Mẹ là ký ức Trung Thu trong con
Mẹ ơi!
Những ngày này Hà Nội ngập tràn trong những cửa hàng bánh Trung Thu đủ sắc đủ màu, những chiếc đèn lồng sặc sỡ, những ca từ, giai điệu vang lên rộn ràng giục giã một cái tết Trung Thu nữa đang về. Lòng con lại bồi hồi cảm xúc trong những đoạn hồi ức của năm tháng đã qua nơi quê nhà. Con nhớ ngày tết Trung Thu có đầy đủ ông bà, bố mẹ, có bưởi, có hồng, có cặp bánh Trung Thu rẻ tiền với chiếc đèn lồng từ vỏ hộp sữa mà ba chị em thèm thuồng, háo hức. Cả bầu trời tuổi thơ trong con. Thương rơi nước mắt. Mà hạnh phúc vô cùng.
Con nhớ những ngày đầu tháng tám, khi tiếng các anh chị đoàn viên thanh niên dạy các em tập văn nghệ; khi tiếng trống lân dập dồn ngoài sân đình, cũng là lúc mẹ bắt đầu để dành, thu gom hạt bưởi từ bà con trong làng. Để rồi những buổi trưa nắng vàng êm dịu, mẹ ngồi tỉ mẩn xâu từng hạt bưởi vào chiếc dây thép mỏng thành chuỗi hạt treo trên dây phơi đồ cho đến khi chúng khô kiệt lại. Hàng xóm ái ngại cho gia cảnh nghèo khó của nhà mình còn lũ trẻ con lại háo hức vô ngần. Đêm Trung Thu năm đó và cả những năm sau này, chị em con được sống trong mùi tinh dầu bưởi loang thơm khắp nhà.
Con vẫn còn nhớ chiếc vỏ hộp sữa mẹ xin từ một bà đồng nát qua đường. Những buổi tối dưới ánh trăng sáng ngoài hiên trong cảnh muỗi vo ve đốt, mẹ dùng búa, kềm... hì hục đục, cắt rồi uốn thành chiếc đèn lồng nhỏ xinh cho con. Lúc chiếc lồng đèn làm xong cũng là lúc trán mẹ lấm tấm những giọt mồ hôi mà cơn gió mùa thu chẳng mang đi được. Bài văn năm đó, cả lớp viết về chiếc đèn lồng ông sao năm cánh, chiếc đèn lồng cá chép mua vội bên đường. Chỉ duy nhất con gái bé bỏng viết về mẹ với chiếc lồng đèn hộp sữa không giấu nổi những mặc cảm ngây ngô trong lòng.
Con vẫn còn nhớ ánh mắt thèm thuồng, dán chặt vào những chiếc mặt nạ của cửa hàng bên đường và nụ cười đầy chào mời của người bán làm con mong chờ biết bao tiếng bước chân mẹ bước lại gần quán. Nhưng rồi sau phút giây lần chần, mẹ cũng dứt khoát quay xe thật nhanh chở con rẽ vào đường làng. Một tiếng thở dài theo gió thoang thoảng bên tai con. Hình như mẹ đang khóc. Con bất chợt nhận ra rằng những ham muốn ngỡ như vô tư, ngây thơ của con bỗng chốc trở thành nỗi xót xa trong mẹ.
Con vẫn còn nhớ đêm Trung Thu, trăng đổ sáng lên khắp làng quê thanh bình yên ả, rót mật trên từng nhành cây, kẽ lá. Khi loa đang đọc tên con lên nhận phần thưởng thì ở nhà, mẹ cũng đang tất bật chuẩn bị một mâm cỗ Trung Thu cho những đứa con của mình. Đèn trời đã tắt dần, tiếng trống lân cũng đến hồi kết thúc, con rời cuộc vui để trở về nhà. Dưới ánh trăng sáng như gương trên đầu ngọn cau, dáng mẹ gầy còm, khô quắt lại bởi bao sương gió cuộc đời bên chiếc mâm gỗ nào bánh, nào quả. Chuỗi hạt bưởi hôm nào giờ cháy sáng rực một góc sân và chiếc lồng đèn với cây nến nhỏ đang đưa mình trước gió. Khung cảnh hệt như một bức tranh mà đã bao lần con cầm bút vẽ vẫn chưa chạm nổi cái hồn của nó. Làm sao con có thể chạm vào được đây những cơ cực của mẹ? Những yêu thương đến khổ tâm của một người mẹ nghèo. Mẹ nghèo thật nên mẹ chỉ có thể làm cho con chiếc mặt nạ bằng mo cau. Mẹ nghèo thật nên hai nghìn mua chiếc lồng đèn bằng nhựa là cả bữa ăn của nhà mình ngày hôm sau khiến mẹ phải đắn đo, dùng dằng đến trách mình. Mẹ nghèo thật nên mẹ chỉ có thể cho con một Trung Thu theo cách của người nghèo. Nhưng mẹ ơi! Mẹ nào có lỗi! Con xin mẹ đừng rơi nước mắt. Bởi có ai đếm được mẹ đã gói ghém, gửi gắm trong đó bao nhiêu yêu thương. Trên đời này có một thứ tình cảm luôn luôn vô tận, không bao giờ thay đổi cũng như trăng rằm tháng tám tròn đầy, thủy chung, trước sau như một; đó là tình cảm mẹ dành cho con.
