Gửi ...

Vầng trăng tháng 8 tỏa ánh sáng mát dịu bao trùm không gian, cùng với ánh sáng chiếc đèn lồng và mùi hương của chiếc bánh Trung Thu, con đường rước đèn tràn ngập tiếng hát, tiếng nô đùa và cười vui phấn khích của các bạn nhỏ, ...” chắc hẳn đó là hình dung về một bức tranh ngày Tết Trung Thu “kiểu mẫu” mà chúng ta thường hay đọc được trên báo và mạng. Tuy vậy, Trung Thu trong kí ức của tôi lại là ngoại lệ trong số đó…

Gửi tới Tôi những mùa Trung Thu trước…

Là một đứa trẻ sống trong thành phố, những ngày Trung Thu, vầng trăng trong tuổi thơ tôi không phải là một Mặt Trăng sáng vằng vặc hay hiền hòa mát dịu, mà chỉ là một chấm đặc biệt, to hơn những dấu chấm khác trên bầu trời, đôi khi còn hơi mờ mờ nhường “spotlight” cho ánh đèn đường soi lối cho chúng tôi đi rước đèn. Trung Thu của tôi cũng không tràn ngập tiếng hát ca, mà là một thứ tạp âm trong một khung cảnh nhốn nháo mà đôi khi cũng có thể gọi là “hỗn loạn”. Tiếng trống, tiếng chiêng, hòa lẫn với tiếng cãi vã của những đứa trẻ khi chúng xô đẩy và giẫm lên chân nhau, tiếng còi ô tô bấm liên hồi của những tài xế bất lực khi đám đông rước đèn làm tắc đường, tiếng các chị các mẹ dỗ cho các em nhỏ ăn với câu dọa muôn thuở: "Không ăn thì ông đầu lân kia bắt đi đấy”, hay cả tiếng khóc ré của những em bé khi bị những người đeo mặt nạ xanh đỏ hay cái đầu nhiều lông lá dọa cho phát khiếp,... và tôi cũng là một trong số những em bé đó. Khi còn nhỏ xíu hồi mẫu giáo, thay vì cảm giác háo hức khi được đi rước đèn hay xem múa lân, tôi lại cảm thấy bất an, bồn chồn và sợ hãi khi thấy đoàn múa lân đi qua nhà mình. Bởi vì nhà tôi bán quần áo, nên mỗi khi có đoàn múa lân qua, bố mẹ tôi hay mời họ vào nhà biểu diễn, mà theo như bố mẹ tôi thì để cho “vui cửa vui nhà”. Nhưng đối với tôi, mỗi khi có đoàn múa lân vào nhà, tôi thường cố gắng chạy khỏi chỗ đó càng xa càng tốt. Đối với một đứa bé, đó có thể được ví như một cuộc rượt đuổi sinh tử vậy. Có những lúc tôi thoát được, nhưng cũng có những lúc tôi bị kẹt lại và phải đối mặt với sự sợ hãi tột cùng khi những cái mặt nạ xanh đỏ hay cái đầu lân mắt trợn trừng cứ dí sát vào mặt tôi. Về sau tôi đã nghĩ ra được cách đối phó, cứ nhắm chặt mắt và vung chân tay tung “liên hoàn chưởng” để trốn thoát khỏi đoàn múa lân ấy. Nhưng đâu thể thoát được mãi, khi đi rước đèn tôi lại phải chạm mặt với nỗi ám ảnh ấy mà còn đáng sợ hơn khi những cái mặt nạ khủng khiếp, những cái đầu lân cứ thoắt ẩn thoắt hiện trong đêm tối khiến tôi bao phen thót tim. Dưới góc nhìn của một đứa bé mẫu giáo, câu chuyện về cái đầu lân và mặt nạ ông Địa vào những ngày Trung Thu không khác gì những thước phim kinh dị, mà về sau này khi không còn nỗi sợ ấy nữa, đôi lúc tôi vẫn nghĩ về và bật cười vì sự ngô nghê của mình ngày ấy.

