Mùa Trung thu của tôi
Mùa trăng tròn năm ấy tròn đầy và hồn nhiên như cái cách những đứa trẻ được ôm ấp trong vòng tay ấm áp của gia đình!
Ngày bé, tôi tự hỏi “Tại sao cứ mỗi khi đến Trung Thu thì lại có đèn lồng, mặt nạ, mâm ngũ quả hay ấm trà?” tôi đã trải qua Trung Thu ồn ào và náo nhiệt như thế. Tiếng trẻ con nô đùa quanh xóm, tiếng đoàn người múa lân nhộn nhịp, hay tiếng trống “tùng tùng” xôn xao khắp nơi. Ánh trăng vừa tròn vừa sáng như một bức tranh tuyệt mỹ không dám với tới, in bóng mẹ tôi dưới nền đất lành lạnh. Dần dần, lớn hơn một chút, tôi đã không còn nhớ những ký ức ồn ào nữa, mà là những ký ức mẹ tôi đã cố gắng như thế nào. Bà ấy mỗi khi đến mùa Trung thu là lại tiếp tục bận rộn bán những chiếc đèn lồng xinh xắn hay chiếc mặt nạ đầy đủ thể loại, ấy vậy nhưng tôi cũng không được dùng chúng, chỉ khi nào ế thì mới được dùng. Tôi đã không hiểu và mè nheo đủ kiểu. Lớn rồi, chợt nghĩ thì ra cuộc sống mưu sinh là vậy! Không phải cứ đến Trung thu là sẽ vui. Có người sẽ hạnh phúc mỗi khi Trung thu đến, cũng có người sẽ thấy cô đơn hoặc chăng là cảm giác tẻ nhạt. Bất kể là Trung thu hay bất kỳ một mùa lễ hội nào thì cũng sẽ thật ý nghĩa nếu chúng ta tìm được niềm vui thực sự của bản thân. Bây giờ tôi đã trở thành một cô sinh viên, xa nhà, xa gia đình, và xa cả những kỷ niệm với Trung thu nữa. Một mùa Trung thu đến, nhìn đường phố Hà Nội tấp nập xe cộ, ùn ùn tắc tắc, tuy rằng không khí sôi động nhưng dường như không mấy để lại được hồi ức đáng nhớ. Tôi nhớ hồi cùng mẹ tôi bán đèn lồng, bao nhiêu là niềm vui nhỏ khi thấy những gia đình đi mua chiếc đèn lồng và mặt nạ cho đứa con, đứa con ấy dường như cảm thấy sự hạnh phúc của một mùa trăng tròn. Chỉ cần đủ chân thành thì kể cả là con phố tấp nập hay làn đường văng vắng cũng không thể cản được sự ấm áp bủa vây. Và rồi, ký ức của tôi lại lạc sang hồi ức về ngày chỉ có mẹ con tôi đón Trung thu, không còn bố ở bên nữa. Đó là một khung cảnh bình yên, đơn giản mà hai mẹ con cùng bổ quả bưởi để chúc mừng. Thậm chí không có bánh Trung thu nhưng chẳng thể ngăn nổi cảm giác hạnh phúc của tôi. Đối với tôi, cảm giác hạnh phúc là cảm giác bình yên ở bên cạnh gia đình và người thân của mình. Dĩ nhiên, chúng ta chẳng thể nào phủ nhận được một mùa Trung thu đáng nhớ khi có nhiều người thân thiết cùng phá cỗ với mình, cùng nâng những ly rượu để chúc mừng cho Tết Thiếu Nhi, chúc mừng cho sự đoàn viên, sum họp gia đình cùng bạn bè.
