Bài học đầu tiên ba dạy cho con
Đã hơn 6 tháng kể từ ngày con nhận được tin ba xa con mãi. Hơn 6 tháng qua, thật sự không đếm được bao nhiêu đêm con nghĩ về ba rồi lặng lẽ khóc một mình, không phải khóc cho ba, mà là khóc cho con. Khóc cho những vụng dại, lỗi lầm con đã làm với ba mà không bao giờ con thay đổi được...
Ba xa con từ lúc con còn trong bụng mẹ. Khi lớn lên con vẫn thường thầm trách giận, dè bỉu sao ba chẳng dạy con được điều gì tử tế. Để rồi đến tận bây giờ, gần 30 tuổi đầu, con nhận thức rõ ràng rằng chính sự ra đi của ba lại là bài học lớn nhất đời con. Một bài học khơi dòng cho mọi bài học.
Buổi sáng lúc nhận được tin nhắn của anh Ba chỉ ngắn gọn mấy chữ: "Ba mất rồi. Vững tinh thần nghen, khoan cho mẹ biết." là lúc con đưa mẹ phơi nắng dưới sân trong khu cách ly dành cho bệnh nhân Covid. Cũng trong buổi sáng đó, con nhận được thông báo con và mẹ có kết quả PCR âm tính, được về nhà. Tụi con không dám cho mẹ hay tin. Tụi con sợ di chứng của Covid cộng với hung tin về ba sẽ làm cho mẹ bị tai biến lần hai. Con kiên nhẫn đợi chờ tờ ra viện và xe của khu cách ly đưa hai mẹ con về nhà. Trong lúc đó, con đã bình tĩnh để nhận từng tin báo:
"Anh Hai đang đưa ba tới lò thiêu."
"Đã tới lò thiêu."
"Thiêu xong rồi."
"Đang đưa ba về nhà."
...
Hơn 7h tối, con và mẹ về đến nhà. Gọi là nhà nhưng đó cũng không còn là nhà của mình nữa. Đồ đạc đã được anh Ba và con chú Mười đóng thùng để chuẩn bị chuyển về quê. Vì đất và nhà ba đã bán trước đó với ước mong cuối đời được chết ở quê hương xứ sở. Xe đã đặt, nhà đã bắt đầu dọn, cứ nghĩ chỉ còn 2 ngày nữa là ba sẽ được về lại quê nhà, sẽ hoàn thành tâm nguyện cuối đời ba.
Có những sự việc, giá như chậm lại một chút, giá như chỉ khác đi một chút sẽ bớt thương tâm cỡ nào... Giá như ngày đó người đi đến bệnh viện cùng ba là anh Hai, anh Ba, chị Tư hay bất kỳ ai khác mà không phải là con... Giá như ngày đó cả nhà test Covid trước khi đưa ba đi bệnh viện thông tiểu... Thì bệnh viện đã không vô tình phát hiện con dương tính với Covid... Thì con đã không bị đưa vào khu cách ly của xã như một tù nhân bị giam lỏng... Thì ba đã không bị đưa vào khu cấp cứu của bệnh viện tỉnh... Mọi việc cứ dồn dập dồn dập đến mà nếu hay giá như... thì đã tốt đẹp hơn biết bao...
Con âm tính thì hay tin mẹ ở nhà dương tính với Covid. Năn nỉ không biết bao nhiêu lần thì những quản lí gương mẫu kỷ cương trong khu cách ly mới đồng ý cho con về nhà để cùng mẹ đến khu điều trị Covid của huyện. Con và mẹ vừa vào khu điều trị thì hôm sau lại biết tin ba dương tính với Covid và được đưa vào phòng cách ly của bệnh viện tỉnh để chăm sóc. Anh Hai bị mời ra khỏi bệnh viện, trở về địa phương để cách ly tại nhà theo diện F1. Sau khi nhờ vả tất cả những mối quan hệ mà gia đình mình có, anh hai mới được ở lại bệnh viện trong khu điều trị F1 để chờ tin ba. Cứ như vậy rồi ba vừa một mình chống chọi với những cơn đau của căn bệnh ung thư thời kỳ cuối, vừa một mình chiến đấu với Covid trong phòng cách ly của bệnh viện. Chỉ một mình ba...