Ngoài cái đầu lân và mặt nạ ông địa thì tôi thích mọi thứ liên quan đến Trung Thu. Đối với một đứa trẻ, những gì nó thích nhất, mong đợi nhất khi dịp Trung Thu đến không phải là ánh trăng tròn, tiết trời thu mát mẻ hay không khí tình thân ấm cúng mà là bánh kẹo và những món đồ chơi mới. Kể từ khi lớn hơn một chút, nỗi sợ hãi của tôi về những đêm Trung Thu với đoàn múa lân đã không còn, tôi tinh nghịch hơn, hiếu động hơn, tôi đã có thể tự mình đi rước đèn và nhận phần thưởng bánh kẹo. Hồi ấy tôi vẫn nhớ mình mê mẩn đôi cánh tiên, những chiếc mặt nạ “dát vàng, dát bạc, đính kim cương” hay chiếc vương miện công chúa mà tôi và những đứa con gái hàng xóm thường đem ra so sánh. Còn nhớ có lần tôi đòi mẹ mua chiếc mặt nạ công chúa rất đẹp ngoài hiệu sách, nhưng mẹ không cho vậy là năm đó tôi dỗi không thèm đi rước đèn hay phá cỗ nữa. Rồi là không biết đã bao nhiêu chiếc đèn ông sao tan nát dưới tay tôi khi tôi dùng chúng để làm vũ khí “tỉ thí võ công” với đứa hàng xóm. Suốt chặng đường rước đèn của tôi là những cuộc tranh cãi, so sánh xem đồ chơi của ai xịn hơn, đẹp hơn. Tôi đã từng khóc lên khóc xuống và cảm thấy không gì có thể tổn thương hơn, thất vọng hơn khi mẹ mang về cho tôi chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không thay vì mặt nạ công chúa. Và còn một điều mà tôi cực kì thích ở Trung Thu là được ăn bánh kẹo thỏa thích. Ở nhà bố mẹ tôi không cho tôi ăn vặt nhiều nên mỗi dịp Trung Thu là cơ hội “một năm có một” để tôi được dịp thỏa sức bung xõa. Ở khu phố mà tôi sống có một quy định là hộ nào ở khu vực thuộc tổ nào sẽ phải ăn tết Trung Thu ở chỗ đó. Nhưng dường như quy định đó chả có ý nghĩa gì đối với một đứa trẻ chưa hiểu biết. Cứ thấy đám rước đèn nào to nhất thì tôi sẽ bám theo đến tổ dân phố của họ, vì đám nào hoành tráng nhất thì đương nhiên cỗ cũng sẽ to. Vậy là tôi lẻn vào nhà văn hóa của tổ dân phố khác, chen lấn, tranh thật nhiều bánh kẹo với lũ trẻ mà thậm chí tôi còn chưa thấy mặt bao giờ. Tôi mang thật nhiều bánh kẹo về nhà, xong lại chạy ra đó lấy tiếp. Cứ hai ba lượt như thế, “chiến lợi phẩm” ngày hôm ấy khá lớn, tôi thậm chí còn phải tìm thêm túi để đựng hết chỗ đó. Tuy nhiên chẳng có gì là thuận buồm xuôi gió, trên đường về nhà tôi đã bị chó đuổi từ tổ dân phố đó cho đến tận gần nhà mình. Tôi vẫn nhớ ngày tôi lớp 3 hay lớp 4, ở một siêu thị gần nhà tổ chức Trung Thu, những bạn lên biểu diễn trên sân khấu đều sẽ được nhận một gói bim bim. Vậy là một mình tôi đã “oanh tạc” sân khấu đấy, trong khi em tôi ngồi ở dưới ra sức tô màu thật nhiều tranh càng tốt để đổi lấy kẹo. Tôi hát, nhảy múa và làm đủ mọi trò dù trông có vẻ kì cục để được nhận thưởng. Không biết siêu thị hôm đấy có lỗ không nữa, bởi vì tôi nhớ là số lượng phần thưởng không đủ và họ phải vào siêu thị lấy thêm. Hôm ấy tôi nhận được nhiều bim bim đến nỗi bố tôi phải về lấy xe máy để “vác” đồ về mà hai chị em tôi vẫn khệ nệ ôm đầy tay bánh kẹo. Sau hôm ấy, bố tôi rất tự hào khi về kể chuyện tôi “oanh tạc” sân khấu cho mọi người, có lẽ bố luôn mong tôi được tự tin, hoạt bát và hạnh phúc như thế.

