung thu năm đó
Bạn đón bao nhiêu cái Trung Thu bên gia đình rồi? Câu hỏi này có làm bạn phân vân, ngập ngừng chút nào không?
Nhấp một ngụm trà, tôi và bạn mở lòng mình ra, nhẹ nhàng quên đi bộn bề xung quanh và nhớ về gia đình mình, nhớ về tuổi thơ mình, sắp đến Tết Đoàn Viên rồi còn gì. Tôi kể bạn nghe trước nhé!
“Gần ba mươi tuổi” – theo cách nói của nhiều người về tôi, còn tôi luôn đáp lại họ rằng, “Này, tôi chỉ mới hai mươi bảy thôi, còn rất trẻ nhé!”, không quên nở nụ cười.
Nhớ những ngày nào, mong được đến Trung thu ngồi lại quay quần, cùng cắt cái bánh. Tôi thì chỉ thích ăn một loại duy nhất là bánh đậu xanh không nhân. Có lạ không nhỉ, tôi nghĩ chắc cũng không ít người giống tôi đâu, công ty vẫn sản xuất và bán trên thị trường đó thôi. Hồi tôi còn học cấp hai, trước đó thì còn ngu quá nên không nhớ để mà kể nữa, năm nào nhà tôi cũng cùng nhau ăn bánh, mẹ hay mua loại bánh lớn, ổ to kìa, chắc nó cũng phải bằng năm sáu cái bánh nhỏ gộp lại. Mà loại bánh đó, người ta chỉ làm nhân thập cẩm, tôi bướng lắm, không ăn dù chỉ là một miếng. Nên lúc nào mẹ cũng phải mua thêm một cái bánh không nhân dành riêng cho tôi, có khi bánh đó được bà bán hàng quen của mẹ tặng, nhưng tôi vẫn vui.
Đón trung thu lúc đó ấm ap lắm, trăng to và sáng, nhà nhà tắt đèn, vẫn nhìn rõ mặt nhau, kéo nhau ra ngoài hiên ngồi, nhà cách nhà chỉ có bờ rào kẽm gai hay hàng cây xanh thôi, chứ mà vẫn thấy mặt nhau, rồi gióng lớn nói chuyện với nhau, kể chuyện bà Tám xóm trên, kể chuyện nhà ông Lanh mới rước con dâu,... nhiều lắm, có khi nói chuyện tới tận khuya, tay thì đập muỗi bốp chát, tay thì cầm cái quạt, quạt qua quạt lại, rồi quơ qua quơ lại. Có vài nhà thì xách cái ghế ra hẳn ngoài đường mà ngồi, trẻ con thì chạy nhong, tay cầm mấy cái lồng ông sao tự tay làm, có đứa thì lấy lon nước ngọt, lon sữa cắt ra cũng được cái lồng đèn mà cầm khoe khoang với nhau. À, mà lúc đó bên xã hay tổ chức lễ hội Rước đèn cho đám nhỏ nữa, bác trưởng ấp đến từng nhà phát cho phiếu nhận quà, nhà bao nhiêu đứa thì được bấy nhiêu phần quà. Một cái bánh trung thu, một cái lồng đèn và tặng thêm mấy cây đèn cầy nữa, mà tôi thấy nó lớn lao lắm, nhận về đi khoe hí hửng với cả nhà. Khoe được chút thì tôi lấy theo cái quẹt – từ này ở chỗ tôi hay nói vậy, nó là cái bật lửa, rồi bỏ vội thêm mấy cây đèn cây nhỏ vô túi, chạy đi chung với đám bạn mình. Tay cầm đèn, vừa đi vừa hát “Tùng dinh dinh, cắc tùng dinh dinh,.." thuộc đâu đó được vài câu mà hát hoài không chán, có đứa nào ngon lành hơn thì hát tiếp, đứa nào không thuộc cũng chép chép theo, nhưng mà không đứa nào chê nhau. Đèn cầy đứa nào gần hết thì cả đám xúm lại, đứa giữ cái lồng đèn, đứa kia thì tháo cây chống ra, gắn thêm cây mới rồi châm lửa, rồi đi tiếp. Xóm tôi nhỏ thôi, ít nhà, nên cứ đi loanh quanh. Điểm đến cuối cùng là cái sân banh cũng nhỏ ngay trước nhà tôi, cái sân này thật ra là một khu đất trồng khoai mì, tới mùa vụ người ta nhổ lên hết, bãi đất hiện ra, rồi đám tôi chiều mang banh ra chơi, nên tôi gọi nó là sân banh. Bọn tôi lựa một chỗ tương đối bằng phẳng, ngồi quây tròn với nhau, xếp đèn cầy theo chữ, theo hình, rồi châm lửa lên, giả vờ ước ước, rồi thổi cái phù tắt hết đèn như đón sinh nhật coi được trên mấy phim truyền hình. Nhà tôi xưa cũng nghèo, cứ đến Trung thu là mẹ tôi đi bán đèn cầy ở ngoài công viên cho người ta chơi, kiếm thêm chút đỉnh. Tôi xin mẹ theo bán nhưng mẹ không cho, cứ bắt ở nhà. Ba tôi chở mẹ ra, rồi canh giờ chở mẹ về. Tôi đang chơi với đám bạn ở sân, vậy mà thấy ba lấy con xe cup ra đi đón mẹ, tôi bỏ ngang luôn, nhảy lên xe đi với ba, còn không quên ngoái lại la lớn “Tụi bây chờ tao nha”. Tôi về thì đám cũng giải tán, ai về nhà nấy ngủ vì hôm sau vẫn phải đi học. Lên lớp lại tíu ta tíu tít.
