Mùa trăng đã xa
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
Để trở về với giấc mơ ngày xưa.” _ Nguyễn Nhật Ánh
Có lẽ không chỉ nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, mà rất nhiều người cũng mong muốn sở hữu cho mình một tấm vé quay về tuổi thơ bởi ai cũng có tuổi thơ đẹp đẽ gắn liền với những dòng sông hiền hoà, cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, những đêm trăng sáng với những hoạt động vui chơi tinh nghịch. Trung thu đã để lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm. Những mùa trăng ấy đã thắp sáng tuổi thơ của lũ trẻ chúng tôi và một phần kí ức về mùa trăng đã xa của người lớn. Tết Trung thu đối với trẻ em bấy giờ cũng đặc biệt như những ngày Tết cổ truyền khác. Hiện tại mới chỉ cuối tháng Bảy âm lịch mà không khí Tết Trung Thu đã gõ cửa từng nhà trên khắp làng quê đến những con phố tấp nập, tràn ngập niềm vui, đỏ rực lấp lánh các loại đèn. Càng lớn, tôi lại càng muốn có một tấm vé quay về tuổi thơ ấy để đón Tết Trung Thu như những ngày nhỏ.
Có lần, tôi cùng các anh chị sinh viên trong câu lạc bộ có dịp đi lên Hà Giang tổ chức chương trình “Trung Thu cho em”. Ở đó, tôi gặp lại những ánh mắt trong trẻo, ngây thơ không giấu nổi niềm thích thú, hạnh phúc khi lần đầu được tổ chức Trung Thu. Nụ cười ấy khiến tôi nhớ đến ngày xưa – những tháng ngày trẻ dại, hồn nhiên, vô tư mỗi dịp Tết thiếu nhi đến. Đó là những ngày khi vệt nắng cuối hạ đang phai dần, những cơn gió mang hơi thở tươi mới của mùa thu tràn ngập nỗi niềm xao xuyến. Những ngày này người trong xóm gác lại việc đồng áng, vào buổi tối họ thủ thỉ tai nhau ăn cơm thật sớm rồi ra đầu làng tập văn nghệ, tập múa lân… Bọn trẻ con chúng tôi đông lắm, đâu cũng vài chục đứa. Và chúng tôi cũng bận rộn không kém, chúng tôi hôm nào đi học về đều tạt vào chợ để ngắm mấy cái đèn ông sao, mấy cái bánh Trung thu được bọc trong chiếc túi bóng kính đủ màu sắc. Chúng tôi từ mấy hôm trước rằm đều phải tính xem mặc cái gì. Không phài tính bộ quần áo nào đẹp nhất mà tính xem mặc cái nào để đựng được nhiều bánh kẹo nhất. Trung thu những năm ấy không có nhiều món ăn lạ, mà đều là những món quen thuộc của mùa thu mà bây giờ tôi hay gọi là “cây nhà, lá vườn” nào là quả bưởi vàng ươm, quả hồng chín mọng, vài quả thị và ít bánh kẹo, ... thậm chí là những gói mì tôm giấu mẹ mang ra cùng lũ trẻ con chung vui. Chúng tôi còn tự tay chẻ tre, cắt giấy, không có hồ dán thì dùng cơm nguội còn thừa để làm lồng đèn, rồi đứa nào kiếm được vỏ lon sữa ông Thọ thì làm đước cái đèn “xịn” thắp được cả nến bên trong. Đứa nào cũng mong muốn chiếc lồng đèn của mình đẹp nhất, nổi bật nhất trong đêm rước đèn. Tôi nhớ cảm giác lẽo đẽo theo mấy anh chị đi kiếm cây trúc quanh xóm, phải chọn cây già, thẳng nhất thì lồng đèn mới bền đẹp được. Chúng tôi đông vui lắm, đi đến đâu cũng om sòm cả xóm. Mấy đứa con trai nhanh nhẹn bắt tay vào nhiệm vụ, chẳng mấy chốc đã “đưa trúc về dinh”. Rồi mỗi đứa một việc, thỉnh thoảng có vài đứa bị ba mẹ gọi về nhưng chốc chốc lại thấy chạy lại tranh thủ hoàn thiện thành phẩm của mình. Tôi cũng vậy, trốn ngủ trưa để họp bàn “việc hệ trọng” với lũ bạn, để rồi bà bắt được thì mắng vài câu, thậm chí còn bị đánh vào mông mấy cái thật đau. Ấy vậy hôm sau lại thấy chạy lon ton ra túm tụm như hôm trước. Nhắc đến trò chơi vào dịp ấy thật thiếu sót khi bỏ qua đốt pháo bằng hạt bưởi khô. Để làm được một chiếc pháo vô cùng độc đáo như vậy, sau khi được ăn những múi bưởi ngọt thanh thì chúng tôi giữ lại những hạt bưởi, thậm chí đi đâu cũng dặn “Ông/bà/bác… để lại cho con hạt bưởi nhé”. Rồi sau đó lại cặm cụi bóc vỏ, tách đôi hạt bưởi rồi lấy chiếc dây thép xâu lại, chờ những ngày nắng lên đem phơi trước sân cho khô. Trời có mưa bất chợt thì những xâu hạt bưởi bao giờ cũng được ưu tiên thu gọn trước vì sợ hạt bưởi dính mưa sẽ bị mốc và không nổ được. Dù có tò mò muốn thử pháo lắm nhưng chúng tôi vẫn dành phần long trọng nhất cho đêm phá cỗ. Ngày ấy tôi thấy tiếng pháo này giòn lắm, còn giòn hơn cả tiếng pháo giao thừa. Nhìn từng chùm xâu hạt bưởi cháy sáng lên rực rỡ, toả ra mùi thơm hoà quyện với tiếng nổ tí tách làm cả bầu không khí trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết. Những thú vui của tuổi thơ tôi như một món ăn tinh thần không thể thiếu.