Chúng ta đều biết rằng “Tết Trung thu là lễ hội cổ truyền của Việt Nam, không chỉ là Tết Thiếu Nhi mà còn là Tết đoàn viên. Lễ hội này gắn liền với câu chuyện chú Cuội và chị Hằng nhưng liệu mấy ai hiểu được ý nghĩa sâu hơn bởi tất cả câu chuyện đều chỉ là do dân gian truyền miệng.” Tuy vậy, Trung thu vẫn mang những ý nghĩa to lớn đối với nền văn hoá lúa nước như Việt Nam. Bởi rằm tháng tám là lúc trăng tròn nhất, đẹp nhất và là lúc cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức một chén trà nóng và kể cho những đứa cháu của mình về câu chuyện “Chú Cuội chị Hằng”. Và giờ thì đất nước đã phát triển rất nhiều, chúng ta không còn những mùa Trung thu bình yên như thế nữa mà sẽ là những mùa Trung thu ồn ào trên thành phố. Chúng ta sẽ bắt gặp những cặp đôi đang nắm tay đi dạo Phố đi bộ hay phải chăng là một gia đình nào đó đang cùng những đứa trẻ nô đùa trong khu vui chơi. Tất cả hiện lên thành một bức tranh sinh động. Nhưng cũng có thể đâu đó, chúng ta đã bỏ quên mất những con người vẫn đang mải miết làm việc ngoài kia. Chẳng có những chiếc bánh Trung thu cũng chẳng có cảm nhận gì về không khí tấp nập này. Có thể là vì mưu sinh, vì cuộc sống, vì để nuôi con hay thậm chí chỉ để sống, dường như họ cũng chẳng có chút ký ức nào về một mùa trăng tròn đáng nhớ. Phải chăng Trung thu cũng chỉ là một ngày bình thường như bao ngày khác, chỉ là đông vui hơn thôi?
Mùa Trung thu năm nay, cô sinh viên xa nhà gọi điện cho mẹ, hỏi han về mùa Trung thu ở quê ra sao, và rồi lại bận rộn với những câu chuyện vặt vãnh. Cô sinh viên cũng chẳng còn nhớ là phải chúc mẹ của mình Trung thu vui vẻ. Có lẽ, cô ấy biết mẹ nhớ cô ấy rất nhiều, vậy thì lời chúc còn có ý nghĩa hay không! Cô ấy khi đi đổ rác, đi ngang qua phòng chị hàng xóm, chợt nghe được “Con gửi cho bố mẹ một triệu, chúc bố mẹ Trung thu vui vẻ, bố mẹ tiêu gì thì tiêu”. Ừ thì cảm giác lúc đó nó lạ lắm. Có thể là xấu hổ, có thể là tự ti cũng có thể là thất vọng. Dường như một cuộc sống mưu sinh đầy đủ và trả hiếu cho mẹ còn hơi xa. Cô ấy bận rộn với những công việc ở trường, với những sự kiện của câu lạc bộ hay đơn giản là việc học hành. Thật là không biết đến khi nào mới có thể tìm về sự bình yên vốn có của xã hội xô bồ này. Một dòng nhạc chợt cất lên, vang vọng mãi trong đầu “Ai đó từ nơi xa nhớ về quê thăm bến đò năm xưa/ Lũy tre đầu làng bờ lao xanh xanh thắm giọt mưa/ Nơi có mẹ đang trông ngóng ngày mong đêm bây sắp về chưa/ Hỡi ơi ru hời hò xang xê quan liu ú quàn liu/ Suốt một đời mẹ trông ngóng con/ Tóc trắng mây trời môi nhạt màu son/ Con vẫn còn mải mê nơi chốn xa/ Để mẹ già đêm héo ngày hon”. “Mùa Trung thu năm tới, con hy vọng sẽ được cùng mẹ của con đón Trung thu”. Cuộc sống có nhộn nhịp ra sao, sôi động như thế nào nhưng nếu không có vòng tay ấm áp của gia đình thì chẳng còn ý nghĩa gì. Mùa rằm tháng tám năm nào cũng sáng và tròn đầy y như cái mỉm cười hạnh phúc của mẹ! Những đứa con sẽ luôn cố gắng và nỗ lực hết mình để năm nào cũng sẽ được đón Trung thu với gia đình.