Những ngày đó, thỉnh thoảng chị Tư lại nhắn cho con: "Ông ngoại giờ đâu rồi dì út...", "Có ai đắp mền cho ông ngoại không dì út...", "2 ngày rồi không có tin gì của ông ngoại hết vậy dì út ơi...". Ấy vậy mà con vẫn cứ tin rồi con với mẹ sẽ về nhà, rồi ba cũng sẽ được về nhà, rồi cả nhà mình sẽ cùng đưa ba về lại quê... Cho đến đêm trước 2 ngày ba mất, ba mượn được điện thoại của một chị điều dưỡng trong phòng cách ly, lén lút nhờ chị gọi cho con. Dù trước đó con đã được điều dưỡng trưởng báo tình hình ba không ổn, cả nhà nên chuẩn bị tinh thần, nhưng con vẫn không hề nghĩ rằng đó là lần cuối cùng con được nói chuyện với ba ở kiếp sống này... Con hỏi ba có tâm nguyện gì chưa hoàn thành không, ba cho con biết để lỡ ba có chuyện gì tụi con sẽ làm thay ba. Lúc đó ba vẫn chưa biết mẹ bị Covid. Ba chỉ cười rồi hỏi con được về nhà chưa. Con nói dối rằng con được về rồi và mẹ vẫn khỏe. Lời cuối cùng ba dặn lại với con là "Thôi, có con về lo cho mẹ là ba yên tâm rồi"... Sao vậy ba ơi? Hai năm, ba được phát hiện bệnh ung thư, ba vẫn hàng ngày một mình chăm sóc cho mẹ bị tai biến trước đó một năm. Ba không kêu ca hay trách hờn một đứa con nào đã đành lòng để ba một mình chăm sóc mẹ. Mỗi lần tụi con hỏi: "Ba lo được không ba?" Ba đều nói: "Con cứ lo việc của mình. Ba lo cho mẹ con được". Phải chăng vì ba mặc cảm đã không lo lắng được cho tụi con chu toàn từ những ngày thơ bé? Phải chăng do tụi con đã đặt ra cho ba quá nhiều tiêu chuẩn của một người cha hoàn hảo để mà trách cứ, hờn giận? Để rồi tụi con cứ êm đềm với cuộc sống riêng mà để ba mẹ thân mang bệnh nặng tự chăm sóc nhau giữa mảnh vườn gần 30.000 mét vuông? Để rồi đến lúc cuối đời, điều ba lo lắng cũng chẳng gì khác hơn là sức khỏe của mẹ...
Con nói với mẹ ba mất rồi, vậy nhưng mẹ vẫn cứ nghĩ con chỉ đùa. Về đến nhà gặp anh hai, anh ba, con chú Mười, gặp ai mẹ cũng kêu gọi điện hỏi coi ba sao rồi... Mẹ nằm nghỉ trên bộ đi-văng ở nhà dưới, tụi con thiết trí bàn thờ tạm cho ba ở nhà trên. Chốc chốc mẹ lại ra dấu kêu gọi điện cho gặp ba. Tụi con đứa nào cũng ôm mẹ nói ba mất rồi mà mẹ vẫn không tin. Đến sáng hôm sau, khi bàn thờ ba đã tươm tất đầy đủ mọi thứ, con đẩy mẹ trên xe lăn ra nhà trước để nhìn bàn thờ ba. Lúc đó mẹ đã òa khóc nức nở. Di chứng của căn bệnh tai biến 3 năm về trước khiến mẹ không đi đứng và nói chuyện được. Mẹ chỉ có thể ngồi trên chiếc xe lăn, chỉ vào di ảnh ba rồi ú ớ khóc nghẹn ngào... Rồi thì ba cũng về được đến quê như nguyện ước. Chỉ khác là không về bằng hình hài máu thịt mà về bằng bức di ảnh cùng hũ tro cốt đã nguội lạnh...
