Mong rằng xuân của chúng ta, sẽ không phải là "xuân không màu"

Ở mỗi giai đoạn con người ta từng bước trưởng thành, mong ước về ngày Tết cũng theo đó mà biến đổi. Ngày trẻ, ta luôn mong Tết đến với những chiếc bánh, gói kẹo mứt thơm lừng, cùng những chiếc bao lì xì mang đậm sắc đỏ. Trưởng thành rồi, niềm mong ước chỉ gói gém lại bằng một điều quá đỗi đơn giản, là được trở về nhà, cùng gia đình sum vầy đón Tết.

Tôi từng đọc ở đâu đó một câu nói thế này, "lúc đầu cứ luôn nghĩ rằng ngày sau còn dài, cái gì cũng đều có cơ hội, nhưng không biết rằng cuộc đời là một phép trừ, gặp nhau một lần, ít đi một lần, ngày sau cũng chẳng còn dài nữa". Ngẫm lại, có lẽ mỗi người trong chúng ta đều hiểu rõ, chẳng có ai sẽ luôn cạnh bên ta mãi, dù là bất cứ mối quan hệ nào. Ngày bé luôn mong sớm trưởng thành, để có thể bước ra ngoài ngắm nhìn thế giới rộng lớn, làm những điều mình yêu thích, đến những nơi mình từng ao ước. Mỗi năm Tết đến, như một cột mốc chúng ta bước thêm tuổi mới, chặng đường mới. Tết ngày bé vô tư, tràn đầy hương thơm bánh quả kẹo mứt cùng bánh chưng xanh đong đầy tròn vị, những kiện áo mới mẹ mua trân quý vô cùng, những phong bao lì xì sắc đỏ ông bà mừng tuổi mới là niềm hạnh phúc được giấu bên dưới gối ngủ. Tết qua đi, từng năm rồi từng năm, theo dòng chảy xuân hạ thu đông rồi lại xuân, cuộc sống cũng đổi mới không ngừng, có được cũng có mất, là quy luật tự nhiên chẳng thể đổi dời.

Bước ra khỏi vòng an toàn của gia đình, bắt đầu đặt chân vào vòng xã hội rộng lớn, tìm kiếm con đường đi đến lí tưởng đã nhận định, đã khát khao. Từng nơi chốn, từng sự kiện, từng con người mà ta gặp gỡ, đều là những màu sắc điểm lên trang giấy hành trình của mình. Điểm xuất phát có thể không thuận lợi, nhưng quay đầu lại, gia đình vẫn luôn là hậu phương vững chắc, dõi theo mỗi bước đi. Nỗ lực với giấc mơ của mình, tôi luyện giữa xã hội đầy ngũ vị tạp trần, đôi khi quá đỗi khắc nghiệt, vùi dập con người ta không thể không sợ hãi. Nhưng con người ta vẫn cứ kiên cường mà bước tiếp, vì những ngày tốt đẹp ở tương lai, vì trách nhiệm gánh vác, vì muốn cho gia đình một cuộc sống tốt hơn, hay đơn giản là cố gắng thật nhiều để về nhà cùng gia đình đón một cái Tết an vui đủ đầy.

Rồi một ngày, trước thế giới rộng lớn, những nụ cười, nước mắt, những ủy khuất, nhẫn nhục giữa thành phố xa lạ. Hay hạnh phúc đi đến muôn nơi, những dãy núi, cung đường, những dòng thác kỳ quan đẹp đẽ, những nơi mà khi còn bé ấy chỉ có thể ngắm nhìn qua màn hình TV cũ, giờ lại dễ dàng hiện hữu ngay trước mắt. Rồi cuộc sống của chúng ta, sẽ ngày càng rời xa gia đình, những lời hỏi thăm chất đầy qua những cuộc điện thoại, những lần gặp mặt lại chỉ là vỏn vẹn trong ngày Tết đến xuân sang.