Tuổi thơ tôi gắn liền với những kỷ niệm đẹp, trong sáng, vô tư vậy đó.
Học hết cấp hai, tôi chuyển vào trường điểm của huyện, còn đám bạn tôi không học nữa, nhà tụi nó cũng nghèo, đi làm phụ quán, kiếm thêm tiền cho nhà. Tôi thì may mắn hơn, ba mẹ lo cho con chữ tới tận đại học. Ai cũng khen và nể ba mẹ tôi lắm, dù nghèo nhưng con cái đều học hành đến nơi. Nhà còn có anh hai, lớn hơn tôi năm tuổi, cũng học hành đến đại học. Sự khác biệt về cuộc sống nên bọn tôi dần xa cách, không mấy khi gặp, có đứa đi làm ăn xa với gia đình, có đứa lấy chồng, có đứa thì không có tin tức, còn tôi thì vẫn chăm chú vào học hành.
Sau này, tôi học đại học ở thành phố Hồ Chí Minh, mấy tháng mới về nhà một lần, về rồi lại vội vàng lên thành phố lại, không phải vì quá bận việc học, mà vì tuổi trẻ ham chơi. Bốn năm đại học, năm nào tôi cũng tham gia vào Ban tổ chức chương trình Rước đèn, đón hội Trăng rằm cho các em ở vùng sâu, vùng khó khăn. Tự tay chuốt tre làm lồng đèn, tự tay gói quà và tự tay làm từng chiếc bánh trung thu rồi cẩn thận đóng gói lại. Thường thì Ban tổ chức sẽ xin phép thực hiện chương trình ở trường tiểu học của xã. Đoàn chương trình thường có khoảng ba mươi thành viên, thực hiện sắp xếp, trưng bày các phần quà, dựng sân khấu diễn kịch. Đến đêm hội, các bạn đóng vai các nhân vật trong truyện cổ tích “Chú cuội” diễn lại cho các em nhỏ xem, đặt các câu hỏi liên quan đến nội dung vỡ diễn để nhận quà, phát quà và lồng đèn,... Lúc đó thì tuổi trẻ tôi chưa nghĩ ngợi gì nhiều cả, chỉ thấy các em vui thì mình vui lây. Các em về rồi thì túm nhau lại mà dọn thành quả.
Giờ đây, khi phải tự lập, vòng xoáy trong cuộc sống, công việc làm cho người lớn chúng ta dần quên mất đi ý nghĩa thực sự của cái Tết Trung Thu – Tết Đoàn Viên. Chúng ta có thể chăm chút cho một món quà để gửi tặng sếp, cấp trên, bạn bè, đồng nghiệp, nhưng lại quên mất rằng ba mẹ đang chờ ta về ăn bữa cơm gia đình, ngồi lại với nhau mà không bị làm phiền bởi những tin nhắn sáo rỗng trên mạng xã hội. Khi ấy, tôi nhận ra rằng, cứ mỗi lần tôi về nhà, thì lại như tiếp thêm năng lượng cho bản thân mình, bởi động lực cho tôi cố gắng mỗi ngày đang chờ tôi ở nhà.
Câu chuyện của tôi đã kể rồi, bạn cũng kể câu chuyện của bạn nhé. Hãy luôn trân trọng mỗi phút giây, mỗi sự việc xảy ra trong đời ta. Đặc biệt, hãy trân trọng tình cảm gia đình.