Ngày ấy, nhà tôi nghèo lắm, ba mẹ khó khăn nên đành gửi tôi về sống với bà ngoại. Có thể nói đó là khoảng thời gian tuổi thơ dữ dội nhưng không kém phần hạnh phúc bình dị. Khi ấy ngoại tôi đã gần 90 tuổi – ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng ngoại vẫn luôn yêu thương con cháu hết mực. Ngoại luôn dành cho tôi những gì tốt nhất. Những con chữ, bước chân đầu tiên tôi đều được ngoại dìu dắt, dạy bảo. Bà thường gọi tôi là Cún: “Cái Cún của bà đâu rồi nhỉ?”; “Cái Cún đói chưa?”… Những tiếng gọi của bà đã đánh thức tuổi thơ của tôi sống mãi cùng năm tháng… Tết Trung Thu thời ấy, ăn uống còn chật vật lo từng bữa, mấy ai có tiền mua bánh cho con cái. Tôi cũng ao ước lắm, nhìn thằng Hai Tí kể về chiếc bánh Trung Thu có nhân đậu xanh, vỏ vàng ươm mà nó được bố mẹ mua cho, dĩ nhiên là tôi ghen tị lắm. Tôi cũng chạy một mạch về nhà xin bà mua cho tôi một chiếc bánh như thế. Trước sự nũng nịu của tôi, bà đồng ý. Bà xoa đầu tôi và hứa sẽ đi chợ sẽ mua cho tôi một chiếc như vậy. Tôi lấy làm vui lắm, chạy tung tăng khắp xóm, gặp ai tôi cũng khoe về những chiếc bánh Trung Thu. Rồi lại ngồi thơ thẩn nghĩ về những chiếc bánh, tưởng tượng mùi vị của nó ra sao mà thèm thuồng nuốt nước miếng. Sáng hôm sau, từ sáng sớm thấy ngoại cầm theo chiếc nón:
- Con ở nhà nhé, ngoại đi hái chè đây.
- Thế bánh trung thu của con thì sao hả ngoại?
Ngoại phì cười, cốc nhẹ vào chán tôi và mắng yêu:
- Phải đi hái chè thì mới có tiền mua bánh cho Cún chứ.
Nghe thấy vậy tôi vui lắm. Chạy ôm tạm biệt ngoại rồi lại tiếp tục vào nhà trang trí hoàn thiện chiếc lồng đèn của mình. Chốc chốc lại nhìn lên chiếc đồng hồ quả lắc trên tường mà thầm nghĩ: “Sao hôm nay thời gian trôi chậm thế?”.