Từ ngày ba mất, con đã bình tĩnh để cùng anh chị chuyển nhà, đã bình tĩnh để có thể hoàn thành những nghi lễ tôn giáo từ an sàng vong, cúng cơm mỗi bữa, cúng thất mỗi tuần cho ba. Rồi sau 49 ngày của ba, anh chị trở lại Sài Gòn với công việc của mỗi người. Chỉ còn mình con và mẹ ở quê nhà với bàn thờ ba. Bốn mươi chín ngày, những tưởng ngần ấy thời gian đã giúp con quen với cảm giác mất ba. Thế nhưng sau thời gian bận rộn với việc cúng kiếng, là lúc con nghĩ về ba với nỗi xót xa đến nghẹt lòng... Cuộc đời ba là một chuỗi dài những nỗi niềm u uất ẩn chứa bên trong. Ông bà nội không thương, các cô chú cũng không mấy thuận thảo. Ba chỉ còn gia đình nhỏ của mình làm nguồn an ủi. Nhưng những đứa con của ba lại chưa một lần nói tiếng thương ba, chưa một lần cho ba sự dịu dàng, ấm áp mà chỉ toàn dành cho ba những thái độ cộc cằn, dè bỉu, phụng phịu…
Cuộc đời con đã lo tang sự cho không biết bao nhiêu người. Con cũng biết cuộc đời ngắn ngủi, vẫn thường nói với bạn bè hãy trân trọng những người thân còn quanh mình. Ấy vậy mà… Con đã chẳng biết trân trọng sự hiện diện của ba…
Ba mất. Lần đầu tiên con hiểu thế nào là cảm giác khi nghĩ đến những lần cuối cùng được gần ba… Để rồi lòng chỉ biết tiếc nuối và ân hận vì đã không biết thương ba nhiều hơn, nhẹ nhàng với ba nhiều hơn… Ba mất rồi, con mới hiểu ba đã bao dung cho những đứa con non dại của ba đến dường nào. Ba mất rồi, khi con một mình vừa chăm sóc mẹ, vừa kiếm thêm tiền, con mới hiểu hết những vất vả trong 3 năm qua của ba kể từ ngày mẹ bị tai biến. Ba mất rồi, con mới nhận ra con đã từng có những thái độ sai trái, hành vi tồi tệ với ba nhiều đến thế nào. Ba mất rồi, con mới nhận ra những điều bao lâu nay con theo đuổi, cái mà con gọi là lý tưởng cao đẹp để dấn thân chỉ là những trò huyễn hoá, phù phiếm để con che lấp bản ngã yếu hèn của mình.
Để rồi giờ đây, trong mỗi việc nhỏ con làm hằng ngày luôn ẩn hiện hình ảnh và ước mong của ba. 7 tháng cuối cùng chăm sóc ba, con cũng vừa đặt những bước chân lạ lẫm đầu tiên vào thế giới của khái niệm “cơ thể tự chữa lành”, nhờ đó mà con đã đem lại nhiều niềm vui về sức khoẻ cho những người quanh con trong hiện tại. Biết ơn ba đã dạy cho con bài học đầu tiên nhưng lại là bài học then chốt để con định hình lại con đường tương lai của mình. Biết ơn ba đã dạy cho con bài học yêu thương, thấu hiểu vô cùng sâu sắc bằng chính sinh mạng của ba.Nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu, từ từ thở ra… Với tất cả tâm thành, xin gửi đến ba lời thương con chưa nói. Con sẽ là sự tiếp nối đẹp đẽ từ ba, ba nhé!