Ánh Trăng Xưa
Đã lâu lắm rồi tôi chưa ngắm trăng. Từ khi bắt đầu sống ở thành phố đến nay, hiếm khi tôi chủ động nhìn lên bầu trời để tìm trăng. Không phải là tôi không còn cái thú ấy, cũng không phải là trăng không còn đẹp hay mang nét bí ẩn thơ mộng như tôi vẫn thường thấy khi còn bé, mà là vì ở thành phố thực sự khó có thể ngắm và cảm nhận được toàn bộ vẻ đẹp lung linh huyền ảo của trăng. Ở đây, màn đêm dường như không bao giờ buông xuống, đủ loại ánh sáng đã thế chỗ nó, từ ánh đèn đường, ánh đèn xe cộ lưu thông không ngừng nghỉ, ánh sáng đủ màu của những bảng quảng cáo ngoài trời đến ánh đèn từ những ô cửa sổ của các cao ốc hiện đại, … tất cả những ánh sáng này hòa vào nhau làm cho ngay cả bầu trời dường như cũng đánh mất màu sắc vốn có của nó và cũng khiến ánh trăng không còn thực nữa – cứ như thể giữa ta và trăng luôn có một bức màn ngăn cách vậy. Vì thế tôi cũng dần không còn thói quen ngước lên bầu trời đêm, cũng không còn biết khi nào thì trăng tròn hay khuyết nữa.
Ánh trăng của bây giờ không như ánh trăng ngày trước, tôi của khi đó và tôi của bây giờ cũng đã khác đi nhiều. Tình cảm cũng vì thế mà đổi thay. Trung Thu giờ đã không còn là dịp mà tôi trông mong đợi chờ, hay còn coi nó là dịp đặc biệt như hồi còn nhỏ nữa. Những kỷ niệm ngày bé cũng đã dần phai nhạt theo năm tháng, theo độ tuổi. Người ta hay nói rằng, là người lớn rồi thì mấy ngày lễ cho con nít chẳng nên là thứ làm mình bận tâm hay vì thế mà lãng phí thời gian. Có phải vậy không nhỉ? Nhưng chẳng lẽ cứ phải là trẻ con thì mới có thể coi Trung Thu là dịp đặc biệt hay mới được háo hứng mong chờ sao? Quan niệm đó từ đâu ra vậy và bản thân tôi có cần phải nhất nhất theo nó không?
Tôi lớn lên ở vùng quê nên luôn có cơ hội gần gũi với thiên nhiên – đối với tôi, chỉ việc ngắm nhìn những bông hoa cộng sản nở rộ hai bên đường, ngửi mùi hương thơm nhè nhẹ của chúng là đã đủ để khiến tôi vui rồi – hoa thường nở rộ vào cuối đông, hoa nở cũng là tín hiệu mùa xuân đã cận kề – tuy chúng chỉ là những bông hoa mọc dại nhưng lại ẩn chứa một nét đẹp quyến rũ mà những loài hoa được chăm sóc bằng bàn tay con người không thể nào có. Tôi cũng thường bị cuốn hút với những điều bí ẩn trong cuộc sống và về các hiện tượng tự nhiên – khi còn nhỏ, tôi không có nhiều đồ chơi để có thể luôn ngồi yên trong nhà nhưng cũng không thể lúc nào cũng chơi những trò trẻ con với những đứa con nít xung quanh – tôi là đứa bé nhất nên mấy trò đuổi bắt tôi không thể nào theo kịp những đứa khác, thay vào đó tôi thích ngắm nhìn mọi thứ xung quanh và tò mò về nguồn gốc của những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết và về những nhân vật xuất hiện trong đó hơn. Thích những buổi tối nằm ngắm trăng với ba mẹ và nghe họ kể chuyện để rồi sau đó vừa cảm thấy sợ nhưng cũng vừa cảm thấy phấn khích, muốn nghe nhiều hơn.
Bất giác tôi nhớ tới bài thơ Waka của nhà thơ Nhật Bản Sakyo no Daibu Akisuke:
“Trăng chờ gió thu nổi
Thổi nhẹ để mây tan
Nghiêng mình qua kẽ hở
Vằng vặc ngắm nhân gian.”
Nhắm mắt lại và đọc to thành tiếng bài thơ, tôi tự cho phép mình được thỏa sức tượng tượng và hóa thân thành trăng – tôi nhớ ba nói trăng sẽ tròn, to và sáng nhất vào rằm tháng 8. Đúng vào dịp Trung Thu. Đã khá lâu rồi từ lần cuối tôi thực sự tham gia những hoạt động truyền thống vào dịp Trung Thu. Khi còn nhỏ tôi vẫn thường đi rước đèn với những đứa trẻ ở vùng quê tôi sống ... Những hoài niệm này, dường như chạm vào một điều gì đó đã xảy ra mà tôi ít khi đụng tới, tâm trí tôi bắt đầu trôi dạt về miền ký ức xưa ...