Lớn hơn một chút, chính xác là đầu năm lớp 7, tôi đã lần đầu tiên tự làm ra một mâm cỗ Trung Thu cùng các bạn trong tổ. Với khả năng vẽ của mình, tôi đã tạo ra những hình múa lân, đèn ông sao để cắm vào mâm cỗ cho thêm phần rực rỡ. Kết quả là chúng tôi được giải Nhất, dù chỉ là một cuộc thi nhỏ trong lớp nhưng tôi nghĩ đó cũng là một sự ghi nhận đáng quý với tôi lúc bấy giờ. Những mùa Trung Thu qua đi, tôi lớn hơn một chút nữa, bắt đầu bước vào thời thiếu niên, độ tuổi dậy thì ẩm ẩm ương ương. Lúc đó tôi đã từng nghe một số người bạn trong lớp nói rằng: “Chỉ có “trẻ trâu” mói đi chơi Trung Thu, đi rước đèn thôi”. Vậy là từ đó trở đi, những hứng thú với Trung Thu của tôi không còn nhiều nữa, tôi ở nhà nhiều hơn thay vì đứng trực chờ trước cửa chờ đoàn rước đèn đi qua. Lúc đó em tôi vẫn còn nhỏ, tôi vẫn nhớ hôm đó mẹ tôi “bắt” tôi phải dẫn em đi Trung Thu mặc dù tôi không muốn chút nào. Vậy là tôi dắt tay em đi một cách miễn cưỡng, trên đường đi chỉ muốn giấu mặt vào đâu cho xong, tình cờ gặp bạn bè người quen ngoài đường cứ cố tình lơ đi. Và rồi nhà tôi chuyển nhà, đến một khu phố vắng vẻ, yên tĩnh hơn. Trung Thu ở đây không ồn ào và náo nhiệt như ở nhà cũ, không có đoàn múa lân rước đèn lớn như trước, không khí Trung Thu cũng không rộn rã, huyên náo như khi tôi còn nhỏ. Ấn tượng về Trung Thu của tôi nhạt dần, nếu trước đây tôi đợi chờ Trung Thu từ mấy tháng trước thì giờ có khi tôi quên mất luôn ngày Trung Thu là ngày nào. Tôi nằm nhà lướt điện thoại, nhìn những hình ảnh đi chơi Trung Thu trên facebook thay vì ngóng trông và chạy theo mọi đoàn rước đèn giống như khi tôi còn nhỏ. Tôi thờ ơ lướt qua những gian bán đồ chơi, những đôi cánh tiên hay vương miện công chúa – những thứ mà tôi coi như cả ước mơ hồi còn nhỏ. Thú thật, đã có những lúc tôi “ghét” Trung Thu khi bị mẹ “bắt” đưa em đi rước đèn, tôi thậm chí còn cho rằng đó là một ngày lễ phiền toái. Nhưng tôi đâu biết rằng, tôi của sau này sẽ rất nhớ những ngày “phiền toái” ấy, và nhiều khi còn tự trách bản thân tại sao ngày ấy lại bỏ lỡ những buổi rước đèn huyên náo, xem múa lân và phá cỗ với bao nhiêu phần thưởng, bánh và kẹo…

Đó là toàn bộ những gì hiện về trong tâm trí tôi khi tình cờ đọc được thông báo tổ chức cuộc thi viết “Hoài Niệm Ánh Trăng Xưa” trên facebook. Hồi ức về Trung Thu của tôi không phải là một viễn cảnh hoàn hảo với làn gió mát, ánh trăng sáng thơ mộng mà là những mùa Trung Thu nơi thành thị, những kí ức và kỉ niệm nghe có vẻ rất hài hước, đôi khi còn thật kì cục. Hoài niệm về những ngày Trung Thu của tôi mặc dù không đẹp đẽ, không thơ mộng, thậm chí có những lúc tôi rất yêu Trung Thu, cũng có lúc “ghét cay ghét đắng” ngày lễ này. Nhưng đối với một đứa trẻ, tôi thấy vậy là đủ, đủ để khi nhìn lại và khơi gợi hồi ức của tuổi thơ tôi, những ngày Trung Thu luôn trở thành một miền kỉ niệm không bao giờ phai, luôn mang đến cho tôi nụ cười và niềm hạnh phúc khi nghĩ về…