Từ khi con còn nhỏ, bố mắc bệnh triền miên. Thân bệnh rồi tâm bệnh. Những tàn tật trên lưng từ lúc nào không biết thành một bệnh nhân tâm thần. Một mình mẹ với tám sào ruộng, làm thuê làm mướn đủ nghề lo cho cả gia đình bảy người. Nỗi khó nhọc vất vả in đậm trên làn da đen sạm vì nắng cháy và đôi tay chai sần của mẹ. Mẹ làm, bố phá. Đôi vai mẹ oằn cả xuống trong suốt những tháng năm cố gắng kéo gia đình ra khỏi vũng bùn của sự đói nghèo. Mẹ thường xuyên phải nhịn bữa hoặc vét đáy nồi cơm, dành miếng ăn cho các con. Và cũng bởi vì quá khổ, ước mơ của mẹ về một Trung Thu sung túc, đủ đầy cho các con bằng bạn bằng bè cứ tắt dần.
Trải qua bao mùa Trung Thu như thế, mẹ nuôi con khôn lớn bước vào đời. Khi chúng con dần dài đôi cánh, thời gian cho mẹ cũng ngày một ít đi. Những lời thăm hỏi đầy mĩ từ, nơi phố phường Hà Nội gửi về cho mẹ trong vài cuộc điện thoại, đôi ba dòng tin nhắn. Những hộp quà Trung Thu to đẹp, vuông vắn, sang trọng theo đường bưu điện gửi về quê nhà nhưng chẳng phải cái vị của ngày con còn thơ bé. Mẹ chờ hoài chẳng thấy dáng con. Nhưng chẳng nỡ giận con vì những bộn bề cuộc sống.
Con biết!
Chuỗi hạt bưởi năm nào mẹ vẫn xâu rồi đốt, từ ngày bước chân con rời xa lũy tre làng. Chiếc lồng đèn vỏ hộp sữa đã hoen gỉ đi nhiều vẫn nằm yên góc nhà như đợi bước chân con trở về. Những ký ức Trung Thu ngày ấy con được mẹ yêu thương, bên cạnh gia đình vẫn luôn là nguồn sức mạnh giúp con tự tin bước qua bao mùa Trung Thu nơi xứ người, cô đơn đến nhói lòng.
Đồng hồ điểm 2 giờ sáng, một mình con ngồi ngoài ban công ngắm nhìn thành phố lúc đêm về. Đây là giây phút hiếm hoi con thấy ánh trăng không bị che khuất bởi những tòa nhà cao tầng, hay bị hoà lẫn vào những ánh đèn điện sáng trưng lung linh. Hà Nội rộng lớn là thế mà có lúc chẳng chứa nổi thứ ánh sáng dịu dàng từ trên cao rọi xuống. Ngửa mặt lên nhìn trăng, lời bài thơ "Muốn làm thằng cuội" như thác nước cuồn cuộn dội về rồi bỗng đâu lại thấy nghẹn lời khi nhớ đến "Ánh trăng" của Nguyễn Duy. Con tạm biệt đô thành hoa lệ, theo chuyến tàu trở về với mẹ.
Mẹ ơi!
Trung Thu bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Những hộp bánh đỏ, vàng từ các nguyên liệu quý hiếm, đắt đỏ. Những chiếc lồng đèn điện tử phát nhạc chẳng lo tắt nến, cháy giấy. Từ bao giờ con không biết, Trung Thu đã trở thành dịp để người ta thiết lập, "chăm sóc" các mối quan hệ công việc hay một dịp hẹn hò của đôi lứa yêu nhau, của những người tụ tập bên nồi lẩu khói bay nghi ngút trong các trung tâm thương mại chật cứng; thậm chí là của những bài cà khịa nhân danh đạo đức trong thế giới ảo. Tụi nhỏ cũng chẳng còn biết đến cảm giác khuôn ngực phập phồng, háo hức khi tết Trung Thu đang đến gần. Trăng rằm tháng tám chẳng lời hẹn thề, năm nào cũng lên mà đời người lại đổi thay nhiều quá. Mấy ai còn nhớ tới chiếc bánh nướng cứng ngắc năm nào và người nặn tò he cũng dần rơi vào quên lãng. Một sự mất mát tiếc nuối khó tả thành lời để rồi con cứ kiếm tìm trong những day dứt.
Ti vi, mạng xã hội vẫn nói đến Trung Thu như một dịp tết đoàn viên nhưng đâu đó trong cái thành phố ngột ngạt này và cả nơi quê nhà ngày càng vắng dần bước chân của thanh niên trai tráng bởi cuộc sống mưu sinh, con tự hỏi mình rằng có bao nhiêu cuộc đoàn viên thực sự? Thời gian đã cuốn trôi mọi thứ hay mùi của sự vô tâm đã len lỏi vào trái tim mỗi người.