Chiều hôm ấy, phiên chợ chiều vẫn như mọi ngày, ngoại nắm tay tôi đi sát vào nếp cỏ bên đường đến khu chợ. Đi mãi cũng đến tiệm bánh, trái với sự mong chờ, háo hức của tôi những chiếc bánh đã được bán hết. Tôi buồn, hụt hẫng lắm vì đây là tiệm bánh duy nhất trong thành phố. Tôi oà khóc ngay tại chợ:
- Con bảo ngoại đi từ sáng mà ngoại không đi. Giờ hết bánh rồi. Tại ngoại hết…
Lúc ấy tôi giận dỗi, nổi cáu, không thèm nói chuyện với ngoại. Tôi chạy một mạch bỏ sau lưng là tiếng gọi. Tôi trở về nhà đóng cửa, khóc thút thít trong chăn. Rồi đến lúc tôi bình tĩnh lại, tôi nhận ra mình thật sự ích kỷ và vô tâm. Hình ảnh ngoại với đôi mắt ngấn nước mắt hiện ra trước mắt tôi. Ngoại đã rất cố gắng đem lại cho tôi những điều tốt nhất, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng ngoại vẫn muốn tôi có một ngày Tết Thiếu nhi trọn vẹn. Càng nghĩ tôi càng thương ngoại nhiều hơn. Tôi chạy lại chỗ hiệu bánh lúc chiều nhưng không thấy ngoại, mọi người cũng không biết ngoại đã đi đâu. Lúc ấy tôi thấy rất lo lắng cho ngoại, tôi giận và trách bản thân mình lắm. Đến khi chạng vạng tối, gà đã lên chuồng vẫn chưa thấy ngoại, tôi đứng ngoài ngõ thấp thỏm chờ rất lâu. Từ xa, tôi đã nghe thấy tiếng chống gậy, nhìn thấy hình bóng lom khom quen thuộc, tôi vội vàng chạy lại:
- Ngoại đi đâu mà lâu về thế, con nấu cơm xong rồi, chờ ngoại thôi.
Thấy ngoại chưa kịp nói gì, tôi đã lắp bắp cúi đầu và nói:
- Ngoại đừng giận con nhé, con biết lỗi rồi.
Ngoại chỉ khẽ gật đầu và lấy từ trong túi ra hai chiếc bánh nhỏ, tôi nhận ra đó là bánh nướng và bánh dẻo liền reo lên đầy thích thú:
- A!....Bánh Trung thu.
- Ngoại xin lỗi con nhé! Năm sau ngoại hứa mua cho con bánh từ sớm, mua cho con cả đèn ông sao mà con thích nữa.
Lúc ấy, tôi không ngừng cảm ơn và ôm hôn lên gò má nhăn nheo, in hằn dấu vết năm tháng của ngoại một cái thật sâu. Đôi tay run rẩy của ngoại cũng ôm lấy lưng của tôi rồi vỗ về ấm áp. Lúc ấy tôi không biết rằng ngoại đã đi rất xa mấy cây số để mua được những cái bánh ấy. Đôi chân của ngoại đã rất đau, sưng phồng lên, vừa ngồi xuống ngoại lập tức xoa bóp các ngón chân chai sạn, nhăn nhó của mình. Nhưng thấy tôi hào hứng khoe, ngoại bật cười. Tôi chạy đi lấy chiếc dao nhỏ, nhẹ nhàng cắt từng chiếc bánh thành miếng vừa ăn. Tôi cùng bà được thưởng thức những miếng bánh rất ngon. Ngồi trong lòng ngoại, mỗi tay cầm một miếng bánh. Bánh dẻo nhỏ, với vỏ mềm dẻo quẹo, nhân dừa siêu ngọt. Chiếc bánh nướng với vỏ cứng vàng xuộm, nhân thập cẩm đầy kích thích. Mùi thơm của những chiếc bánh khiến tôi đắm chìm trong cảm giác sung sướng. Hương vị ngọt thơm lừng tan nhẹ nhàng trong miệng như tình thương bà dành cho đứa cháu nhỏ của mình, ăn hết rồi nhưng vẫn có một cảm giác thèm lắm. Bây giờ được thưởng thức nhiều hương vị bánh khác nhau, nhưng chưa bao giờ tôi thấy lại được hương vị này. Có lẽ vì chiếc bánh tôi ăn mang kỉ niệm của tuổi thơ, chất chứa tình cảm gia đình mà thời gian đã mang theo giờ chỉ còn lại kí ức nhắc nhớ mà thôi.