Khi tôi lướt mạng hay đọc báo những ngày gần Trung Thu, tôi lại bắt gặp những người lớn kể về hồi ức tuổi thơ tươi đẹp của họ mỗi dịp Trung Thu, xong lại than thở rằng họ đã mất đi tuổi thơ, mất đi những giây phút hạnh phúc tận hưởng ngày lễ này, bởi vì áp lực công việc, bởi vì công nghệ phát triển khiến con người ngày càng xa nhau,… Mới đầu tôi cũng đã từng nghĩ như vậy, nhưng về sau tôi nhận ra rằng không phải. Dĩ nhiên Trung Thu thời thơ ấu là những hoài niệm không thể quên, vì trong mỗi người lớn đều tồn tại kí ức về những đứa trẻ mê mẩn mặt nạ siêu nhân, công chúa, thích được ăn thật nhiều bánh dẻo bánh nướng và đôi khi sợ hãi đầu lân, ông Địa,… Nhưng tôi không mong rằng họ hoài niệm về mùa Trung Thu, về ánh trăng xưa để than vãn, buồn rầu mà ngược lại, để học cách trân trọng, tận hưởng những ngày Trung Thu sắp tới. Tôi cá rằng những đứa trẻ hồn nhiên của quá khứ sẽ giận dỗi và thầm trách chúng ta tại sao không đón một mùa Trung Thu thật vui vẻ, hạnh phúc. Thời gian trôi đi, không có gì là mãi mãi. Là một người sống ở thời hiện tại, chúng ta chẳng thể mong muốn một mùa Trung Thu như những năm về trước. Là một người lớn, chúng ta không thể tận hưởng Trung Thu với cái nhìn thơ ngây, tinh nghịch của trẻ nhỏ. Không có mùa Trung Thu nào cũng mang âm hưởng, không khí vẹn nguyên như Trung Thu trong kí ức tuổi thơ, chúng ta dần lớn lên, và Trung Thu cũng dần thay đổi theo thời đại. Tuy nhiên sẽ có một điều không thay đổi, đó chính là mỗi năm Trung Thu sẽ đến một lần. Người ta nói tết Trung Thu là ngày vui của thiếu nhi, nhưng không ai nói rằng người lớn không thể tận hưởng ngày vui đặc biệt này. Nếu không sống trong không khí những ngày Trung Thu hồn nhiên, thơ ngây, chúng ta có thể “chơi” Trung Thu theo cách của người lớn. Và với tôi, tết Trung Thu trong mắt của người lớn mang đến những dư vị rất khác.

Gửi tới Tôi mùa Trung Thu năm nay – mùa Trung Thu đầu tiên của một người lớn…

Năm nay tôi 18, và tôi đang bước những bước đầu trên hành trình trở thành một người lớn. Tôi không còn ăn vạ, giận dỗi khi mẹ không mua mặt nạ công chúa cho mình, cũng không ham mê bánh kẹo, giành ăn bánh dẻo, bánh nướng, cũng không còn sợ hãi đoàn múa lân hay mua đèn ông sao để “tỉ thí võ công” với các bạn. Trung Thu đến với tôi không mang theo niềm háo hức, hồi hộp đợi mong mà mang đến cho tôi cảm giác ấm cúng, hạnh phúc khi được tận hưởng không khí nhộn nhịp, đường phố thay áo mới với những chiếc đèn lồng, đèn nhấp nháy đầy màu sắc. Gần đây khi nghe dự báo thời tiết sẽ có siêu trăng, tôi đã từng ngước nhìn lên bầu trời để ngắm trăng – một hành động đã lâu tôi không làm từ khi còn nhỏ. Mặt trăng với một đứa trẻ chỉ đơn thuần là một dấu chấm to nhất trên bầu trời đêm, hoặc có khi là nơi ở của chị Hằng và chú Cuội. Nhưng đối với một người lớn, khi ngước nhìn mặt trăng và tận hưởng sự êm ả từ ánh sáng xanh của nó, tôi lại cảm nhận được không khí ấm cúng, vẹn tròn của một mùa Trung Thu sắp tới. Thay vì được nhận quà, năm ngoái tôi đã cùng với mẹ tự tay chuẩn bị quà Trung Thu cho các em bé hơn, và tôi cảm nhận niềm vui Trung Thu thông qua công việc đó. Tôi bắt đầu yêu không khí tất bật, bận rộn khi chuẩn bị bánh trái, hoa quả cho ngày tết đặc biệt ấy.

Khi còn là một đứa trẻ, chúng ta được tận hưởng mọi thú vui tết Trung Thu, khi lớn lên, chúng ta tạo ra ngày Trung Thu cho trẻ nhỏ. Ai nói rằng Trung Thu sẽ mất đi khi chúng ta lớn lên? Đối với người lớn hay trẻ nhỏ, Trung Thu đều sẽ mang lại những cảm nhận rất riêng, có thể không nhộn nhịp, thích thú thì sẽ sâu lắng, đầm ấm. Không ai mãi là một đứa trẻ để tận hưởng ngày Trung Thu hồn nhiên thơ ngây, nhưng khi là người lớn, chúng ta vẫn có thể sống trong không khí những ngày Trung Thu bằng cách tạo nên ngày tết Trung Thu thật đặc biệt, để chính mình và Trung Thu trở thành một phần kí ức tuổi thơ của những đứa trẻ. Và bằng cách đó, tôi đã tìm thấy và gặp lại tuổi thơ tôi trong đôi mắt trong veo, mong ngóng Trung Thu của các em…