Nhắc đến Tết, mấy ai xa quê có thể không bồi hồi trong lòng. Tôi nào có là ngoại lệ, xa quê đến nay đã sáu năm, cả dịp Tết đến, tôi cũng chẳng về thăm nhà. Nói ra chính là tham công tiếc việc, lương bổng ngày Tết cao gấp đôi gấp ba cả ngày thường, cuộc sống bao năm chẳng thuận lợi, nên tôi chẳng thể bỏ qua cơ hội tốt này, cũng là mong có thể gửi được về nhà nhiều hơn, thuốc than bố mẹ, áo mới sách ở cho hai em.

Đến khi một lần, cùng một người quen cũ gặp nhau giữa đất khách xa lạ này, tôi cùng chị đã hàn huyên rất lâu với nhau. Ở ngay phía đối diện là tiệm tạp hóa nối nhau thành hàng dài, người ta đã xếp đầy bánh mứt, kẹo Tết, đèn lồng… háo hức chuẩn bị cho một mùa Tết sang. Hai người chúng tôi cứ ngắm nhìn mãi, như theo đó mà trôi dạt về miền ký ức mang không khí hạnh phúc của ngày thơ ấu. Tôi cũng nhớ đinh ninh lời chị nói với tôi hôm đấy, nói về ước mơ lớn nhất đời chị, chính là được đón Tết cùng bố mẹ, được quay quần bên nhau chứ không phải là mâm cỗ đủ món lại đầy hương nhang khói, được cảm nhận lại hương vị quý giá của xuân sang, chứ chẳng phải một mình lẳng lặng nhìn "xuân không màu". Tôi không tránh khỏi chạnh lòng, tuy rằng song thân tôi vẫn còn, nhưng chung quy thời gian bên cạnh chăm sóc còn lại chẳng rõ ngắn dài. Trong khi bản thân tôi may mắn hơn chị rất nhiều, vì vẫn còn những cơ hội vô cùng quý giá. Tôi luôn muốn được chứng tỏ những thành tựu trong ước mơ của mình, lại quên mất niềm hạnh phúc của bố mẹ chỉ đơn giản là được thấy tôi trở về, được nghe tôi kể lại những điều trong năm qua, những niềm vui và cả nỗi buồn nơi thành thị hoa lệ này. Những năm tôi chẳng về, qua điện thoại cũng nghe ra bố mẹ có bao nhiêu hụt hẫng lại chẳng nhắc đến nhiều, chỉ bảo tôi chiếu cố bản thân thật tốt, ăn uống đầy đủ, nếu có khó khăn quá, thì cứ về nhà với bố mẹ.

Tôi nên sớm suy nghĩ đến việc này mới phải, vì cuộc đời còn lại bao nhiêu lần năm năm, mười năm nữa…

Mùa xuân vẫn cứ là mùa xuân, mùa của hoa cỏ rực rỡ khắp đất trời, Tết vẫn cứ là Tết, là truyền thống tốt đẹp mãi luôn lưu truyền chẳng thay đổi, chỉ là ở mỗi giai đoạn con người ta cảm nhận những thay đổi trong cuộc sống, trong suy nghĩ, nên tư vị ngày Tết cũng dần biến đổi theo. Tết trong tôi ngày bé là một kỳ nghỉ no đầy. Tết trong tôi hiện tại đã trở thành hy vọng, hy vọng mỗi năm đều có để đoàn viên cùng gia đình. Được cùng mẹ vào bếp sắp xếp thịt mỡ dưa hành, được cùng bố chăm chậu mai chậu đào, treo những câu chúc an lành đầu năm, và được cùng những đứa em canh nồi bánh chưng Tết.

Thật biết ơn khi cuộc đời này tồn tại hai tiếng "gia đình" ấm áp và sẵn sàng bao dung, chờ ta trở về nhà, chờ ta cùng sum vầy đón Tết. Mong rằng phố thị đèn kết hoa, sẽ soi sáng con đường trở về nhà của những người con xa xứ. Và mong rằng, xuân của chúng ta, sẽ không phải là "xuân không màu".