Kỷ luật bản thân = Tự do
"Nếu bạn muốn tự do thì bạn cần phải có kỷ luật. Bạn càng kỷ luật bản thân bao nhiêu thì bạn càng có thể làm những gì mình muốn. Điều đó sẽ không đúng ngay từ đầu, bởi lẽ ban đầu, kỷ luật có thể là những thứ bạn không hề muốn làm, nhưng khi bạn càng làm nhiều những điều bản thân không muốn thì bạn càng làm nhiều những điều đúng đắn. Và chắc chắn bạn sẽ cảm thấy mình ngày càng giỏi hơn và có nhiều tự do hơn.” Theo cựu chỉ huy đặc nhiệm SEAL – Jocko Willink.
Tôi thừa nhận mình của những năm tháng trước đây là một người làm việc một cách tùy hứng và thiếu kỷ luật – thích thì làm không thích thì thôi. Chính vì tính thiếu kỷ luật này nên tôi đã phải nuối tiếc rất nhiều điều, nhất là trong công việc. Theo thời gian tôi nhận ra được một chân lý, rằng: bạn càng sống kỷ luật chừng nào thì bạn càng có thể làm được những điều mình muốn và sống cuộc sống bạn muốn.
Theo bạn kỷ luật bản thân là gì?
Theo tôi, kỷ luật bản thân là bắt buộc bản thân làm những việc mà bạn có thể chưa thích nhưng mang lại lợi ích lâu dài. Đó là về sự tự chủ , sự tự điều chỉnh, ý chí, quyết tâm, và động lực. Đó là cách bạn bắt bản thân làm những gì cần phải làm để tiến lên và vượt trội trong cuộc sống. Kỷ luật bản thân và một mục đích ý nghĩa trong cuộc sống sẽ giúp bạn vượt qua lòng ham thích, sự lười biếng, chần chừ và những nỗi sợ hiện tại.
Vậy làm sao để rèn luyện tính kỷ luật bản thân?
Dưới đây là cách tôi rèn luyện tính kỷ luật:
1. Tự nhận thức điểm mạnh, điểm yếu của bản thân
Hay nói đúng hơn bạn phải biết giá trị của mình ở đâu, mục tiêu của mình như thế nào. Viết chúng ra và dán ở nơi mà bạn có thể nhìn thấy mỗi ngày. Việc hiểu rõ bản thân sẽ giúp bạn đi đúng hướng và rút ngắn khoảng cách đến với thành công hơn.
2. Loại bỏ sự cám dỗ
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với nhiều loại cám dỗ hàng ngày. Đầu hàng trước những cám dỗ này giống như bước vào một vòng luẩn quẩn. Nếu bạn không có đủ ý chí cần thiết để chống chọi với những cám dỗ này, bạn sẽ càng khó phá bỏ thói quen tiêu cực hơn.
3. Quyết tâm thực hiện kỷ luật bản thân
Để những mục tiêu đặt ra trở thành hiện thực, bạn buộc phải cam kết hành động. Phải làm được bằng mọi giá kế hoạch bạn đã đặt ra. Nếu thiếu sự cam kết và quyết tâm thì mãi sẽ chẳng có sự thay đổi nào xảy ra trong cuộc sống của bạn.
4. Chấp nhận đổi lấy những gì tốt đẹp hơn trong tương lai
Kỷ luật bản thân đồng nghĩa với việc bạn phải từ bỏ những thói quen trước đây và tạo ra những thói quen mới. Cảm xúc, dục vọng và đam mê sẽ là những rào cản lớn nhất mà bạn phải vượt qua. Tất cả những điều này đòi hỏi ở bạn sự can đảm, dám từ bỏ, dám đối đầu và chiến thắng chính bản thân mình.
Cái giá của việc giữ kỷ luật luôn ít hơn nỗi đau của sự tiếc nuối
Hãy khắc ghi câu nói này khi bạn đang cảm thấy do dự: “Bạn có thể mất một vài năm của hiện tại để đổi lấy 20, 30 năm hay thậm chí là toàn bộ năm tháng còn lại của cuộc đời mỉm cười trong mãn nguyện.” Tất cả những nỗ lực và khó khăn của bạn sẽ được đền đáp khi bạn biến ước mơ của mình thành hiện thực. Và đây là lý do thực sự tại sao trở thành một người có kỷ luật với bản thân lại rất đáng giá. Có thể không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy thoải mái khi bạn buộc mình phải giữ kỷ luật, nhưng cuối cùng phần thưởng của bạn sẽ bù đắp cho bạn.