Tôi nhớ về chiếc lồng đèn đầu tiên của mình – lúc đó tôi tầm 5-6 tuổi, đó là chiếc lồng đèn mô hình máy bay trực thang chạy bằng pin với thân màu vàng, đuôi và cánh màu hồng, vì thế tôi đã rất háo hức xem nó khác biệt như thế nào với những chiếc đèn ngôi sao thắp bằng nến mà tôi thường nhìn thấy – những năm trước ba mẹ nói tôi còn nhỏ, đèn đốt nến lại làm bằng giấy có vẻ không được an toàn trong tay một đứa bé như tôi. Khi ba nắp pin xong và nhấn vào công tắc trên tay cầm thì đèn bên trong sẽ sáng lên đồng thời còn có tiếng nhạc phát ra – tôi không nhớ rõ đó là giai điệu gì. Tối đó, một tay ba nắm bàn tay nhỏ của tôi, tay kia thì cầm chiếc lồng đèn để đợi khi nào đến đầu làng, nơi tụi nhỏ chúng tôi tập trung cùng đi rước đèn, ba mới bật công tác và đưa cho tôi cầm. Tôi sẽ cùng những đứa trẻ khác đi rước một vòng quanh làng và cùng xem múa lân ở nhà sinh hoạt xóm. Ba thì đợi ở đây để lát sau đưa tôi về nhà còn mẹ đang chờ ở nhà với vài món bánh tôi thích. Không phải loại bánh Trung Thu bây giờ mà là bánh nướng, bánh dẻo và một ít cốm ngọt.
Ba cõng tôi vì tôi nói mình đã mỏi chân và không muốn đi bộ thêm nữa, thực ra mục đích chính của tôi là để mình có thể cùng ngắm vầng trăng sáng ở trên cao ở vị trí của ba. Ba mẹ đã kể tôi nghe câu chuyện cổ tích về chú Cuội, chỉ cho tôi cái bóng mờ của cây đa nơi chú Cuội đang ngồi và ngày hôm nay hẳn chú cũng đang chờ mong như tôi, chú cũng mong được ngắm nhìn ánh trăng nhưng chắc điều mà chú mong hơn nữa là được ngắm nhìn nhân gian – nơi chú cũng từng có gia đình và cũng từng ngắm trăng với những người thân yêu.
Mẹ đã bày bánh trên cái bàn ngoài sân để cả nhà có thể ngắm trăng cùng nhau. Tôi học theo ba hít sâu một hơi rồi ngước nhìn lên bầu trời đêm, trăng vẫn ở đó và dường như trăng cũng đang lặng lẽ nhìn xuống tôi. Tôi có thể cảm nhận làn khí đêm se lạnh đang vuốt ve khuôn mặt mình. Thật là bình yên. Dù chúng tôi không nói điều gì nhưng lại cảm thấy một sự kết nối vô hình. Chúng tôi đang cùng ngắm nhìn ánh trăng kia.
Mải chìm đắm trong những ký ức xưa cũ ấy, tôi bỗng nhận ra đã lâu rồi tôi không còn ngắm trăng cùng với ba mẹ nữa, đã quên đi những giây phút bình yên chúng tôi đã có cùng nhau như thế nào. Quên đi những món quà mà ba mẹ đã chuẩn bị cho tôi với mong muốn tôi cũng được hưởng trọn niềm vui con trẻ. Cho dù đó là chiếc đèn lồng hay vài ba cái bánh thì trong đó vẫn gửi gắm tình yêu mà ba mẹ dành cho tôi. Có phải con người ta càng lớn thì càng có nhiều điều đã thay đổi, họ không còn thấy cần thiết phải làm mọi thứ cùng gia đình, cảm giác gắn kết tình thương mỗi lúc một nhạt đi?
Vì cuộc đời quá hối hả vội vàng hay vì con người ta chẳng còn cảm nhận được tình cảm giữa nhau nữa mà sự kết nối lại trở nên nhạt nhòa vậy nhỉ? Chúng ta vẫn tặng quà cho nhau, vẫn gọi điện hỏi thăm nhau nhưng nó giờ như một kiểu lễ nghi phải có hơn là tình cảm chân thành dành cho nhau. Đôi khi ta còn nói “Vậy là xong” khi kết thúc cuộc gọi, hay khi đã gửi xong gói quá. Như thể trút bỏ được gánh nặng và bổn phận. Không còn sự lưu luyến, không có tiếc nuối vì sao thời gian bên nhau lại ngắn như vậy.
Đúng là cuộc đời mỗi người đều có lúc vui lúc buồn, lúc thăng lúc trầm. Niềm vui hay nỗi buồn đến rồi sẽ lại đi giống như trăng – khi mờ khi tỏ, tròn rồi lại khuyết. Ánh trăng ngày hôm nay đã không còn giống ánh trăng xưa, nhưng những kỷ niệm về Trung Thu cùng gia đình vẫn còn đó để ta luôn có thể sống lại cái thời thơ bé khi gia đình sum vầy bên nhau. Và cũng vì cho dù có phải cách xa nhau hàng ngàn dặm, chúng ta vẫn có thể chia sẻ vẻ đẹp của ánh trăng ngày “hôm nay”.
Ngẫm về những điều đó, tôi quyết định Trung Thu này sẽ về thăm nhà để có thể lại được cùng ba mẹ ngồi bên nhau tận hưởng ánh trăng.
Ôn lại kỷ niệm không phải là vì muốn quay trở lại quá khứ mà là để có thể trân trọng hơn giây phút hiện tại. Hy vọng là chúng ta sẽ được ở bên những người thân yêu của mình nhiều nhất có thể để tận hưởng từng khoảnh khắc bình yên mà chúng ta đang có cùng nhau.