Đến khi trăng lên cao, thấy tiếng bọn trẻ con đầu xóm rủ nhau đi rước đèn, phá cỗ. Trăng rằm mỗi tháng lại tròn đầy, nhất là vào Trung thu. Tôi còn có thể nhìn rõ những vết lồi lõm trên mặt trăng tựa như hình bóng của chú Cuội dưới gốc cây đa với nỗi nhớ nhà trong câu truyện bà hay kể. Ánh trăng len lỏi vào từng ngõ ngách xóm làng, vào những bụi tre, chum nước, vào trong cả tiếng hát, tiếng trống dền vang báo hiệu buổi phá cỗ đã chuẩn bị bắt đầu. Ngoại đưa cho tôi theo quả bưởi nhỏ để đi tham gia phá cỗ cùng các bạn. Cầm theo quả bưởi nhỏ – cầm theo bóng hình của tuổi thơ tôi hoà vào đám đông nghịt người. Không ánh đèn rực rỡ, lấp lánh; không tiếng nhạc remix như hiện tại mà chỉ có ánh trăng, ánh đèn mập mờ, tiếng trống cùng những điệu múa lân. Chúng tôi rước đèn khắp ngõ làng, vừa đi vừa nhai kẹo, cười nói vui vẻ rồi cùng nhau ngồi một chỗ ngắm trăng lắng nghe câu chuyện Sự tích Tết Trung thu, Sự tích Chú Cuội cung trăng,.. đứa nào cũng tranh nhau đóng vai chị Hằng, chú Cuội. Những chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới cùng với sự diễn suất ấn tượng của đoàn diễn viên nhí đến từ chúng tôi khiến cho buổi tối hôm ấy tràn ngập tiếng cười. Chính những đều giản dị ấy đã tạo nên những kí ức hồn nhiên, trong trẻo như ánh trăng rằm.
Phá cỗ xong, chúng tôi trở về nhà. Nhưng không khí Trung thu vẫn đọng lại trong tâm trí chúng tôi, vừa đi vừa hát những câu hát tuổi thơ:
“Chiếc đèn ông sao sao năm cánh tươi màu
Cán đây rất dài cán cao qua đầu
Em cầm đèn sao em hát vang vang
Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan
Tùng dinh dinh tùng tùng tùng dinh dinh
Đây ánh sao vui chiếu xa non ngàn
Tùng dinh dinh dinh dinh tùng dinh dinh
Ánh sao Bác Hồ toả sáng nơi nơi.”
Về nhà bà vẫn đợi tôi bên căn nhà nhỏ. Nằm trong lòng của bà, những câu hát ru quen thuộc êm dịu đã đưa tôi vào giấc ngủ say nồng. Bằng chất giọng ấm ấm, bà dẫn tôi lạc vào xứ sở của bà tiên, ông bụt… và ở trong đó tôi thấy bóng dáng của bà ẩn hiện sau mỗi nhân vật. Rồi một ngày nào đó, tôi – chúng ta thật sự muốn được thưởng thức lại, nghe lại những điều ngọt ngào như thế. Nhưng thời gian đã mang tất cả đi mất… Bây giờ đã trưởng thành, tôi được ăn những chiếc bánh nướng, bánh dẻo đủ vị, đủ màu sắc, đủ hình dáng nhưng chiếc bánh Trung thu tuổi thơ vẫn đặc biệt lắm. Có lẽ chiếc bánh Trung thu năm ấy được thêm vào đó gia vị đặc biệt – gia vị của tình yêu thương. Mỗi lần Trung thu đến, những hình ảnh của ngoại đều hiện về. Những kí ức đó là cả tuổi thơ êm đềm của tôi. Một chiếc bánh đơn giản nhưng trở thành sợi dây kết nối kí ức và tình cảm của biết bao thế hệ với tháng năm bình dị. Và có lẽ hơn hết, đó là niềm tiếc nuối về một thời đã đang xa dần theo năm tháng – thời hồn nhiên, trẻ dại đã qua. Ngày Tết Trung thu là ngày duy nhất chúng ta có thể biến người lớn thành những đứa trẻ con, sống lại bằng những kỷ niệm ngày đã cũ. Bởi ai cũng từng là trẻ con, cũng có những hồi ức thật đẹp. Không phải tuổi thơ nào cũng hoàn hảo, trọn vẹn nhưng tình cảm chúng ta dành cho nhau luôn đẹp theo cách hoàn hảo nhất. Đừng để khoảng cách thế hệ hay bất cứ lý do gì cản trở chúng ta tìm về với mái ấm của mình. Có thể nói hoàn cảnh thay đổi, con người thay đổi, những giá trị cũng thay đổi, niềm vui cũng chẳng còn giống nhau. Trung Thu đối với trẻ con là ngày lễ được vui chơi, rước đèn, phá cỗ, xem múa lân. Còn đối với người lớn là ngày lễ đoàn viên, dịp để sum vầy. Hãy định nghĩa Trung thu theo cách của riêng bạn. Dù đi đâu về đâu nhưng hãy luôn cố gắng sắp xếp công việc để ngồi bên nhau ôn lại những kỉ niệm bên cửa sổ ánh trăng vàng:
“Trung thu là để uống trà
Lồng đèn để ngắm
Nhà để yêu thương.”